Những ý kiến tâm huyết từ thực tiễn quản lý tài nguyên và môi trường ở địa phương

19/07/2019 16:45

(TN&MT) - Tại Hội nghị giao ban công tác quản lý tài nguyên môi trường các tỉnh phía Bắc diễn ra vào ngày 19/7, tại Thanh Hóa, ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị cũng như phản ánh thực tế tại địa phương. Những ý kiến đầy tâm huyết về công tác quản lý tài nguyên và môi trường đó đã được với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chuyên môn lắng nghe, tiếp thu với tinh thần tìm ra các giải pháp đột phá, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường đã ghi lại những ý kiến tâm huyết đó. >> Tìm giải pháp đột phá nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT  >> Hội nghị giao ban các tỉnh phía Bắc: Tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược trọng tâm 

 Ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: 3 vấn đề Thanh Hóa cần Bộ quan tâm tháo gỡ

Nguyễn Đình Xứng PBT CTUBND ThanhHoa
Ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hoá đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, nghiên cứu tháo gỡ 3 vấn đề. Một là, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh trong việc thu hồi đất lúa đối với các dự án chưa thể hiện trong kế hoạch sử dụng đất, nên quản lý chỉ tiêu tổng diện tích đất lúa được chuyển mục đích hàng năm, 5 năm, thay bằng quản lý kế hoạch đối với từng dự án làm phát sinh thủ tục hành chính. Hai là, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất đối với các dự án của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng gặp vướng mắc không nhỏ. Ba là, vấn đề thỏa thuận trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, một quy định mất công bằng giữa hộ được thỏa thuận và hộ bị thu hồi đất…

Ông Cao Tường Huy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Khung giá đất quá thấp

PChutich QuangNinh MrCaoTuongHuy
Ông Cao Tường Huy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Khung giá đất được quy định tại Nghị định 104 quá thấp, trong khi đó địa phương chỉ được điều chỉnh không quá 3%  trong khi giá thị trường cao, khung giá không sát với giá thị trường. Nên ủy quyền cho các địa phương quyết định giá và Bộ TN&MT là đơn vị giám sát. Tham mưu của các Sở không đồng nhất dẫn tới việc có những dự án đã đấu thầu xong lại thu hồi để đấu giá. Vì vậy, Bộ TN&MT cần nâng cao nhận thức, chuyên môn, nghiệp vụ của Sở TN&MT các tỉnh. Bộ cũng cần thống nhất phần mềm cơ sở quản lý đất đai để dễ tra cứu và sử dụng. Tỉnh Quảng Ninh đã đặt trạm quan trắc tự động ở các nhà máy xi măng, nhưng chưa có quy định về xử phạt, đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn xử phạt. Bộ cũng cần có hướng dẫn để đánh giá tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện có phải là nguồn tài nguyên hay không, có được dùng vào san lấp không?

Ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên: Xem xét và mô hình bộ máy quản lý của ngành

PChutich UBND HungYen Mr cử
Ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên

Cần xem xét cơ cấu, tổ chức và mô hình bộ máy quản lý của ngành, cần tinh gọn, giảm đầu mối quy trình thủ tục hành chính. Đồng thời, có biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, trung tâm phát triển quỹ đất, quỹ BVMT. Trong lĩnh vực môi trường: Cần có quy định bắt buộc về chủ nguồn thải, phải phân loại rác thải từ nguồn, đồng thời tăng mức xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Bộ cần hỗ trợ các địa phương đầu tư các trạm quan trắc tự môi trường tự động và các công trình xử lý môi trường bền vững.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hiện nay đang quá tải bởi phải gánh xả thải của các khu, cụm công nghiệp lẫn nước thải sinh hoạt. Chức năng tưới tiêu gần như mất đi bởi nguồn nước ô nhiễm. Tỉnh Hưng Yên cùng các tỉnh có dòng Bắc Hưng Hải đi qua rất mong các cơ quan chức năng của Bộ có một chính sách cụ thể xử lý điểm nóng về môi trường này.

Bên cạnh đó, ô nhiễm làng nghề tái chế nhựa Minh Khai cũng đang ở mức báo động. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đưa hoạt động của làng nghề này vào ổn định, giảm những tác động xấu đến môi trường.   

Về lĩnh vực Đất đai: Tỉnh Hưng Yên đề Bộ hướng dẫn thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với người trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất. Việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN, CCN có phải đấu giá quyền sử dụng đất không?

Ông Phạm Quang Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình: Xác định diện tích đất trồng lúa để phát triển dự án nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực

PChutich UBND NinhBinh MrNgoc
Ông Phạm Quang Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình

Về lĩnh vực đất đai, tỉnh Ninh Bình kiến nghị Bộ xác định diện tích đất trồng lúa trên toàn quốc cũng như của các tỉnh để phát triển các dự án nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Trong canh tác nông nghiệp, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, khó kiểm soát gây ô nhiễm môi trường, vì vậy ngành tài nguyên và môi trường cần phối hợp với các ngành để kiểm soát đầu vào gắn với phương thức canh tác. Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học ở Ninh Bình và cần có chế tài mạnh để bảo vệ các động thực vật trong khu bảo tồn. Đồng thời cần tăng cường nguồn lực cho hoạt động quan trắc khí tượng thủy văn,

Ông Vũ Ngọc Long – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hải Dương: Đề xuất xây dựng kế hoạch cho từng loại đất

SoTN&MT GDHaiDuong MrNgocLong
Ông Vũ Ngọc Long – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hải Dương

Theo Luật Quy hoạch và lộ trình thực hiện thì tới cuối năm 2021 quy hoạch chung quốc gia mới được phê duyệt. Từ nay tới thời điểm đó do không được điều chỉnh nên rất khó khăn đối với các dự án mới phát sinh. Kế hoạch sử dụng đất 5 năm trong đó yêu cầu có danh mục dự án là bất cấp vì những dự án vốn ngân sách nhà nước (được đưa vào danh mục đầu tư công), nên cần xây dựng kế hoạch cho từng loại đất cụ thể.  

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Ninh: Xác định nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn

SoTN&MT PGDBacNinh MrSon
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Ninh​

Một số trường hợp cấp GCNQSDĐ không còn phù hợp. Việc xác định nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn khi hồ sơ lưu tại cơ quan Nhà nước không còn, người dân thì không thể có được. Công tác giải phóng mặt bằng thay đổi liên tục, khiến các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khi phải trả theo giá hiện hành. Công tác định giá đất nộp tiền một lần cũng như như xác định tiền thuê đất hàng năm với số tiền trên 20 tỷ/năm gặp nhiều khó khăn. Kiến nghị Bộ TN&MT nên xác định theo bảng giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ý kiến tâm huyết từ thực tiễn quản lý tài nguyên và môi trường ở địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO