Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc tại Hội nghị tổng kết, đánh giá thi hành Luật Đất đai năm 2013 và đề xuất định hướng sửa đổi Luật Đất đai vừa được tổ chức tại TP Ninh Bình.
Những chuyển biến tích cực
Sau 6 năm thực hiện Luật đất đai năm 2013, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Binh đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống quản lý nhà nước về đất đai được kiện toàn ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Việc phân cấp quản lý Nhà nước về đất đai theo hướng phân cấp nhiều hơn cho các địa phương đã được cụ thể hóa về thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt được kết quả nhất định, công tác quản lý đất đai đã dần đi vào nền nếp và ổn định. Tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Các văn bản pháp luật, chính sách về đất đai và thị trường bất động sản được ban hành đã từng bước xây dựng hình thành và quản lý được thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất. Cơ chế xây dựng và quản lý giá trị quyền sử dụng đất, giá trị bất động sản gắn liền với đất được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh tế cho việc khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng quỹ đất trong mọi lĩnh vực liên quan đến đất đai.
Ảnh minh họa |
Quyền sử dụng đất đã trở thành một nguồn lực để huy động các nguồn vốn trong xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các nguồn thu về đất đã trở thành một nguồn thu quan trọng trong thu ngân sách của tỉnh.
Đáng chú ý, từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho 827 dự án với tổng diện tích hơn 1.878 ha; có 95/143 xã, phường thị trấn và 2 khu vực bãi bồi ven biển đã được đo đạc Bản đồ địa chính chính quy dạng số, với diện tích trên 80.258ha/138.678ha. Toàn tỉnh đã thực hiện lập hồ sơ, cấp 432.435 Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất với tổng diện tích đã cấp giấy chứng nhận là trên 98.000 ha.
Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Đất đai
Mặc dù vậy, công tác thi hành Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến việc áp dụng các phương pháp định giá để xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn phức tạp, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương; Công tác chỉnh lý biến động chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời dẫn đến khó khăn khi rà soát, kê khai, xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Vẫn còn bất cập trong việc xác định giá đất, các phương pháp xác định giá đất không có quy định chi tiết, cụ thể....
Trước thực tế đó, đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn thống nhất đề nghị tỉnh Ninh Bình kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chính phủ xem xét kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành, như: Bổ sung vào Khoản 2, Điều 118, Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất thêm trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất đầu tư xây nhà ở; Quy định rõ thế nào là chủ sở hữu tài sản hợp pháp theo quy định tại Điều 82 Luật Đất đai năm 2013 để các địa phương có cách hiểu và thực hiện thống nhất trong công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư.
Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi Luật đất đai theo hướng hạn chế đối tượng, mục đích sử dụng đất, nhóm dự án được cho thuê đất trả tiền một lần và được chuyển hình thức từ thuê đất trả tiền hàng năm sang nộp tiền thuê đất một lần để đảm bảo sự ổn định hàng năm về nguồn thu ngân sách về đất đai.
Đặc biệt, đề nghị quy định cụ thể cách xác định thời hạn sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi nhận chuyển nhượng vốn đầu tư của dự án là giá trị quyền sử dụng đất (theo quy định tại Điều 169 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 39 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) trong trường hợp bên chuyển nhượng vốn đầu tư của dự án là giá trị quyền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận với thời hạn sử dụng đất lâu dài; xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ % kinh phí theo Khoản 2, Điều 31, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ đảm bảo cho việc tổ chức, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tạo điều kiện để một số địa phương thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, các vấn đề liên quan đến đất đai...
Hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cho phù hợp thực tế
Khẳng định Luật Đất đai năm 2013 là một trong những bộ luật lớn có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, thực hiện Luật Đất đai 2013, Ninh Bình đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai và nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị các ngành, các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai cho phù hợp với thực tế từng đơn vị. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, nâng cao vai trò của các cấp, các ngành đặc biệt là cấp cơ sở trong việc thực hiện các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính các cấp theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa và thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai cho người sử dụng đất.
“Cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính theo hướng hiện đại hóa với độ chính xác cao đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất”, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc yêu cầu.