Ninh Bình: Dự án di dân khỏi vùng sạt lở khẩn cấp "chết yểu"

18/09/2017 00:00

(TN&MT) – Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan được triển khai từ năm 2008. Tuy nhiên, gần 10 năm nay dự án khẩn cấp với tổng mức đầu tư trên 274 tỷ đồng đã “chết yểu”, người dân thì thấp thỏm, đứng ngồi không yên với dự án hàng trăm tỷ này.

Ngày 28/08/2008, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định số 1607/QĐ – UBND Phê duyệt dự án xây dựng khu tái định cư thôn Đồng Đinh, xã Lạng Phong nằm trong dự án bố trí sắp xếp dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn với tổng mức đầu tư 274,668 tỷ đồng do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư.

Dự án hàng trăm tỷ sau gần chục năm mới chỉ hoàn thành… mỗi con đường bê tông ngắn ngủi
Dự án hàng trăm tỷ sau gần chục năm mới chỉ hoàn thành… mỗi con đường bê tông ngắn ngủi

Tiếp đó, ngày 27/12/2012, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định số 1080QĐ – UBND thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án phục vụ tái định cư 2 thôn Trang An và Đồng An thuộc xã Lạng Phong, huyện Nho Quan. Cụ thể: Thu hồi 435 m2 đất, gồm 80 m2 đất giao thông, 355 m2 đất thủy lợi do UBND xã Lạng Phong quản lý. Giao diện tích đất trên và 9.873,45 m2 đất (được UBND huyện Nho Quan thu hồi tại Quyết định 4404/QĐ – UBND ngày 12/12/2010) cho Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện dự án phục vụ khu tái định cư 2 thôn Tràng An và Đồng An, xã Lạng Phong thuộc dự án bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn.

Tuy nhiên, sau gần chục năm triển khai, dự án hàng trăm tỷ này hầu như vẫn “dậm chân tại chỗ”. Theo quan sát của PV, khu vực thôn Đồng Đinh là nơi tái định cư cho gần 200 hộ dân thôn Tràng An và Đồng An hiện vẫn chỉ là những cánh đồng lúa, có chăng công trình “hoành tráng” nhất mà dự án này xây dựng được chỉ là… con đường bê tông dài hơn 100 m, rộng khoảng 3 m. Còn đối với gần 200 hộ dân thuộc 2 thôn xã Lạng Phong hiện đang sinh sống và sinh hoạt ở ngoài đê Nho Quan, ngay trên vùng lũ của sông Lạng thì đứng ngồi không yên, thấp thỏm với dự án và với chính tương lai của mình.

Gần 200 hộ thôn Tràng An và Đồng An ngoài đê vẫn chưa thể di dời vào trong đê để ổn định cuộc sống
Gần 200 hộ thôn Tràng An và Đồng An ngoài đê vẫn chưa thể di dời vào trong đê để ổn định cuộc sống

Nhiều hộ dân tại đây cho biết: Khi biết có dự án di cân khẩn cấp đưa chúng tôi ra khỏi vùng lũ, đưa vào trong đê sinh sống, ổn định cuộc sống bà con nhân dân rất phấn khởi vì từ nay cuộc sống không còn bấp bênh, thấp thỏm mỗi khi mùa mưa bão đến gần. Vậy nhưng, càng chờ càng không thấy, chỉ thấy duy nhất làm được con đường bê tông dài hơn 100 m giữa cánh đồng thôn Đồng Đinh. Nhiều hộ gia đình nhà cửa sập xệ, xuống cấp cũng khôg dám bỏ tiền ra xây mới vì không biết dự án có triển khai tiếp nữa hay không, rồi nhiều hộ có điều kiện hơn thì phải đối chọi bằng cách xây nhà kiên cố trên 2 tầng để có thể di chuyển lên cao nếu có lũ. Với nhiều hộ dân nơi đây, dự án mà họ hằng hy vọng đem đến cuộc sống ổn định thì giờ đây sau gần chục năm chờ đợi lại là nỗi thất vọng khôn xiết.

Dự án di dời khẩn cấp “chết yểu” khiến cuộc sống người dân thêm bấp bênh
Dự án di dời khẩn cấp “chết yểu” khiến cuộc sống người dân thêm bấp bênh

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Lưu – Chủ tịch UBND xã Lạng Phong cho biết: Thôn Tràng An và Đồng An nằm ngoài đê Nho Quan, thường xuyên với sống chung với lũ, có năm phải đối mặt với 2 – 3 trận lũ. Hai thôn này có gần 200 hộ dân với khoảng 900 nhâu khẩu. Do sinh sống giáp sông thường xuyên bị ngập lụt, bị lũ nên các hộ dân ở đây cũng mong muốn được di dời vào trong đê để sinh sống. Dự án chia làm 2 giai đoạn với tổng diện tích gần 10 ha, trong đó giai đoạn I của dự án thu hồi khoảng 5 ha đất 2 lúa của người dân thôn Đồng Đinh san lấp mặt bằng, làm đường để làm khu tái định cư, dự kiến tháng 12/2016 sẽ hoàn thành. Vị Chủ tịch UBND xã còn cho biết: Diện tích bị thu hồi phục vụ giai đoạn I của dự án là đất sản xuất nông nghiệp của hơn 50 hộ dân, những hộ dân này thấy có quyết định thu hồi đất từ nhiều năm nay nhưng mãi không thấy kiểm kê, đền bù cũng thấp thỏm, không yên tâm sản xuất nên cũng đã kiến nghị nhiều lần.

Sau gần chục năm dự án hàng trăm tỷ đồng gần như đã “chết yểu”, thứ “hoành tráng” nhất để lại sau suốt một thời gian dài triển khai thi công chỉ là con đường bê tông ngắn ngủi. Hàng trăm hộ dân ngoài đê sông Lạng vẫn chưa thể ổn định đời sống, đặc biệt mùa bão lũ ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp lại càng đe dọa đến cuộc sống của nhân dân nơi này.

Bài & ảnh: Anh Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Dự án di dân khỏi vùng sạt lở khẩn cấp "chết yểu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO