"Nợ sinh thái"

17/11/2016 00:00

(TN&MT) - Mỗi loài động thực vật hoang dã đều có những giá trị ẩn sâu bên trong. Việc làm biến mất hẳn một loài sinh vật được ví như việc xé những trang giấy ra khỏi cuốn sách chưa kịp đọc. Nếu tình trạng trên không được sớm chấm dứt, loài người sẽ mang một món ‘nợ’ khổng lồ với tự nhiên.

Lực lượng chức năng bắt giữ vụ vận chuyển trái phép cá thể Tê tê
Lực lượng chức năng bắt giữ vụ vận chuyển trái phép cá thể Tê tê

“Bước lùi” nhận thức

Tự nhiên vốn có các quy luật tồn tại và vận hành, để đảm bảo các hệ sinh thái là những hệ thống hoàn chỉnh. Khi một loài bị tiêu diệt, có thể sẽ kéo theo sự mất cân bằng, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, từ cục bộ cho đến tất cả các hệ sinh thái và cuối cùng là cả Trái đất. Các hệ sinh thái mất cân bằng, con người đương nhiên sẽ gánh chịu mọi hậu quả. 

Những cuộc chiêu đãi, tiệc tùng, ăn chơi vô tiền, khoáng hậu đủ kiểu đã gián tiếp, trực tiếp hủy hoại tự nhiên, hủy diệt muôn loài. Công luận đã từng lên tiếng phản ánh gay gắt hành động tàn nhẫn của con người đối với động vật. Sự tàn phá và nhẫn tâm của con người đã làm cạn kiệt dần nguồn động vật hoang dã trong thiên nhiên, đẩy những loài thú quý hiếm đứng bên bờ tuyệt chủng.

Tại Việt Nam, hiện, chỉ còn khoảng trên dưới 400 loài động vật hoang dã  bị đe dọa và cần được bảo vệ. Trong đó, chỉ còn khoảng 30 con hổ, 100 con voi, còn lại gấu, tê giác và các động vật quý hiếm khác.

Những con số mà Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thống kê được khiến chúng ta phải giật mình. 10 năm trở lại đây, nhu cầu hằng năm về động thực vật hoang dã cho mục đích ẩm thực, dược liệu, sinh vật cảnh và xuất khẩu dao động trong khoảng từ 3.700 - 4.500 tấn, chưa kể đến hàng chục vạn cá thể các loài chim, côn trùng, không thể tính toán thành trọng lượng được.

Sơ bộ thống kê, các loài động vật hoang dã buôn bán bất hợp pháp gồm đủ các loại: rắn, kỳ đà, rùa, hổ, báo, gấu, sơn dương... Trong đó, thú rừng chiếm khoảng 20%, rắn 45%, rùa 30%, chim 3%, còn lại là các loài thú khác. Tuy vậy, số vụ buôn bán trái phép bị phát hiện, bắt giữ chỉ chiếm khoảng 10% tổng số vụ buôn bán trong thực tế.

Mặc dù, đã có rất nhiều quy định để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động thực vật hoang dã, nhất là các loài động vật quý hiếm, song, những quy định này vẫn chưa thực sự phát huy được hết hiệu quả. Lực lượng cảnh sát môi trường, kiểm lâm, hải quan, biên phòng… bắt giữ nhiều vụ vi phạm. Nhiều cá thể được phóng thích vào rừng, nhưng không ai dám chắc, chỉ ngay sau đó, chúng không bị săn bắt trở lại?.  

Cái chết thương tâm chỉ để tạo nên những món đồ phù phiếm
Cái chết thương tâm của loài hổ chỉ để tạo nên những món đồ phù phiếm.

Đẳng cấp hay xuống cấp?

Hàng năm, ngành công nghiệp thời trang đã khiến hàng triệu loài động vật hoang dã bị giết hại để cung cấp da, lông, sừng... Cái chết thương tâm của chúng có thể chỉ bị đánh đổi để tạo nên những món đồ phù phiếm, kiêu sa sẽ nằm lãng quên hàng thập kỷ trong tủ quần áo bệ vệ của những quý bà sành mốt chỉ sau một vài lần sử dụng.

Theo cách bao biện của giới thượng lưu, lông và da động vật được coi là một trong những nguyên vật liệu quyền uy nhất của ngành công nghiệp thời trang. Không những có giá trị cao mà nó còn đem tới vẻ sang trọng, vương giả cho người mặc. Ít có nhà thiết kế có thể nỡ lòng bỏ qua “miếng bánh ngon” này để chinh phục, móc túi các quý bà, quý ông lắm tiền nhiều của, những người sẵn sàng chi bộn tới hàng nghìn, chục nghìn, trăm nghìn USD cho những trang phục lông, da thú xa xỉ.

Theo ước tính, chi phí và năng lượng để sản xuất một chiếc áo lông thú thường tốn kém hơn. Quá trình làm khô và phơi nắng tiêu thụ một lượng năng lượng đáng kể và thải ra nhiều chất hóa học vào môi trường. Trong một thập kỷ qua, lợi nhuận thu về được từ ngành công nghiệp này là khoảng 11 tỷ USD mỗi năm.

Hội Nhân đạo bảo vệ động vật PETA khẳng định: “Mặc trang phục làm từ lông thú hay sử dụng đồ da thú là bạn đang vô tình 'tắm máu' của biết bao con thú vô tội và gián tiếp hủy hoại Trái đất”.

Không có hành động nào là quá nhỏ!

Không có hành động bảo vệ động vật hoang dã nào là quá nhỏ nhoi
Không có hành động bảo vệ động vật hoang dã nào là quá nhỏ.

Con người là mối đe dọa lớn nhất của động vật hoang dã, nhưng cũng là niềm hy vọng duy nhất của muôn loài. Trên khắp thế giới, các cá nhân và các nhóm nhỏ cũng như các tổ chức lớn, các tập đoàn và các Chính phủ đang góp phần vào việc đảm bảo một tương lai an toàn hơn cho các loài động vật hoang dã và cho cả chúng ta.

Từ việc kiềm chế nhu cầu đối với các sản phẩm được chế ra từ động vật hoang dã, việc xây dựng và thực thi luật lệ chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp, và tình nguyện  đứng trong các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã giúp bảo vệ các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, những người anh hùng trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã đang chiến đấu với các mối đe dọa tới các động vật hoang dã theo nhiều cách thức khác nhau.   

Không có hành động bảo vệ động vật hoang dã nào là quá nhỏ nhoi, mỗi hành động đều có ý nghĩa. Chúng ta không thể phục hồi các loài đã mất, nhưng còn có nhiều loài nữa đang bên bờ vực tuyệt diệt; chúng cần sự quan tâm và hành động tức thì của mỗi con người. Đừng tiếp tay cho vấn nạn này mà hãy giải quyết nó - Hãy quan tâm và bảo vệ động vật hoang dã trên Trái Đất.

Phương Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nợ sinh thái"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO