Nỗi lo khi lũ về

23/09/2014 00:00

(TN&MT) - Hàng chục điểm sạt lở bờ sông trên dòng Thu Bồn - Vu Gia, đoạn chảy qua huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đang khiến hàng ngàn người dân nơi đây sống trong sợ...

(TN&MT) - Hàng chục điểm sạt lở bờ sông trên dòng Thu Bồn - Vu Gia, đoạn chảy qua huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đang khiến hàng ngàn người dân nơi đây sống trong sợ hãi. Đặc biệt, khi mùa mưa lũ cận kề, nước sông từng ngày “ăn” sát nhà cửa, ruộng vườn, nhiều khu dân cư lại phải di dời, nhiều ngôi làng nữa bị trôi ra sông.
   
Nơm nớp sống bên miệng “hà bá”
   
  Huyện Đại Lộc lâu nay vẫn được coi là vùng “rốn lũ” của tỉnh Quảng Nam. Nằm trải dài giữa hai dòng sông Thu Bồn và Vu Gia, huyện Đại Lộc có đến hàng chục điểm sạt lở bờ sông trong tình cảnh nguy hại. Dù chưa phải là mùa cao điểm của lũ, thế nhưng những trận mưa đầu mùa đã khiến hàng ngàn hộ dân sống xung quanh bờ sông thuộc các xã Đại Hòa, Đại Nghĩa, Đại Phong, Đại Cường, Đại Đồng và Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) phải thấp thỏm, hoang mang. Với nhiều người dân Đại Lộc, việc sống chung với lũ lụt đã không còn là chuyện lạ, nhưng sạt lở bờ sông khiến nhiều ngôi nhà có nguy cơ đổ sụp, nhiều ngôi làng phải di chuyển đến vùng đất mới, cuộc sống dường như đảo lộn bởi nạn “sông nuốt làng”.
   
Bờ sông Thu Bồn - Vu Gia đang sạt lở khiến người dân nơi đây sống trong sợ hãi.
    
   
  Đi suốt dọc tuyến sông Thu Bồn và Vu Gia đoạn chảy qua các xã Đại Hòa, Đại Nghĩa, Đại Phong (huyện Đại Lộc), xuất hiện nhiều điểm sạt lở xung yếu do nước sông Thu Bồn, Vu Gia đã xâm thực sâu vào khu dân cư, tạo nên những bờ vực cao và có nơi chỉ còn cách nhà dân vài mét. Thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc, mỗi mùa lũ đi qua, huyện mất 30 - 40 ha đất sản xuất và thổ cư. Vào năm lũ lớn có đến 85 ha đất đã bị cuốn trôi. Thế mới biết, thực trạng sạt lở ven sông đã gây hại và ám ảnh người dân như thế nào.
   
  Là vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Nam, lại chịu nạn sạt lở bờ sông nghiêm trọng, khi mùa mưa lũ đến, chính quyền lại phải đau đầu với bài toán di dời dân. Nhiều năm qua, các ngôi làng ở Đại Lộc buộc phải di dời đến nơi ở mới bởi nạn sạt lở. Ông Lương Thành Nhân (thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh) cho hay, trước đây ông sống ở thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa, nhưng qua mấy mùa lũ, sông Vu Gia xâm lấn liên tục, dai dẳng, người dân trong làng phải chấp nhận đến nơi ở mới, dù điều kiện sống và sản xuất ở đó không bằng làng cũ. “Sạt lở ghê lắm. Chỉ sau vài năm mà chẳng còn ngôi làng Mỹ Thuận, đất sản xuất cũng mất, nên nông dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong sinh kế, nhiều người phải chuyển qua làm việc khác để nuôi gia đình” - ông Nhân nói.
   
Quỹ đất ít, khó khăn trong di cư
   
  Theo ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc: Địa phương nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn và sông Vu Gia, thường xuyên bị sạt lở bờ sông vào mùa mưa lũ, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Nếu không có biện pháp khắc phục thì chỉ trong vòng vài, ba mùa mưa lũ nữa sẽ có hàng trăm ha đất sản xuất của nông dân trôi theo sông. Trước mùa mưa bão năm nay, huyện Đại Lộc đã chủ động xây dựng phương án sơ tán dân. Trong 14 xã của huyện thì xã nào cũng có trường hợp cần sơ tán khẩn cấp, với số nhân khẩu di dời lên đến hàng ngàn người”. Cũng theo ông Tính, việc di tản dân không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhiều lúc phải cưỡng chế vì người dân ở lại để giữ tài sản. Công tác phòng, chống sạt lở bờ sông cũng như di dời dân đến nơi ở mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trước hết là công tác vận động nhân dân di dời đến nơi ở mới. Do tư tưởng chủ quan cũng như tâm lý không muốn rời xa mảnh đất mà bao đời họ gắn bó, cho nên nhiều gia đình quyết tâm bám trụ đến cùng, chờ tới khi “nước đến chân mới nhảy” gây nhiều khó khăn cho chính quyền. Hơn nữa, phần lớn các hộ dân nằm trong diện di dời ở vùng sạt lở thuộc diện nghèo, nhà cửa tạm bợ, chuyên sống bằng nghề nông và sông nước, nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
   
  Theo ông Tính, do quỹ đất có hạn nên việc bố trí đất ở cũng như đất sản xuất cho người dân di dời gặp khó khăn, mỗi hộ từ 150m2 đến 200m2 chỉ đủ ở chứ không thể sản xuất, chăn nuôi. Mặt khác nhu cầu về đất ở để bố trí tái định cư ngày càng tăng nhưng hiện nay đất 5% do UBND xã quản lý ngày càng ít đi, nên phải bố trí từ các nguồn đất khác. Nhiều hộ dân di dời theo hình thức xen ghép phải tự tìm mua đất ở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyện vọng của phần lớn nhân dân vùng sạt lở là muốn Nhà nước xây kè chống sạt lở để bảo vệ nhà cửa, đất sản xuất giúp họ yên tâm sinh sống tại chỗ. Nếu phải di dời thì di dời trong thôn, xã chứ không muốn đi xa.
  Ông Tính cho biết thêm, phương án tốt nhất hiện nay là xây dựng các tuyến kè ở các điểm sạt lở, vừa giữ được làng, giữ ổn định được cuộc sống của nhân dân. Nhưng nguồn kinh phí xây dựng kè rất lớn, đều trông chờ vào nguồn vốn của tỉnh và trung ương. Khi chưa xây dựng được các tuyến kè chống sạt lở trên sông Vu Gia - Thu Bồn, thì năm nào Đại Lộc cũng phải tiến hành di dân mỗi khi có lũ lụt.
   
  Bài và ảnh: XUÂN LAM
  
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo khi lũ về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO