Những xạ thủ trên Chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa

07/05/2019 11:50

(TN&MT) - Tháng 5, Điện Biên Phủ rợp trời cờ hoa bay đỏ ối, cả nước hướng về Điện Biên mừng Lễ kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cũng ngày này cách đây 65 năm về trước (7/5/1954 – 7/5/2019), Chiến thắng Điện Biên Phủ loan tin đi cả nước, trước sự ngỡ ngàng của cả thế giới. Sự kiện ấy đã khắc vào bia thời gian, là bài ca hào hùng, ngân vang mãi trong lòng những người lính Cụ Hồ, cựu xạ thủ trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

4 người, 1 khẩu pháo chiếm giữ đồi E1

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phùng Văn Khầu năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng ông vẫn còn minh mẫn và tráng kiện. Trong ngôi nhà số 4A, ngõ 24, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện chiến trường Điện Biên Phủ và tấm huy hiệu cao quý của cuộc đời cách đây 65 năm; từng chi tiết diễn biến trận đánh, từng gương mặt những pháo thủ trẻ tuổi đã anh dũng ngã xuống trên đồi E1 cứ dần hiện hữu trong tâm trí tôi, như những thước phim tài liệu vừa được mang về từ chiến trường.  

Tháng 3/1954, Đại đội 755 của ông Phùng Văn Khầu (đóng quân tại Phú Thọ) được lệnh hành quân lên Tây Bắc, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh chặn và tiêu diệt các lô cốt, khẩu pháo của địch trên đường hành tiến của quân ta.

“Đại đội 755 của tôi có 3 khẩu đội (mỗi khẩu đội có 9 người), được cấp 3 khẩu pháo 75mm, mỗi khẩu nặng gần 500kg, tầm bắn xa nhất là 6km. Thông thường, để di chuyển được một khẩu pháo như thế, đơn vị phải tháo rời từng kiện, sau đó chia cho 27 người khuân, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, khẩu đội của tôi phải vào trận địa trước, tôi cùng 8 đồng đội đã vác nặng gấp 3 lần bình thường. Sau 6 ngày hành quân đường rừng, chúng tôi đã tiếp cận được đồi E1 và bắt đầu chuẩn bị công sự chiến đấu...” -  Đại tá, anh hùng, Phùng Văn Khầu kể.

Chân dung Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phùng Văn Khầu.
Chân dung Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phùng Văn Khầu

Chiều 30/3/1954, tôi được giao nhiệm vụ tiêu diệt 4 lô cốt địch (ông Khầu được giao chỉ huy khẩu đội sơn pháo 75mm), chi viện cho bộ binh mở cửa vào đánh chiếm đồi E1. Cấp trên cho phép bắn 30 viên, nếu còn thừa đạn mà vẫn tiêu diệt hết lô cốt của địch thì sẽ được khen thưởng. Nhận lệnh xong, tôi lo lắm! Bắn quả đầu tiên bị trượt, đạn rơi cách mục tiêu khoảng 10m. Tôi nhìn lại qua nòng pháo, đề nghị cho tăng cự ly và thay đổi điểm ngắm; bắn phát thứ 2, đạn chui thẳng vào lỗ châu mai, lô cốt địch nổ tung. Đại đội trưởng reo lên “Khầu giỏi quá…!”. Như được tiếp thêm động lực, bắn liền 20 phát trúng mục tiêu bằng phương pháp ngắm bắn qua nòng pháo, đánh sập cả 4 lô cốt địch, giúp bộ binh tràn lên chiếm gọn đồi E1. Trận đó, chúng tôi tiết kiệm được 8 viên đạn” -  ông Khầu bồi hồi nhớ lại.

Kết thúc trận đánh công kiên đầu tiên trên đồi E1, ông Phùng Văn Khầu được Bộ chỉ huy mặt trận tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì và vinh dự được Bác gửi tặng Huy hiệu Bác Hồ…

Có lẽ trong ký ức của người anh hùng ấy, ngày 2/4/1954 là ngày đẹp nhất của cuộc đời. Tại trận địa còn khét mùi thuốc súng, đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn Lương Tý đã trực tiếp trao tặng phần thưởng gắn lên ngực áo tấm Huy hiệu Bác Hồ cho chiến công xuất sắc của tôi. Tôi vô cùng xúc động, dặn lòng phải lập nhiều thành tích để xứng đáng với tấm huy hiệu của Cụ Hồ.

Ánh mắt Đại tá Khầu bừng sáng, phát chút suy tư. Ông kể: “Ngày 23/4/1954, địch mở đợt phản công lớn, huy động cả xe tăng, pháo 105 nhằm chiếm lại đồi E1 và những điểm cao gần đó. Trong quá trình phản công, địch đánh sập hầm ngụy trang của 2 khẩu pháo dự phòng, 18 đồng chí hi sinh và bị thương. Cả đại đội, chỉ còn khẩu đội của tôi là chiến đấu được. Đây là trận đánh ác liệt nhất của tôi, anh em trong khẩu đội hi sinh và bị thương gần hết. Mặc cho địch bắn trả giữ dội, trong khi khẩu đội chỉ còn tôi và anh Lý Văn Pao, nên phải dồn hết tâm trí vào nòng pháo lần lượt bắn hạ từng mục tiêu. Anh Pao bị thương nặng, chỉ còn mình tôi với khẩu pháo và tự thực hiện các thao tác: Quan sát, ngắm mục tiêu, nạp đạn, giật cò... Do bị sức ép của đạn pháo địch, tôi đã ngất đi sau khi diệt gọn cả 4 khẩu pháo 105 ly và 2 khẩu đại liên địch, tạo điều kiện cho quân ta tiến công thắng lợi...”

Sau ngày hôm đó, cả Đại đội Sơn pháo 755 chiếm giữ đồi E1. Nói là cả đại đội nhưng thực ra chỉ còn 1 khẩu pháo và 4 người túc trực chiến đấu trên điểm cao này. Đó là ông, đồng chí đại đội trưởng, chính ủy đại đội và 1 đồng chí liên lạc. Nhưng với quyết tâm và lòng dũng cảm của mình, ông và những đồng đội còn lại vẫn giữ nguyên khẩu pháo vào cùng công sự, tiếp tục bắn yểm trợ cho các cánh quân, chiếm giữ điểm cao E1 cho đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 7/5/1954.

Tổng cộng suốt thời gian 35 ngày trên đồi E1, Đại tá, anh hùng Phùng Văn Khầu với khẩu pháo 75mm của mình (lúc đầu có đồng đội hỗ trợ, về sau chiến đấu 1 mình) đã phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm lính địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng...

Sau chiến dịch, ông Phùng Văn Khầu được Đại đoàn Công pháo 351 cử về Chiến khu Việt Bắc chúc mừng sinh nhật Bác Hồ và được Bác gắn Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ. Đặc biệt, ngày 31/8/1955, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Tên tuổi và những kỳ tích của người anh hùng pháo binh Phùng Văn Khầu được ghi đậm nét trong trang sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Khẩu pháo 75mm mà anh hung Phùng Văn Khầu cùng đồng đội sử dụng đánh trên đồi E1 hiện đang được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ là một như một minh chứng hùng hồn cho những chiến công của ông và những người lính Điện Biên Phủ năm xưa.

Xạ thủ bắn rơi máy bay địch

Tiếp chúng tôi trong căn nhà lá tại bản Co Líu, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Xạ  thủ Lò Văn Phung, 82 tuổi kể về những chuỗi ngày ông làm tổ trưởng phòng không, đóng quân tạ bản Búng, xã Búng Lao, huyện Tuần Giáo (nay thuộc huyện Mường Ảng). Khi ấy, ông là bộ đội phục viên từng có thời gian đóng quân tại đợ vị C2 D2 F316 bên nước bạn Lào. Khi trở về ông được Ban Chỉ huy quân sự huyện Điện Biên giao làm tổ trưởng, tổ phòng không, xạ thủ chính đã từng tham gia lớp bồi dưỡng về súng máy cao xạ 12 ly 7.

Chân dung ông Lò Văn Phung.
Chân dung ông Lò Văn Phung

Trong niềm xúc động khi được hỏi về chuỗi ngày ông tham gia kháng chiến, ông Phung kể: “Đó là năm 1965, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, máy bay Mỹ bắn phá, phá hủy toàn một số tuyến giao thông huyết mạch, điển hình là tuyến đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên. Các cây cầu huyết mạch như: Nà Dên, cầu Khương (bản Pó, xã Púng Lao), cầu Pá Sọt (bản Hồng Sọt), cầu Pá Ẳng (huyện Mường Ảng) bản Púng (huyện Tuần Giáo) cầu Pú Khẩu (huyện Mường Ảng), máy bay Mỹ vần vũ bay từng tốp, từng tốp bổ nhào chủ trương phá nát đường giao thông và các cây cầu để cô lập Điện Biên, Lai Châu không cho bộ đội Cụ Hồ với các tỉnh miền xuôi. Tại bản Mèo, xã Mường Ảng, huyện Mường Ảng tôi bắn rơi máy bay F105 bằng khẩu đại liên K57 và chính ông Lò Văn Óng, huyện đội trưởng, huyện Tuần Giáo đi xác nhận xác máy bay rơi.”

Lúc nhìn quả bom rơi máy bay Mỹ thả xuống chỉ to bằng con chim nôộc pít, thế mà rơi xuống sức công phá như bằng cả tấn. Giản, nọ... (tiếng Thái - Sợ, hè...) - Ông Phung kể.

Tháng 5 trên mảnh đất anh hùng, chúng tôi bắt gặp lại những người con dũng sĩ, những mẩu chuyện mô tả về những trận đánh họ trực tiếp tham gia, tất thảy đều hào hùng, oanh liệt và xúc động, tự hào, dẫu số phận cuộc đời của mỗi người có khác nhau. Nhưng tựu chung lại họ đều rất đỗi tự hào về những gì họ đã đóng góp tại chiến trường Điện Biên Phủ năm nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những xạ thủ trên Chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO