Theo đánh giá của Bộ TN&MT, thời gian qua, đã có nhiều nguồn lực đầu tư cho xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai ở nước ta; bước đầu hệ thống thông tin đất đai và cơ sơ dữ liệu đất đai được hình thành. Mặt khác, ở những địa phương đã được “số hóa” dữ liệu đất đai, địa phương mới chỉ chú trọng vào cơ sơ dữ liệu địa chính, các cơ sơ dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất… là các thành phần cấu thành cơ sơ dữ liệu đất đai hoàn chỉnh chưa được đầu tư.
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, đến nay, đối với cơ sở dữ liệu đất đai Trung ương, Tổng cục đã xây dựng hoàn thành 4 khối dữ liệu và bàn giao cho Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường để chuẩn bị vận hành và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, gồm: Dữ liệu Thống kê, kiểm kê đất đai; Dữ liệu Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Dữ liệu Giá đất; Dữ liệu Điều tra cơ bản về đất đai. Đồng thời, đã hoàn thành và trình Bộ trưởng ban hành Quyết định quy định về nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin của cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Cả nước đã có 527 huyện và 7.300 xã đã và đang thực hiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. |
Về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai địa phương, Tổng cục đã có nhiều văn bản chỉ đạo tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai và đã được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện. Đến nay, 100% địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau.
Trong đó, đã có 527/705 đơn vị cấp huyện và 7.300/10.599 đơn vị cấp xã đã và đang thực hiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, với hơn 42 triệu thửa đất và hơn 22 triệu hồ sơ về đất đai dạng giấy đã được chuẩn hóa và số hóa thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đưa vào khai thác sử dụng. Đồng thời, 90 huyện thuộc 14/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, liên thông, trao đổi thông tin điện tử giữa cơ quan thuế với cơ quan tài nguyên và môi trường để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai với người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân.
Hiện nay, Tổng cục đang phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường để kết nối dữ liệu địa phương lên cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục đã phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tập huấn, hướng dẫn cho 41 tỉnh, thành phố tích hợp, cung cấp thanh toán trực tuyến thủ tục đất đai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, đến ngày 7/7/2021, đã có 41 tỉnh, thành phố hoàn thành việc kết nối kỹ thuật đảm bảo để triển khai dịch vụ. Các tỉnh, thành phố còn lại đang trong giai đoạn kiểm thử để chính thức đưa dịch vụ vào triển khai.
Tính đến hết tháng 4/2021, thanh toán thí điểm trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai tại 4 tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bình Định và Tây Ninh mới có gần 4.000 giao dịch thanh toán thành công với số tiền thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt trên 14 tỷ đồng.
Sau khi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện mở rộng triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 7/7/2021, số lượng giao dịch đã tăng lên hơn 17.000 giao dịch thành công với số tiền thanh toán đạt gần 80 tỷ đồng.
Cũng theo Tổng cục Quản lý đất đai, trong 6 tháng cuối năm 2021, Tổng cục sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn thiện các công cụ để quản lý vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối liên ngành, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về việc bố trí dự toán ngân sách, trích nguồn thu từ đất để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, hướng tới tăng số huyện và số tỉnh đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành khai thác, sử dụng.