Trong đó, quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tập trung chỉ đạo quyết liệt, trên cơ sở tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các quyết định, quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư theo thẩm quyền. Đã bám sát cơ sở, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc về xác định nguồn gốc đất đai, cơ chế, chính sách pháp luật cho người có đất bị thu hồi; phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo giao đất kịp thời cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, vướng mắc. Cụ thể: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các công trình, dự án. Việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vẫn còn xảy ra.
Trình tự, thủ tục hành chính liên quan đến việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đặc biệt là các dự án thuộc thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng trồng lúa của Thủ tướng Chính phủ thời gian dài, gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư.
Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng trồng lúa kéo dài gây ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án |
Chính quyền các cấp không có đầy đủ hồ sơ quản lý, không cập nhật biến động đất đai thường xuyên và không quản lý được những vụ việc mua bán, chuyển nhượng đất đai trái phép, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Một số dự án bị chậm tiến độ, chậm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng do nguồn gốc đất đai phức tạp, hồ sơ địa chính và các giấy tờ về sử dụng đất không đầy đủ.
Giá đất cụ thể áp dụng trong bồi thường: đối với đất nông nghiệp, những giao dịch về chuyển quyền sử dụng giữa những người sản xuất nông nghiệp với nhau là rất ít, không phổ biến. Nên việc xác định giá đất cụ thể để áp dụng trong bồi thường gặp rất nhiều khó khăn.
Về chính sách tái định cư và xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư: Việc xây dựng các khu tái định cư của các dự án thường rất bị động, tồn tại lớn nhất là cơ sở hạ tầng khu tái định cư không được đầu tư theo quy định. Việc ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các khu tái định cư chưa được quan tâm đúng mức.
Các dự án thiếu biện pháp khôi phục nguồn thu nhập tại nơi ở mới cho người được bố trí tái định cư. Hội đồng giải phóng mặt bằng chỉ tham gia với tư cách tư vấn, vì vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương không cao, là nguyên nhân làm giảm thiểu hiệu lực pháp luật của các chính sách đền bù và tái định cư ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Việc xây dựng các khu tái định cư ở nông thôn chưa phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân, đất giao mới có quy mô diện tích như hiện nay không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân.
Nhiều vấn đề đặt ra trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở Thanh Hóa |
Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải quyết việc chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân có đất bị thu hồi phát sinh vướng mắc như về chính sách hỗ trợ cho người dân để xác định, lựa chọn việc làm, lựa chọn hướng chuyển đổi nghề nghiệp. Việc tổ chức đào tạo, cho học nghề đối với người dân bị thu hồi đất là rất khó. Trên thực tế nhiều hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất không thực hiện được việc chuyển đổi ngành nghề. Nhiều hộ gia đình, địa phương còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn ngành nghề để chuyển đổi.
Trong khi các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn còn rất hạn chế trong việc tiếp nhận, tuyển dụng số lao động của địa phương, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất để thực hiện dự án khi dự án đi vào hoat động. Bên cạnh đó, số người trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất phần lớn là lao động phổ thông, trình độ kỹ thuật thấp không đáp ứng được nhu cầu lao động trong môi trường công nghiệp hoặc lao động kỹ thuật cao.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng kiến nghị đề xuất sửa đổi quy định bồi thường khi nhà nước thu hồi đất của các tổ chức thực hiện dự án đầu tư đang sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, nếu trên địa bàn còn quỹ đất đã giải phóng mặt bằng thì UBND tỉnh quyết định việc cho tổ chức kinh tế thuê đất với thời hạn sử dụng đất còn lại (không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất) để tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh mà không phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ như quy định hiện nay.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào sáng ngày 26/11, do đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là trưởng đoàn. Đại diện các sở, ngành của tỉnh Thanh Hóa đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh, như: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các công trình, dự án; việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vẫn còn xảy ra. Kết quả cấp Giấy chứng nhận trên cơ sở bản đồ địa chính, trích đo địa chính có toạ độ còn đạt thấp. Hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính chưa được cập nhật, chỉnh lý biến động thường xuyên, kịp thời theo quy định…Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến Luật đất đai năm 2013.