Những người con lai Pháp ở Điện Biên

11/04/2014 00:00

(TN&MT) - Những người con lai lính Pháp. Hẳn trong sâu thẳm trái tim họ, vẫn mơ một ngày được biết đến đấng sinh thành, dẫu chỉ một lần... Một lần thôi!..

            
(TN&MT) - Những người con lai lính Pháp trên mảnh đất Điện Biên, họ có mặt trên cuộc đời giữa thời binh đao, loạn lạc... Nay chiến tranh lùi xa, những thương đau mất mát cùng với những kiếp người lầm than, cơ cực đã chìm sâu, lặn vào lòng đất; cho Mường Trời rừng núi tươi xanh, để người Mường Thanh không phải chạy dạt vào ở tận rừng sâu… Vui niềm vui chung ấy có nỗi niềm riêng của họ. - Những người con lai lính Pháp. Hẳn trong sâu thẳm trái tim họ, vẫn mơ một ngày được biết đến đấng sinh thành, dẫu chỉ một lần... Một lần thôi!.. Nhưng giờ đã muộn mất rồi! Còn chăng chỉ là những câu chuyện vui, buồn và kí ức của một thời loạn lạc, ly tan...
   
Mối tình cô Đôi và người lính Pháp
   
  Lường Văn Đăm (theo tiếng Thái, Đăm có nghĩa là đen), một người con lai lính Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ năm nào. Ông Đăm năm nay 61 tuổi, nghĩa là ông sinh ra được 1 năm thì giải phóng Điện Biên. Hiện nay, ông cùng vợ con đang sống tại bản Mé, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên (Điện Biên). Ông vẫn ao ước một lần biết đến tên người cha đẻ.
   
Ông Lường Văn Đăm luôn luôn mong ước  được một lần gặp lại cha đẻ của mình…
    
   
  Hôm chúng tôi đến đầu bản Mé thì được chị bán hàng bên vệ đường chỉ theo cái bóng vừa khuất: “Kia, ông Đăm kia kìa! Cái ông đang gánh đôi sọt ấy”.
   
  Chúng tôi quay đầu xe trở lại. Người đàn ông tên Đăm có đôi môi dày, cặp mắt lồi to, mái tóc xoăn tít còn nước da thì đen như bồ hóng, nhõn hàm răng cười… trắng ởn. Ông Đăm tỏ vẻ ái ngại trước đôi chân đất ngoại cỡ của mình. Ông thanh minh: Ôi!.. Chân to quá, mình đi tông to nhất cũng không vừa, đi chân không thôi… Chúng tôi cười, ông cũng cười, nụ cười thật hiền và ông quẩy nguyên cả đôi sọt lên xe, đưa chúng tôi về nhà.
   
  Ngôi nhà sàn 2 gian không có vẻ gì là khá giả, người vợ của ông đổ bệnh nằm liệt đã bao năm, khiến gia cảnh càng thêm khốn khó. Cơ nghiệp của ông là con trâu và đang rệu rạo nhai “trầu” dưới gốc cây me ngay đầu cổng, mấy lần ông định bán để chữa bệnh cho vợ, nhưng lại sợ bán đi rồi lấy gì cày ruộng. Đành thôi.
   
  Chúng tôi cứ vòng vo mãi, không biết bắt đầu từ đâu vì sợ rằng điều mình nhắc đến sẽ làm ông bị tổn thương. Ông Đăm cười hiểu ý liền bắt chuyện: Tôi là con lai lính Pháp, người già ở bản và mẹ tôi kể thế. Tôi nghe người già kể lại: Ngày xưa, máy bay suốt ngày cứ bay đi, bay lại trên trời. Người Thái chưa thấy bao giờ mới đầu cũng thích... Nhưng rồi nó thả xuống người Tây cong lưng như con nhện, súng ống, bom mìn, các thứ… Lúc thì thấy nổ bùm bùm chỗ này, lúc thì thấy nổ chỗ khác. Ai cũng sợ, quả tim như sắp rơi ra… Người Tây đi lính về đây có các kiểu người. Người thì mũi dài, người to, cao lênh khênh. Người thì môi to, mắt to da đen như than... đi đâu cũng mang súng dài. Người Tây vào bản lấy gì cũng kệ, làm gì ai cũng im, không ai dám nói, không ai dám nhìn mặt... Có lúc, có cả người Tây đen, Tây trắng đi cùng nhau vào bản nói xì xồ xì xồ… rồi bắt gà, bắt vịt mang đi, có người thì lại thích con gái. Nhiều người Thái sợ phải trốn đi ở rừng sâu.
   
  Nghe ông Đăm kể lại, chúng tôi thật khó hình dung cuộc sống của họ lúc bấy giờ, nhưng vẫn cảm nhận được: phải bỏ xứ mà đi thì khổ hết chịu nổi rồi.
   
  Ngày ấy, cô Lường Thị Đôi là một trong những người con gái Thái ở bản Mé đã làm người lính Pháp thích, ngỏ ý muốn lấy cô Đôi làm vợ. Cả nhà, cả bản ai cũng sợ và không thích, nhưng không dám nói trước mặt người Tây. Ông Lường Văn Lún (93 tuổi) bản Mé, kể: Có lần người Tây da đen đã mang theo cả người bản Mé biết hai thứ tiếng đến nói chuyện xin lấy cô Đôi. Lúc đầu bố, mẹ cô Đôi không đồng ý, sau người lính Pháp đến nhiều quá thì quen không sợ nữa, kệ thôi… cho lấy thôi.
   
  Và hạnh phúc của cô Đôi với người lính Pháp đó không được bao lâu đã phải biệt ly. Chiến tranh đã đẩy họ đến với nhau rồi lại cắt đứt, chia lìa họ. Trước thời điểm giải phóng Điện Biên khoảng 5, 6 tháng, người lính Pháp biết mình phải rời khỏi Điện Biên, nên trước khi đi đã chuẩn bị sẵn một bức thư và kèm theo nhiều loại giấy tờ về lai lịch của mình để lại cho cô Đôi. Đi đâu thì không ai rõ, chỉ biết rằng trước khi đi người lính Pháp đã ôm cô Đôi và khóc... Khi ấy, cô Đôi đã có thai quãng 5, 6 tháng.
   
  Ngày cô Đôi trở dạ sinh ra cậu bé da thì đen óng, lợi đỏ hon hỏn…ai cũng sợ và cả cô cũng sợ và cho rằng con ma rừng về trú ngụ chứ không phải con cô. Cô Đôi và dân bản được bộ đội người Kinh giải thích mới vỡ lẽ, da đen là do giống nước da người lính Pháp, chứ không có con ma rừng nào hết.
   
  Mẹ tôi bảo, mẹ cũng chẳng đặt tên, dân bản khắc đặt tên cho tôi vì thấy lạ nhiều người đến xem, ai đến xem cũng gọi “bả nọi đăm” (thằng trẻ con đen) và cái tên Đăm cứ thế mà có – ông Đăm xoa đầu cười hiền rồi kể tiếp: Sau thì mẹ tôi lấy thêm dượng mới, lúc mẹ mất đi thì những giấy tờ của bố đẻ tôi cũng được chôn theo, không để lại thứ gì. Họ bảo, chôn các thứ đi theo để sau còn tìm gặp nhau. Chỉ có bộ quần áo tôi và dượng thay phiên nhau mặc mãi mới rách và kỉ vật duy nhất còn giữ lại cho tới hôm nay là chiếc linh (cái chõ xôi của người Thái) được làm bằng đồng của bố mua tặng mẹ lúc ông còn làm lính ở đây.
   
  Ngừng giây lát, ông Đăm nói trong sự tiếc nuối và như thể đang an ủi chính mình: Giờ chắc ông cũng chết rồi, giấy tờ không còn gì. Muốn tìm ông cũng chịu thôi.
   
  Ông Đăm thoáng buồn, ánh mắt nhìn vô định. Chắc hẳn trái tim ông cũng mong ước một lần gặp lại cha đẻ của mình…
   
Người phụ nữ - con lai
   
  Tại bản Pa Pe, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên (Điện Biên) người ta vẫn bắt gặp người phụ nữ năm nay đã ngoài 60 tuổi. Cao to, sống mũi cao, nước da nâu khỏe. Đặc biệt là đôi mắt to và vầng trán, dược mặt mang dáng vẻ của người phương Tây. Tội một điều là bà không biết chữ, đói khổ và năm nào cũng thiếu ăn 3 tháng mùa giáp hạt.
   
Bà Lường Thị Lao kể cùng tác giả về cuộc đời mình: Cả năm làm vất vả mà năm nào bà cũng thiếu ăn
    
   
  Bà là Lường Thị Lao, một người con lai Pháp. Cuộc đời bà cơ cực từ lúc sinh ra cho tới tận bây giờ. Ông Lò Văn É, (88 tuổi) là một trong những người Thái ở Điện Biên biết ba thứ tiếng Pháp – Việt – Thái và cũng là người từng được chứng kiến về sự có mặt và nghe nhiều chuyện kể về mẹ con bà Lao khi về sinh sống ở bản Pa Pe. Lúc bà Lường Thị Khún, (mẹ nuôi của cô Lao) bế cô Lao từ bên Lào về đây vẫn còn bú sữa và vợ tôi hàng ngày đã phải cho cô Lao bú chung sữa của con tôi. – Ông É kể.
   
  Ban đầu không ai để ý mấy, sau mới phát hiện đứa trẻ bà Khún bế về mắt, mũi rất giống người Tây. Lúc này vợ chồng tôi hỏi chuyện bà Khún mới kể: Mẹ đẻ con Lao là người Thái trắng ở Lai Châu, bố con Lao người Pháp. Đầu năm 1954, tôi và nhiều người Thái khác cũng bỏ chạy sang Lào vì sợ súng đạn, trong đó có cả mẹ con Lao lúc đấy đang mang thai nó. Một vài lần mẹ nó đã mở cạp váy có ghi mấy chữ Pháp gì đó không ai biết, nói là của người lính Pháp viết. Cuối năm con Lao ra đời, được gần 4 tháng thì trong một lần chạy giặc mẹ nó đã bị trúng đạn. Tôi thấy nó bò khóc bên xác người chết thương thì bế chạy.
   
  Người bản Pa Pe nghe bà Khún kể thì tin là vậy, nhưng riêng cô Lao thì cho đến tận ngày bà Khún mất cũng không thấy nói gì về thân phận của mình.  “Chỉ nghe dân bản nói tôi là con nuôi của mẹ Khún.” - Bà Lao tâm sự.
   
  Bà Lao đến giờ cũng không biết mình là con nuôi hay con đẻ của mẹ Khún, nhưng có một điều bà vẫn thừa nhận mình là con lai lính Pháp. Và cũng chính vì bà là con lai lính Pháp, trai bản không dám yêu. Nhìn thấy người con gái to, cao lực lưỡng thì sợ... Sợ lấy về, vợ có sai cũng không dám mắng, nhỡ vợ tang cho một cái thì lệch quai xanh… lẽ đó mà lời “ khắp báo sao” (hát giao duyên trai gái) bà chẳng dám hát đối với ai, trai bản đã không ai lấy bà về làm vợ… Ở mãi rồi cũng có một người miền xuôi làm cầu đường về yêu, nhưng chỉ được vài tháng rồi người ấy lại đi... Và mối tình ngắn ngủi đó đã để lại cho bà một cậu con trai. Năm qua đi, tháng qua đi… Mẹ con bà Lao sống lặng lẽ trong căn nhà chát vách đất ở bản Pa Pe. Hơn 60 năm qua, mùa giáp hạt nào mẹ con bà Lao cũng đứt bữa, phải đi vay thóc về ăn đến mùa gặt thì lại gùi thóc mang trả cả gốc và lãi; chỉ khác mỗi một điều là trước đây bà Lao trong vai người con thì giờ là người mẹ.
   
  Ngày trước bà đi xúc tép cả ngày cũng được 2 cân gạo. Bây giờ chỉ được một bát con tép thôi vì sông Nậm Rốm giờ không còn cá. – Bà Lao kể.
   
  Chúng tôi ngồi nhìn khuôn mặt bà Lao, tuy vất vả nhưng vẫn toát lên vẻ quý phái của vầng trán rộng mênh mông tri thức, sống mũi cao và đôi mắt nâu to đẹp. Chúng tôi thầm thì: Nếu bà Lao ở Paris hoa lệ thì có lẽ còn đẹp bội phần.
   
  Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống của người Thái xứ Mường Trời thôi không còn cảnh loạn lạc, ly tan… Những người con lai gốc Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ năm nào; với sức vóc to, khỏe họ làm việc chăm chỉ, cần cù chẳng hiểu sao vẫn không đủ gạo ăn…Họ sống khép mình hơn vì mặc cảm; ít nhiều cũng chịu tiếng con lai.
   
  Bài & ảnh: Trần Hương
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người con lai Pháp ở Điện Biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO