Nợ 'xấu' khó đòi

20/04/2017 00:00

(TN&MT) - Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, Hà Giang đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp xin cấp phép hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, với 28 loại...

(TN&MT) - Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, Hà Giang đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp xin cấp phép hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, với 28 loại khoáng sản và 215 điểm mỏ.
 
Mất rừng, mất tài nguyên, ô nhiễm môi trường... do hoạt động khai thác khoáng sản, song nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang liên tục kêu khó khăn, trữ lượng thấp, khai thác nửa chừng... để xin nợ thuế, phí bảo vệ môi trường.
 
Đua nhau... trốn thuế
 
Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, Hà Giang đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp xin cấp phép hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, với 28 loại khoáng sản và 215 điểm mỏ. Năm 2016, tổng số thuế doanh nghiệp khai thác khoáng sản nộp vào ngân sách là hơn 156 tỷ đồng, tương đương 20% tổng nguồn thuế của Hà Giang. 
 
Đánh giá về đóng góp của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vào ngân sách tỉnh Hà Giang, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Giang cho rằng, nguồn thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản không tương xứng với mức độ khai thác, làm cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường. Toàn tỉnh có hơn 50 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chỉ có 18 doanh nghiệp nộp thuế, phí vào ngân sách tỉnh. Tuy vậy, trong số đó lại có tới 5 doanh nghiệp nợ thuế với hơn 8 tỷ đồng (Công ty TNHH Đức Sơn nợ hơn 4 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Cao nguyên đá hơn 2 tỷ đồng…). Hơn 30 doanh nghiệp còn lại kê khai báo cáo tỉnh chưa khai thác mỏ nên chưa phát sinh thuế. 
 
Doanh nghiệp khai thác khoáng sản kêu khó khăn để xin nợ thuế, phí bảo vệ môi trường - Ảnh MH
Doanh nghiệp khai thác khoáng sản kêu khó khăn để xin nợ thuế, phí bảo vệ môi trường - Ảnh MH
Lý giải cho lý do nguồn thu ngân sách của tỉnh Hà Giang thấp, ông Vũ Mạnh Hùng cho rằng, với chính sách tự khai khối lượng sản phẩm khoáng sản khai thác và tự nộp thuế, việc doanh nghiệp trốn thuế là không tránh khỏi. Đặc biệt, tình trạng xuất khẩu khoáng sản lậu sang bên kia biên giới khiến cho nguồn ngân sách của tỉnh thất thu đáng kể. 
 
Đơn cử, Công ty An Thông (mỏ khai thác quặng sắt Sàng Thần) và Công ty Minh Sơn (khai thác quặng thiếc) trong 3 năm gần đây có doanh thu lên tới gần 450 tỷ đồng. Nhưng đến nay, công ty mới chỉ nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường cho ngân sách Bắc Mê được 156,44 tỷ đồng.
 
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Đình Dũng - Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Khoáng sản An Thông cho biết, lý do cho việc đóng thuế, phí bảo vệ môi trường còn hạn chế xuất phát từ những khó khăn mà Công ty đang gặp phải như hàm lượng sắt trong quặng thấp, chi phí khai thác quá cao trong khi giá quặng sắt thô thế giới giảm sâu... Vừa qua, Công ty đã làm thủ tục xin trả lại giấy phép khai thác khoáng sản mỏ sắt Tùng Bá. Với hàm lượng sắt nghèo chỉ khoảng 30 – 40%, đến năm 2015, mỏ Tùng Bá bị thua lỗ lên tới hơn 204 tỷ đồng. Trong khi chi phí khắc phục để bảo đảm môi trường quá cao trên một tấn quặng khai thác. Việc trả lại giấy phép khai thác khoáng sản của một công ty tư nhân là chưa từng có tiền lệ từ trước tới nay. 
 
Cũng nằm trên địa bàn huyện Bắc Mê, mỏ khai thác quặng thiếc của Công ty TNHH Đức Sơn đang nằm “đắp chiếu” chờ thời giá lên của thị trường. Ông Phạm Đình Túy, nguyên Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang cho rằng, tài liệu  địa chất Nhà nước dùng để cấp phép khai thác mỏ hiện nay đã có từ rất lâu. Căn cứ vào số liệu dự báo trữ lượng đó chỉ có thể khai thác khoáng sản được 25 - 45%, nếu dự báo tốt. Vì vậy, khi hoạt động khai thác gặp nhiều khó khăn, trữ lượng nhỏ, doanh nghiệp khai thác khoáng sản không thể có đủ chi phí dành cho bảo vệ môi trường, trong khi nghĩa vụ thuế phí với Nhà nước phải nộp quá cao (tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền sử dụng số liệu thông tin địa chất...).
 
Mặt khác, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản không đầu tư chế biến sâu khoáng sản trước khi xuất khẩu, vì muốn thu lợi nhuận nhanh nên hầu hết các doanh nghiệp này chỉ chế biến ở mức quặng và tinh quặng, bởi vậy làm giảm giá trị tài nguyên của đất nước. 
 
Giàu nhóm lợi ích - khổ dân
 
Theo ông Hoàng Văn Thuận - Phó Chủ tịch xã Minh Sơn, mỏ khai thác khoáng sản của Công ty An Thông nằm trên địa bàn xã, mỗi năm, Công ty nộp thuế, phí vào ngân sách tỉnh khoảng 30 tỷ, nhưng khi về tới xã nguồn kinh phí để phục hồi môi trường chỉ có 200 triệu đồng. 
 
Để giải quyết vấn đề trên, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Giang cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng một hệ thống quản lý riêng đối với nguồn thu từ khai thác tài nguyên khoáng sản. Nhưng trước mắt, Nhà nước cần xem xét điều chỉnh giảm thuế suất tài nguyên cho một số loại khoáng sản để đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên của đất nước. Đặc biệt, tỉnh cần cân đối nguồn ngân sách cho các hoạt động phục hồi bảo vệ môi trường, phúc lợi xã hội... từ Trung ương tới địa phương để những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hoạt động này có cuộc sống ổn định hơn.
 
Tuyết Mây
 
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ 'xấu' khó đòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO