Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình Trịnh Xuân Ba cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 12 dự án khai thác khoáng sản được cấp phép khai thác, đã được thể hiện trong Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các huyện, thành phố nhưng chưa thực hiện các thủ tục thuê đất, ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Ngân sách Nhà nước.
8/12 dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chưa được Chính phủ cho phép chuyển mục đích
Cụ thể như: Dự án khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại núi Mả Vôi, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư của Công ty Cổ phần xi măng Hệ Dưỡng đã được UBND tỉnh Ninh Bình cấp Giấy Chứng nhận đầu tư và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác số 1183/GP – BTNMT ngày 17/10/2013 có diện tích 71,8 ha (có 43 ha đất rừng đặc dụng);
Dự án khai thác đá vôi làm VLXD thông thường tại núi Quyền Giang, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan của Công ty CP Công nghiệp Hà Nam Ninh được UBND tỉnh chấp thuận và cấp Giấy phép khai thác số 10/GP – UBND ngày 12/03/2018 diện tích khai thác 18 ha (có 16 ha đất rừng phòng hộ);
Ninh Bình hiện có 8/12 dự án mỏ khai thác khoáng sản có sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chưa được Chính phủ cho phép chuyển mục đích (ảnh minh hoạ) |
Dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Cay, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình được UBND tỉnh Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư và cấp Giấy phép khai thác số 30/GP – UBND ngày 26/05/2011 (có 64,8 ha đất rừng phòng hộ);
Dự án khai thác đá vôi làm VLXD thông thường tại khu vực núi Hang Nước, xã Quang Sơn, TP. Tam Điệp của Công ty CP Phát triển Đầu tư Thái Sơn đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác số 29/GP – UBND ngày 07/11/2016 (có 12 ha đất rừng phòng hộ)…
4/12 dự án chưa thực hiện xong GPMB
Đó là Dự án khai thác sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại khu vực đồi Đá Lăn, đồi Giàng, xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan và xã Quang Sơn, TP. Tam Điệp của Công ty CP xi măng Hệ Dưỡng đã được UBND tỉnh Ninh Bình cấp Giấy Chứng nhận đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác số 1973/GP – BTNMT ngày 17/10/2013, diện tích khu vực khai thác 60,15 ha;
Dự án khai thác đất tại đồi Sông Vặn, xã Quang Sơn, TP. Tam Điệp của Công ty CP Nhật Quân Anh đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép số 32/GP – UBND ngày 21/12/2010 và Quyết định điều chỉnh Giấy phép khai thác số 723/QĐ – UBND ngày 29/05/2017, diện tích khu vực khai thác 30 ha;
Dự án khai thác đá vôi làm VLXD thông thường tại núi Mã, xã Quang Sơn và phường Nam Sơn, TP. Tam Điệp của Công ty TNHH Thương mại và Xuất khẩu Hải An đã được UBND tỉnh Ninh Bình cấp Giấy phép khai thác số 17/GP – UBND ngày 07/067/2018, diện tích khai thác 2,03 ha;
Dự án khai thác sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại xã Gia Hoà, xã Gia Vượng (nay là thị trấn Me), huyện Gia Viễn của Công ty TNHH Đầu tư phát triển thương mại sản xuất Hoàng Phát (nay là Công ty CP VISSAI Ninh Bình) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác số 2353/GP – BTNMT ngày 10/11/2008, diện tích khu vực khai thác 21,17 ha.
Nhiều mỏ chưa thực hiện các thủ tục thuê đất, ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Ngân sách Nhà nước |
Ngày 18/11/2011, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 858/QĐ – UBND về việc thu hồi đất, giao 13,11 ha đất cho công ty thuê (trong đó diện tích mỏ 110.230,7 m2, làm đường vào mỏ 20.827,3 m2) tại đồi Tế Mỹ, thị trấn Me, huyện Gia Viễn. Đến năm 2019, UBND huyện Gia Viễn mới hoàn thành công tác GPMB. Ngày 22/07/2019, công ty đã ký hợp đồng thuê đất đối với phần diện tích này.
Còn 8,06 ha đất mỏ còn lại thuộc xã Gia Hoà, huyện Gia Viễn công ty đang thực hiện công tác GPMB, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được thuê đất theo quy định.
Đâu là giải pháp?
Về giải pháp khắc phục ông Trịnh Xuân Ba cho biết: Đối với các dự án liên quan đến việc sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Sở TN&MT đã hướng dẫn, đôn đốc các Nhà đầu tư và UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT để tham mưu với UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT thẩm định, trình Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện dự án.
Đối với các dự án chưa hoàn thiện xong công tác GPMB, mặc dù đã phối hợp và đôn đốc nhiều lần, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp và có văn bản đôn đốc, yêu cầu các Chủ đầu tư khẩn trương, chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố nơi có đất thực hiện công tác GPMB, hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định.