Niềm hạnh phúc sau hơn 20 năm tìm lại danh dự cho cha

24/03/2017 00:00

(TN&MT) - Giờ đây, niềm vui đã trở về bên mái ấm của các con cháu liệt sỹ Đinh Xuân Lợi. Hai vợ chồng ông bà Tuấn tha thiết muốn gửi lời cảm ơn muộn gửi tới người cán bộ đã vì công bằng của một Liệt sỹ mà mang lại niềm vui sống cho gia đình mình.

Trong căn nhà ấm áp nằm sâu trong con ngõ nhỏ phố Trần Quý Kiên, có hai người Đảng viên đã ở tuổi xưa nay hiếm vẫn đau đáu nỗi niềm về cha mình - một Liệt sỹ đã nằm xuống ngót 70 năm nay.

Ông Đinh Anh  Tuấn (80 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thúy Hường  vợ ông vẫn nhớ về câu chuyện của cha mình: Liệt sỹ Đinh Xuân Lợi hy sinh năm 1948 như vừa mới hôm qua.

Liệt sỹ hi sinh gần 60 năm mới được công nhận là liệt sỹ. Hơn 20 năm người con đi tìm lại công bằng cho cha mình. Rồi gần 70 năm liệt sỹ vẫn chưa có được một nơi thắp nén nhang ngay trên mảnh đất quê hương.

Câu chuyện đầy nước mắt và tự hào đưa chúng tôi tới với một nhân vật mà cả hai ông bà đều thốt lên “một con người kì lạ”, đó là ông Nguyễn Minh Mẫn – người đã mang lại niềm vui và công bằng cho vị Chủ tịch ủy ban kháng chiến Đinh Xuân Lời, đồng thời cùng với nỗi nhọc nhằn suốt  hơn 20 năm đi minh oan cho cha mình của vợ chồng ông Tuấn.

à
Ông Đinh Anh  Tuấn (80 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thúy Hường  vợ ông vẫn nhớ về câu chuyện của cha mình: Liệt sỹ Đinh Xuân Lợi hy sinh năm 1948 như vừa mới hôm qua.

Cứu tinh trong tuyệt vọng

Hy sinh ngay trên mảng đất quê hương trong sự khốc liệt của cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, ông Đinh Xuân Lợi – Chủ tịch ủy ban Kháng chiến hành chính xã Bình Đà, huyện Thanh Oai, Hà Tây đã ngậm buồn nơi chín suối khi sự hy sinh của ông và em ruột ông chỉ vì sự tắc trách của các cơ quan công quyền mà chưa được công nhận.

Hơn 20 năm đi kêu oan cho cha, ông Đinh Anh Tuấn và gia đình đã gửi nhiều “cân” đơn tới không biết bao nhiêu cấp quản lý nhà nước. Rất nhiều hứa hẹn, nhiều cuộc xác minh, tìm kiếm nhân chứng được tiến hành, nhiều những cuộc viếng thăm tế nhị của vợ chồng ông tới những nhân vật đầy hy vọng… Thế rồi tất cả rơi vào im lặng.

Ông Tuấn đã không còn minh mẫn, nhưng khi gợi lại câu chuyện ròng rã hơn 20 năm đi minh oan cho cha, bất chợt ông tỉnh táo và xúc động: “Hơn  20 năm vô vọng cháu ạ, nếu không có cái anh Mẫn ấy thì chắc tới giờ bác vẫn đang sống trong dằn vặt và không biết đi gặp Cha mình thế nào”. Thấy phóng viên băn khoăn về nhân vật có tên Mẫn, bà Nguyễn Thị Thúy Hường,  vợ ông đỡ lời: “Ông ấy là thanh tra chính phủ cháu ạ, không có ông ấy thì giờ hai bác đã tuyệt vọng rồi và gia đình cũng đã tan nát”.

Qua cơn xúc động, bà chậm rãi kể lại: “Suốt hơn 20 năm đi đưa đơn khắp nơi, hai bác và các con đều kiệt quệ về sức khỏe và niềm tin. Hai bác và gia đình đã đi khắp các cán bộ quản lý của huyện Thanh Oai và tỉnh Hà Tây và các cơ quan Trung ương. Đã có 8 đoàn xử lý nhưng cũng không minh oan được cho gia đình nhà tôi. Biết bao nhân chứng cùng thời đã đứng ra làm chứng cho cha bác nhưng vẫn không đi tới được kết luận. Tuyệt vọng quá, hai bác đã mang đơn ra Hà Nội, gửi tới cả Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Thanh tra Nhà nước, Văn phòng Trung ương Đảng…  và rất nhiều cơ quan khác như Bộ Lao động thương binh và XH”.

Quá thất vọng và không còn bấu víu, tin tưởng được vào đâu, lại chứng kiến cha mẹ ròng rã kêu oan cho ông nội và tuyêt vọng,  cháu nội của liệt sỹ đã từ biệt cha mẹ lên chùa ở. Rưng rưng nước mắt, bà Hường  nhớ lại: ‘Khi đó, gia đình chúng tôi sống trong u ám, hầu như ít ai nói chuyện với nhau. Rồi đến một hôm tôi nhận được một cuộc điện thoại, người gọi điện xưng là Mẫn ở Thanh tra Chính phủ - người đang theo dõi và điều tra sự việc của cha chồng tôi”.

Như ánh sáng cuối đường hầm, gia đình ông Tuấn lại sống trong mong chờ và hy vọng. Bà Hường  kể, ông Mẫn ấy kì lạ lắm, chỉ gặp chúng tôi duy nhất một lần để xác minh một số nội dung. Rồi ông ấy  tự mình lặn lội khắp nơi, phối hợp với các co quan chức năng ở địa phương ráo riết làm việc. Kể từ khi có sự vào cuộc của Thanh tra và cá nhân ông Mẫn, việc của cha chồng tôi có tiến triển nhanh không ngờ. Chúng tôi bắt đầu được mời tới các cuộc làm việc để làm rõ thêm nội dung xác minh”.

Tần mần dở ra xếp vào đống giấy tờ, ông Tuấn chen vào lời vợ: “Ông Mẫn ấy kì lạ lắm, chúng tôi ở ngay Hà Nội, xin gặp không cho, chúng tôi tới tận nơi biếu quà cũng không nhận, không cho gặp. Thế nhưng, khi cần xác minh về cha tôi ở người con nuôi cha tôi  nay ở mãi trong miền Nam, ông ấy xác định đó là nhân chứng quan trọng nên đã tự mình vào gặp người con nuôi của cha tôi trong đó. Sau này tôi mới biết, khi gặp ông Mẫn, người con nuôi này đã khóc rất nhiều và kể lại sự thật, một trong những bằng chứng quan trọng giúp cho cha tôi được minh oan”.

Sau nhiều tháng vào cuộc quyết liệt, đoàn thanh tra do ông Nguyễn Minh Mẫn dẫn đầu đã có kết luận: sở dĩ việc khiếu kiện, thanh tra vụ việc bị kéo dài suốt hơn 20 năm là do các cơ quan liên quan đã thiếu sâu sát, tập trung, chỉ dựa vào những chứng cứ thiếu sát thực , chưa công tâm và khách quan. Thậm chí, kết luận còn chỉ rõ có vụ việc có sự tác động của một số cá nhân có tư tưởng không lành mạnh, thiếu trách nhiệm. Thậm chí nhiều cá nhân đứng đằng sau kích động và xúi dục, quyên góp tiền bạc mua chuộc cán bộ đi làm nhiệm vụ.

“Ông Bao Công”

Quá ấn tượng trước câu chuyện của ông Tuấn, một cuộc điện thoại đã được kết nối với ông Nguyễn Minh Mẫn, nay là Vụ trưởng Vụ 3 Thanh tra Chính phủ. Ông Mẫn cười hiền và từ chối gặp phỏng vấn của phóng viên dù qua mấy câu hỏi han, chúng tôi nhận ra ông vẫn nhớ như in câu chuyện của gia đình liệt sỹ Đinh Xuân Lợi. Qua điện thoại, ông gửi lời hỏi thăm sức khỏe gia đình ông Tuấn và giản dị nói: “Đó là trách nhiệm của chúng tôi, lẽ ra vụ việc phải được kết luận sớm hơn nữa, không để cho người dân và đặc biệt là gia đình liệt sỹ phải chịu nhiều thiệt thòi ấm ức trong một thời gian quá dài như vậy”.

Ông Tuấn nhớ lại thêm: “Khi ấy, nhiều người nói nhân chứng chưa sát thực, thậm chí chưa khách quan nên ông Mẫn có gọi điện thêm cho gia đình tôi để nắm đầu mối các nhân chứng. Tôi nghe kể lại ông ấy tìm tới từng người đồng thời chỉ đạo sát sao để có được những bằng chứng chặt chẽ nhất để minh oan cho cha tôi”.

Ở ngay Hà Nội nhưng kể từ khi vào cuộc tới khi kết thúc vụ việc gần một năm, ông bà Tuấn chỉ “được” gặp ông Mẫn có một lần. “Ông ấy bận lắm, lại như “ông Bao Công” ấy, thấy bất công là lăn xả mang lại công bằng cho chúng tôi mà không hề đòi hỏi hay có bất cứ điều gì phiền gia đình. Thậm chí, khi chúng tôi hoan hỉ vui mừng với kết quả, chỉ xin lên gặp để nói lời cảm ơn, ông ấy cũng từ chối và chỉ nhận nghe điện thoại”.

Xúc động không nói lên lời, hai vợ chồng ông Tuấn ôm cuốn album gia đình chỉ cho chúng tôi xem ảnh gia đình cậu con trai. Khi ông nội được minh oan, cậu cháu nội đã trở lại với cuộc sống đời thường, lấy vợ và sinh hai cậu con trai khôi ngô tuấn tú.

Giờ đây, niềm vui đã trở về bên mái ấm của các con cháu liệt sỹ Đinh Xuân Lợi. Hai vợ chồng ông bà Tuấn tha thiết mong có được bài báo lên trang, như một lời cảm ơn muộn gửi tới người cán bộ đã vì công bằng của một Liệt sỹ mà mang lại niềm vui sống cho gia đình mình.

Trong câu chuyện có hậu, ông Tuấn chợt nhớ tới một nhân vật cũng đã ủng hộ ông bà rất nhiều, đó là ông Nguyễn Đình Liêu – Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao Động, - Thương binh và Xã hội. Phóng viên đã may mắn kết nối để ông bà Tuấn trò chuyện với ông Liêu. Chia sẻ ngắn với phóng viên, ông Liêu xúc động: “Tôi rất nhớ sự việc của gia đình liệt sỹ này bởi nó kéo dài quá lâu và nhiều oan ức. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của Thanh tra chính phủ và cá nhân ông Mẫn, không biết sự việc còn kéo dài tới khi nào”.

Hữu Công

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm hạnh phúc sau hơn 20 năm tìm lại danh dự cho cha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO