Người ta thường nói, hoài niệm quá khứ luôn là một liều thuốc tâm lý hữu hiệu của con người. Nó như liều thuốc an thần, xoa dịu cảm thức bất an trước thực tại và vỗ về những lo toan trước cuộc sống cơm áo, gạo tiền chật vật trước mắt. Không biết có phải vậy mà thời gian qua, hàng loạt chương trình tái hiện không gian văn hóa xưa đã được tổ chức. Từ các sự kiện sử dụng tiền ngân sách cho tới những hoạt động mang tính cá nhân, từ việc tái hiện không gian âm nhạc truyền thống cho tới triển lãm kiến trúc, tranh ảnh và thậm chí là lối sống của người Việt xưa… Nhất là vào những dịp cận Tết này, các chương trình đua nhau xuất hiện với muôn hình vạn vẻ. Nó giống như một tem đảm bảo để lôi kéo, thu hút người dân tới tham gia.
Bản thân việc hoài niệm quá khứ từ lâu đã trở thành một ngành kinh doanh rất tiềm năng (chẳng hạn kinh doanh đồ cổ, kinh doanh bảo tàng …) và tất nhiên, văn hóa xưa đang trở thành “món hàng” thú vị được nhiều người quan tâm, thưởng thức. Bạn đọc có thể dễ dàng kể ra được một số chương trình tiêu biểu như: không gian văn hóa phổ cổ (tổ chức vào mỗi tối cuối tuần ở phố cổ với rất nhiều hoạt động văn hóa mang đậm yếu tố truyền thống), các chương trinh Tết xưa chuẩn bị được khai mạc ở Hoàng thành Thăng Long; các hoạt động tái hiện lối sống xưa của các nhóm bạn trẻ như: nhóm Đình làng Việt, nhóm Đại Việt cổ phong … Những hoạt động trên đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của công chúng.
Nói vậy để thấy rằng, nhu cầu hoài niệm quá khứ, nhu cầu tìm một không gian văn hóa để có thể sống lại với kí ức, với kỉ niệm xưa là mong muốn thiết yếu của không ít người dân. Có lẽ trong tâm thức của mỗi người, ai cũng muốn được “ăn mày dĩ vãng” một đôi lần để xoa dịu đi những bộn bề của cuộc sống hiện đại, đầy xô bồ này.
Vấn đề là tại sao thời gian gần đây xu hướng tái hiện văn hóa xưa lại diễn ra nhiều đến vậy? Nó là sự thôi thúc của bản thân nền văn hóa hay đơn thuần chỉ là một trào lưu “theo mốt” của công chúng? Hay đây chỉ đơn thuần là chiêu câu khách, trò quảng cáo để thu hút người xem của người tổ chức? Dù mục đích có là gì nhưng sự phát triển mạnh mẽ về số lượng các hoạt động gắn mác “văn hóa xưa” luôn đi kèm với những lo ngại về chất lượng. Dăm ba bức tranh, một vài mô hình, thêm một ít hiện vật rồi cũng được quảng cáo bằng đủ cái tên mĩ miều: triển lãm, trưng bày, tái hiện không gian văn hóa xưa … Đó là chưa kể tới nhiều sự kiện gắn mác “tái hiện văn hóa Hà Nội xưa” nhưng nội dung lại chả ăn nhập gì với những lời quảng cáo cả (đặc biệt là những hội chợ sách xưa).
Như vậy bên cạnh một số chương trình văn hóa xưa đã khẳng định được thương hiệu, chúng ta thấy tình trạng vàng thau lẫn lộn vẫn còn rất phổ biến. Thậm chí nhiều nhiều chương trình bắt đầu tạo được ấn tượng tốt trong lòng công chúng (như các chương trình của nhóm Đình làng Việt, Đại Việt cổ phong …) đang có dấu hiệu “hụt hơi”, không duy trì được lâu dài cả về nội dung lẫn tần suất tổ chức. Đó là chưa kể tới những chương trình được làm rất bài bản, công phu nhưng giá trị lan tỏa cộng đồng lại rất ít (có thể kể tới sự kiện: Hoài niệm Hà Nội phố do Trung tâm lưu trữ quốc gia I tổ chức vào tháng 9/2018).
Rõ ràng nhu cầu tìm về quá khứ của người dân là rất thật nhưng cách tổ chức của một số sự kiện lại vô cùng “ảo”. Tổ chức sự kiện vội vàng, thiếu chuẩn bị và mang tính chụp giật là điều dễ nhận thấy ở một số chương trình tái hiện văn hóa hiện nay (một ví dụ mới nhất là tới tháng 2/2018, dự án phố Bích họa Phùng Hưng vẫn phát sinh nhiều tranh cãi). Nhiều người cảm thấy mình bị mắc lừa, hoặc nhẹ hơn họ cảm thấy bị vỡ mộng giữa tưởng tượng và thực tế. Các nhà tâm lý cho rằng, hoài niệm quá khứ giúp nuôi dưỡng những cảm xúc của sự thuộc về. Công chúng đến triển lãm để muốn tận hưởng cảm giác mình đã từng thuộc về nơi đó, không gian đó. Họ đến nghe nhạc dân gian để muốn tận hưởng hồn cốt dân tộc qua từng thanh âm, làn điệu.
Thiết nghĩ, không có bài học lịch sử nào có thể giáo dục lòng yêu nước mãnh liệt hơn khi con người được trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận. Bởi thế những chương trình thế này không đơn thuần mang tính thương mại, nó chủ yếu giáo dục lòng yêu nước. Nhưng chúng ta cần cảnh giác với bài học: khi người dân quan tâm thực sự thì chúng ta làm không thực sự. Khi chúng ta làm thực sự thì người dân lại không quan tâm nữa. Vì thế đừng biến những chương trình tái hiện văn hóa xưa thành hội chợ thương mại. Hãy biến nó thành hội chợ của lòng yêu nước.