Xã hội

No cơm ấm áo bởi có rừng

Khánh Kiên 22/05/2015 12:22

(TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Nhà nước không chỉ mang tính chất chia sẻ trách nhiệm bảo vệ rừng mà còn đem đến cho những người dân sống gắn bó với rừng một khoản tiền đáng kể.

Ở xã Tủa Sin Chải (Sìn Hồ), người dân khẳng định: Có thêm cơm no, áo ấm cũng một phần nhờ tiền bảo vệ rừng.

Chúng tôi đến xã Tủa Sin Chải khi những cơn mưa đầu mùa giăng mắc khắp núi rừng Tây Bắc. Trong màn mưa bạc vùng cao, đứng trên lưng con dốc Cổng Trời vẫn có thể nhận ra những cánh rừng xanh bạt ngàn trải dài từ đỉnh núi Hổ Và xuống tận ven sông Đà, như minh chứng cho luồng sinh khí bừng bừng nơi đây.

dsc_5611.jpg
Người dân ổn định cuộc sống nhờ rừng

Đồng chí Lý A Đại - Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: Những năm gần đây rừng của Tủa Sín Chải được bảo vệ rất tốt và mở rộng diện tích. Chúng tôi phấn đấu mỗi năm phát triển thêm 2ha rừng để rừng không chỉ đem lại nước ăn, nước tưới, đem lại thảo quả, phong lan mà còn mang về tiền cho đồng bào trong xã.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ra đời như một luồng gió mới, hối thúc mạnh mẽ hơn tinh thần bảo vệ rừng của bà con bởi lợi ích của từng hộ gia đình, hiệu quả của từng bát cơm, miếng thịt khiến họ nhận ra rừng không chỉ có giá trị trong văn hóa của tộc người mà còn hiện hữu trong những điều bình dị nhất. Lãnh đạo xã cho biết: Khi người dân đã hiểu, đã quyết tâm thì khó đến đâu họ cũng làm được. Việc bảo vệ rừng ở Tủa Sín Chải có lẽ là minh chứng điển hình cho điều đó. Ở đây, bảo vệ rừng là nhiệm vụ của mỗi bản, mỗi dòng họ, môi em học sinh, cán bộ xã là của cả cộng đồng.

Nhiệm vụ này nằm trong hương ước mỗi bản, trong những lời răn dạy của trưởng tộc các dòng họ, trong cả nội quy, bài giảng ở trường học, trong ủy ban... Ai vi phạm không chỉ bị cộng đồng phê phán mà còn bị phạt khá nặng để răn đe, ngăn cấm. Nơi đây có quy định: nếu ai vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì nhất định không bao che, giao cho pháp luật xử lý. Những vụ vi phạm hương ước liên quan đến rừng thì lần đầu tiên bị xử phạt 100 ngàn đồng, mỗi lần sau cộng thêm 100 ngàn nữa, cứ thế mà tính.

dsc_5524-sua.jpg
Một góc xã Tủa Sin Chải

Đồng bào biết nghĩ cho rừng nên hiện nay 2838,70ha rừng của Tủa Sín Chải được bảo vệ rất tốt, độ che phủ được nâng lên đến 40,3%. Nổi lên trong phong trào bảo vệ rừng là những tấm gương nhiệt tình trong tuyên truyền, vận động bà con giữ rừng cẩn thận như ông Giàng Y Tiến (bản San Sủa Hồ) và những già làng, người có uy tín khác.

Giữ rừng nhưng Tủa Sín Chải không phải “cấm rừng”, việc lấy củi, đốt nương làm rẫy vẫn diễn ra đều đều mùa này qua mùa khác nhưng cách làm của người dân nơi đây cũng khác. Việc đốt nương được các hộ trong mỗi bản đăng ký lịch rất cụ thể với tổ xung kích bảo vệ rừng ở mỗi bản. Tổ căn cứ điều kiện thực tế mà cho các hộ tiến hành đốt nương vào những thời điểm nhất định. Khi đốt nương bao giờ cũng có sự có mặt của Tổ để vừa giúp đỡ, hướng dẫn, giám sát và ứng cứu kịp thời nếu chẳng may đám cháy vượt quá tầm kiểm soát.

Hiện nay xã mới chỉ 3/10 bản của xã có điện lưới quốc gia, bởi vậy áp lực về củi đốt là khá lớn với đồng bào. Tuy nhiên bà con nơi đây đã có quy định: Chỉ được lấy cây khô, cây mục, chỉ được lấy cây bị sâu, bị đổ, cấm chặt cây tươi. Quy định này giúp người dân sống “hài hòa” với rừng hơn và rừng thì được bảo vệ. Người thương rừng thì rừng cũng ơn người. Trong năm 2014, 10/13 bản trong xã được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền hơn 3 tỷ
đồng.

Ở những bản có diện tích rừng lớn, số hộ ít như Thàng Giàng Phô có hộ được nhận tới gần 10 triệu đồng từ tiền bảo chỉ vệ rừng. Màu xanh đã không mang lại sự tươi mát mà còn mang đến những xe máy, nồi cơm điện, điện thoại, ti vi và những bữa cơm sung túc cho mỗi gia đình.

Bây giờ, rừng ở Tủa Sín Chải lại gieo vui trở lại, các loài chim thú cũng tìm về với miền đất lành. Đặc biệt ở đây đã ghi nhận sự trở lại của một giống linh trưởng quý hiếm. Dưới tán rừng, người dân có củi đốt, có nước tưới, có cả thảo quả và hàng năm đều đều tiền từ rừng lại “chảy về” với người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
No cơm ấm áo bởi có rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO