Nỗi lo Bến Hến

Đức Cảnh| 03/09/2020 14:44

(TN&MT) - Nằm tựa mình bên bờ sông La, từ một làng nghề có khoảng 200 hộ, khá nổi tiếng, đến nay, làng hến ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) chỉ còn chưa đến 40 hộ làm nghề. Đây là hệ quả của hàng loạt “bất cập”, trong đó, những hệ lụy từ môi trường là nguyên nhân quan trọng nhất.

Một thời “vang bóng”

Là người có nhiều năm gắn bó với trọng trách đứng đầu chính quyền xã, ông Nguyễn Văn Tuyến- Chủ tịch UBND xã Trường Sơn quả quyết làng hến Trường Sơn chuyển mình rồi đi lên cũng chính nhờ con hến. Từ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quan trọng nhất là hạ tầng giao thông rồi đến xóa đói giảm nghèo để có được sự phát triển như ngày hôm nay.

Nguồn thu nhập từ nghề cào hến những năm trước đã làm thay đổi diện mạo kinh tế của người dân Bến Hến, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ

Bến Hến hay Làng Hến ở xã Trường Sơn là cái tên gắn với nghề hến của người dân nơi đây, theo các bậc cao niên trong làng, không ai biết nghề hến ở làng này có từ bao giờ, chỉ biết khi sinh ra đời con nối tiếp đời cha ông gìn giữ nghề như “bảo bối gia truyền”. Tuy nhiên, khoảng năm 1990 lại nay, danh xưng này thực sự nổi tiếng khi sản phẩm làm ra của người dân chiếm lĩnh thị trường và trở thành một món ăn “đặc sản” nổi tiếng.

Đời sống của người dân làng Hến cũng từ đó không còn cảnh chạy ăn từng bữa, vươn lên thoát nghèo; nhà cửa khang trang hơn, tiện nghi đầy đủ. Nhiều gia đình làm giàu từ con hến như anh Trần Ngọc Quang, Lê Kim Thu, Thái Văn Thường… Con em trong làng được học hành đến nơi đến chốn.

Hến sống sau khi khai thác tập kết về bến sông được người dân làng nghề đãi thật sạch

Ông Trần Quang, người dân thôn Bến Hến cho biết: “Nghề hến hoạt động quanh năm, nhưng cao điểm nhất là 3 tháng mùa hè. Khi vào chính vụ, có ngày gặp may cào được gần tấn hến sống là thu tiền triệu. Tuy có cực nhưng gắn với nghề quen rồi, hơn nữa đây cũng là cần câu câu cơm của cả gia đình nên không nghỉ được”.

Sau khi đãi ngâm trong nước từ 8-10 tiếng đồng hồ để hến nhã cặn bẩn, người dân lại tất bật với công việc luộc hến

Sản phẩm làm nên thương hiệu của làng Hến ở xã Trường Sơn đó là hến Sông La. Từ thượng nguồn chảy về Sông La mang theo lượng phù sa, vơi đầy cùng con nước bồi đắp. Quện vào trong cát, trong nước, được chắt chiu từ lòng đất, từ mưa nguồn nắng hạ nên Hến của Sông La mang hương vị  thơm ngon đến lạ.

Hến được đổ vào chảo to để đun. Kỹ thuật luộc hến cũng đòi hỏi kinh nghiệm và bí quyết riêng

Trong gần 20 năm lại nay, nghề hến ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ được người dân duy trì và cho thu nhập khá, nhiều gia đình đã thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ có nghề hến, Bến Hến trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế của xã.

Hiện thực khốn khó

Trải qua một thời “vang bóng”, làm nên thương hiệu hến Sông La, tuy nhiên đến nay, do nhiều nguyên nhân, làng Hến ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ đang phải đối diện với nguy cơ “mất hộ khẩu”. Hiện tại, làng Hến chỉ còn gần 40 hộ duy trì nghề.

Công việc đãi lấy ruột sau khi luộc

Nói về nguyên nhân của thực trạng này, trưởng thôn Lê Trọng Kim, khẳng định hến sông La bây giờ không còn, trên khu vực này không còn nơi nào để khai thác. Để có hến tiêu thụ, người dân làng hến phải đi lên thượng nguồn hoặc sang Nghệ An, vào Quảng Bình khai thác.

Hến thơm ngon bởi được luộc nước sông La

Tại sao lại có sự biến đổi như vậy, theo phản ánh, vấn đề ô nhiễm môi trường từ việc khai thác cát, nước xã thải đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của loài hến trên sông La, kéo theo đời sống các hộ làm nghề và dân cư địa phương cũng thay đổi. Không đầu hàng hoàn cảnh, nhiều hộ dân làng hến quyết tâm tha phương để giữ nghề nhưng gặp không ít rủi ro như: Bị đuổi, hay tai nạn trên sông…

Đặc sản Hến ở Trường Sơn thơm ngon, đến được với người thưởng thức thì người làm nghề phải trải qua rất nhiều công đoạn và đặc biệt khai thác trên sông La. Hiện nay, thay vào đó phải khai thác từ nơi khác nên hương vị hến nơi đây cũng đang dần bị đánh mất

Ông Thái Sơn Vinh- Trưởng Phòng TN&MT huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết : “Những năm gần đây, đập thủy lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang ngăn dòng khiến lượng phù sa giảm sút, cạn dần, kèm theo đó nguồn nước chuyển màu. Mặc dù đã có kết quả quan trắc nguồn nước trên dòng sông an toàn nhưng cứ nhìn nước Sông La trong xanh nay chuyển thành đỏ đục cũng là điều đáng lo ngại”

Trưởng thôn Lê Trọng Kim không giấu được nỗi lo trước thực trạng hến sông La không còn

Môi trường sinh sản không có khiến hến sông La không thể sinh sống được, kéo theo nhiều hệ lụy đến đời sống của người dân Bến Hến. Nếu không được các cấp chính quyền quan tâm, giải quyết những khó khăn, nguy cơ làng hến nổi tiếng ở Hà Tĩnh sẽ mất dần chỉ còn là vấn đề thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo Bến Hến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO