Ninh Thuận: Sạt lở nghiêm trọng ven bờ sông Dinh

17/11/2016 00:00

(TN&MT) - Chỉ trong vòng khoảng chục ngày, thủy thần đã nuốt trọn hàng km chiều dài đất bồi ven sông Dinh (sông Cái Phan Rang), thuộc thôn Phước Thiện 3, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận khiến gần 20 hộ dân mất trên 1ha đất canh tác, hàng trăm hộ dân không có nước sản xuất.

Công ty TNHH Việt Trung ngăn đập trái phép nhưng vẫn chưa phá bỏ hết
Công ty TNHH Việt Trung ngăn đập trái phép nhưng vẫn chưa phá bỏ hết

Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân chính là do Công ty TNHH Việt Trung, một đơn vị chuyên khai thác cát đã tự ý chặn dòng chảy khiến dòng sông đổi hướng, xói thẳng vào bờ gây sạt lở.

Anh Lê Văn Lâm, một người dân thôn Phước Thiện 3 cho biết: Người dân thôn rất chú trọng đến việc bảo vệ đất đai, bờ bãi, ngăn chặn tác hại dòng chảy bằng việc trồng hàng loạt những bụi tre lớn, cây lâu năm suốt chiều dài hàng km. Vì vậy, đã mấy chục năm nay trong thôn chưa bao giờ xảy ra sạt lở, kể cả những đợt lũ to như năm 2003, 2010.

Tuy nhiên, từ ngày 7/10/2016, mặc dù trời không có mưa nhưng hàng km bờ bãi ven thôn đã bị sạt lở kinh hoàng kéo theo hàng trăm bụi tre lớn nhỏ, những cây lâu năm có đường kính trên 80cm xuống lòng sông sâu. Sự việc lên tới đỉnh điểm khi có đợt lũ nhỏ vào đầu tháng 11/2016 đã khiến lòng sông tiếp tục ăn sâu vào bờ thêm 40- 50m với chiều dài cả cây số khiến tổng diện tích đất sản xuất bị mất lên đến hơn hơn 1ha.

Điểm khai thác cát của Công ty TNHH Việt Trung, theo phản ánh là nguyên nhân gây sạt lở
Điểm khai thác cát của Công ty TNHH Việt Trung, theo phản ánh là nguyên nhân gây sạt lở

Chị Lệ, một trong những người bị mất đất nhiều nhất ở thôn Phước Thiện 3 không nén nổi bức xúc: Trước khi bị xói lở, người dân thấy nhiều chiếc xe đào, xe múc của Công ty TNHH Việt Trung (có công trường khai thác cát dưới khu vực sạt lở chỉ khoảng 300m) múc rất nhiều đá, sỏi dưới lòng sông để đắp thành con đê chắn ngang mặt sông để thay đổi dòng chảy nhằm tăng năng suất hút cát. Do nước bị dâng lên trái với quy luật tự nhiên, lại bị thay đổi dòng chảy nên dòng nước hướng thẳng vào bờ, chỉ sau đó ít ngày đã xảy ra sạt lở. Không chỉ mất đất mà người dân còn mất hàng trăm gốc táo đang kỳ cho thu hoạch cùng rất nhiều hoa màu, máy bơm, ống dẫn nước, cột, giàn chống... với giá trị ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói ở đây là bờ sông vẫn đang tiếp tục sạt lở hàng ngày, hàng giờ. Hàng chục ha cây ăn trái, rau màu chưa bị nhấn chìm thì lại rơi vào tình trạng khô hạn do bờ sông sạt lở hàm ếch, lại cao hàng chục mét so với lòng sông nên không thể lấy nước tưới tiêu. Sau khi bị sạt lở, người dân có đơn thư phản ánh lên chính quyền, các ngành chức năng, Công ty TNHH Việt Trung đã phá bỏ một phần đập ngăn trái phép nhưng thiệt hại là quá nặng nề. Không chỉ vậy, ngay đối diện bên kia bờ sông (khu vực xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) cũng bị ảnh hưởng, sạt lở khá nặng với tổng chiều khoảng dài hơn 200m, ăn sâu vào bờ từ 1- 5m.

Đập do Công ty TNHH Việt Trung đắp trái phép nằm ngay cuối điểm sạt lở
Đập do Công ty TNHH Việt Trung đắp trái phép nằm ngay cuối điểm sạt lở

Ông Nguyễn Hữu Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: “Hiện các ngành chức năng trong huyện, tỉnh đã phối hợp để kiểm đếm đất đai, hoa màu, tài sản của người dân bị thiệt hại do sạt lở để có biện pháp giúp đỡ người dân trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, việc ngăn chặn không để sạt lở tiếp tục tiếp diễn lại là vấn đề rất khó bởi hiện nay lòng sông đã khoét quá sâu vào bờ, có cao độ hàng chục mét và kéo dài hàng km nên kinh phí để khắc phục, xây dựng đê bao là rất lớn, địa phương không thể kham được nên chưa đưa ra được phương án khắc phục cụ thể. Đối với việc hỗ trợ bà con, do sạt lở vẫn tiếp tục, chưa có dấu hiệu chấm dứt nên đến nửa cuối tháng 11/2016, các ngành chức năng trong tỉnh, huyện mới họp bàn để đưa ra phương án. Về việc hỗ trợ người dân nguồn nước tưới do bị ảnh hưởng của sạt lở, hiện huyện đã có chủ trương, nhưng chưa đưa ra được phương án cụ thể”.

Theo ông Bùi Anh Tuấn - Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Ninh Thuận: Sau khi nhận được đơn của người dân, các ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận đã kiểm tra và yêu cầu Công ty TNHH Việt Trung phá bỏ đập ngăn trái phép. Hiện nguyên nhân gây sạt lở bờ sông Dinh (sông Cái Phan Rang) tại xã Phước Sơn vẫn chưa có kết luận chính thức, tuy nhiên “chắc chắn Công ty TNHH Việt Trung có yếu tố góp phần”, ông Tuấn khẳng định.

Sạt lở kinh hoàng tại thôn Phước Thiện 3
Sạt lở kinh hoàng tại thôn Phước Thiện 3

Còn ông Nguyễn Phùng Dũng- Giám đốc Công ty Truyền tải điện Ninh Thuận, cho hay, đơn vị đã có văn bản gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận cảnh báo việc sạt lở bờ sông Dinh đang có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cột số 122, 123 của đường dây 220 kV Vĩnh Tân - Tháp Chàm. Theo đó, đường dây 220 kV nối giữa Trung tâm điện lực Vĩnh Tân và trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm, có hai vị trí cột 122, 123 vượt sông Dinh. Vị trí cột 122 ở bên phía phải sông Dinh theo hướng từ thượng nguồn về, được xây dựng cách bờ sông Dinh khoảng 70 m còn vị trí cột 123 nằm ở bãi bồi giữa sông Dinh.

Sạt lở uy hiếp cột số 122, 123 của đường dây 220 kV Vĩnh Tân - Tháp Chàm, ảnh hưởng đến an toàn vận hành lưới điện
Sạt lở uy hiếp cột số 122, 123 của đường dây 220 kV Vĩnh Tân - Tháp Chàm, ảnh hưởng đến an toàn vận hành lưới điện

Sau đợt mưa kéo dài vào đầu tháng 11, tại bờ sông gần vị trí cột 122 đã xảy ra sạt lở nặng, bờ sông cách cột 122 khoảng 60 m, chiều sâu từ mặt đất tự nhiên xuống đất sạt lở khoảng 8 m. Vì đây là đoạn bờ sông dài và rộng, lưu lượng nước lớn nên việc xử lý chống sạt lở riêng vị trí cột 122 sẽ không khả thi. Với mức độ xói lở như hiện tại, cột 122 đang bị uy hiếp, dễ xảy ra.

Do vậy, Công ty Truyền tải điện Ninh Thuận đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét để xây dựng bờ kè cho cả đoạn bờ sông bị sạt lở nói trên để đảm bảo an toàn cho đường dây 220 kV Vĩnh Tân - Tháp Chàm, cũng như cho người dân sinh sống dọc sông Dinh.

Bài & ảnh: Đức Huy – Anh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận: Sạt lở nghiêm trọng ven bờ sông Dinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO