Chúng tôi có dịp về thăm huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình trong một chuyến đi thực tế vào những ngày giữa tháng 11 năm 2018. Đến đây và cảm nhận mới thấy được nhiều sự thay đổi nơi miền quê này. Là huyện miền núi nhưng Cao Phong lại là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế – xã hội, cũng như công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Hòa Bình. Đóng góp cho thành quả này không thể không nhắc đến việc phát triển thành công cây cam đặc sản. Cam Cao Phong không chỉ thơm ngon mà còn thay đổi diện mạo của một huyện vùng cao của núi rừng Tây Bắc.
Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với nền khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, phù hợp sự sinh trưởng và phát triển nên cam, quýt Cao Phong nổi tiếng thơm ngon, mọng nước, vị ngọt, quả màu vàng óng. Nếu đứng từ trên cao nhìn xuống, những cánh đồng cam ở Cao Phong phủ kín những ngọn đồi. Những năm gần đây, người nông dân Cao Phong đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, vì vậy sản lượng cam ngày càng cao, đi cùng với đó là chất lượng cũng ngày càng được đảm bảo.
Chia sẻ với phóng viên của Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Hồ Xuân Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Cam Cao Phong đã trở thành giống cây làm giàu của đồng bào các dân tộc trong huyện. Hiện nay, theo thông kê sơ bộ trên địa bàn huyện Cao Phong có khoảng hơn 2.800ha cây ăn quả có múi, chú yếu là cây cam. Trong đó, đặc biệt phải kể đến là có hơn 1.300ha đang cho thu hoạch...
UBND huyện luôn xác định, cũng như coi cam, quýt là cây mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và làm giàu cho người nông dân. Để tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm các cơ quan chức năng của huyện thường xuyên chỉ đạo làm theo đúng quy hoạch để các vùng cam phát triển đảm bảo quả cam sạch, đảm bảo chất lượng tốt khi đưa ra thị trường. Đồng thời tập trung xây dựng chợ đầu mối, nhà máy chế biến các sản phẩm về cam, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và cho xuất khẩu.
Đối với các xã, thị trấn thuộc UBND huyện có thể nói xã Bắc Phong là một trong những địa phương có diện tích trồng cam lớn nhất với gần 800ha, diện mạo và đời sống của người nông dân nơi đây đã thay đổi nhanh chóng từ khi phát triển cây cam. Những ngôi nhà khang trang được xây dựng ngày càng nhiều, con đường bê tông chạy từ đường quốc lộ vào đến tận vườn, rất nhiều hộ đã mua ô tô…
Song song với đó, công tác bảo vệ môi trường cũng được chính quyền, các cấp hội nông trong huyện đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện thông qua nhiều nội dung, lồng ghép bằng nhiều hình thức như sinh hoạt chuyên đề, tập huấn các lớp phân loại, thu gom rác thải tại gia đình, vận động, tuyên truyền nông dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.
Theo đó, các cán bộ nông nghiệp, cán bộ khuyến nông phải xuống tận cơ sở tổ chức, hướng dẫn cẩn thận cho bà con nông dân khi sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập trung vận động bà con phun những loại thuốc trừ sâu được phép sử dụng. Chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật đã hết được chôn sâu dưới đất và tiêu hủy sau khi kết thúc mỗi đợt phun thuốc...
Cũng theo ông Hồ Xuân Dũng, bên cạnh việc chấp hành các quy định khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đông đảo nông dân trong huyện còn tích cực tham gia giữ gìn bảo vệ môi trường sống xung quanh, thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể như: Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường dọn dẹp, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh… đường làng, ngõ xóm, khu dân cư.
Với sự phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền, cùng với nhiều hoạt động sôi nổi nông dân, cùng với chính quyền, các đoàn thể trong huyện Cao Phong đã góp phần thiết thực trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm. Tăng cường tình đoàn kết, đồng lòng phát triển kinh tế, phát triển quy mô sản xuất, chất lượng cam Cao Phong ngày càng được nâng cao. Hiện thực hóa mục tiêu cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng sáng xanh, văn minh và giàu đẹp hơn.