Nuôi trâu thịt
Ba Giang - xã đặc biệt khó khăn của huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) có tới hơn 70% là hộ nghèo, hơn 400 hộ đồng bào Hrê. Để tìm hướng thoát nghèo, cách đây vài năm, địa phương chú trọng phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi gắn với điều kiện của địa phương. Đặc biệt chú trọng phát triển, nhân rộng mô hình nuôi trâu, bò giống bản địa.
Hiện thực chủ trương đó, xã Ba Giang tích cực vận động người dân vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội để mua con giống. Đồng thời, xã phối hợp với cơ quan Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tham quan mô hình cho người dân học hỏi… Với sự hỗ trợ tích cực từ xã, khát khao thoát nghèo của người dân, đến nay, cả xã có gần 1.600 con trâu, nhiều hộ dân thoát đói, giảm nghèo nhờ chăn nuôi hiệu quả.
Nhân rộng mô hình của Ba Giang, đến nay huyện Huyện Ba Tơ có tổng đàn gia súc gần 58.000 con, tăng 6.200 con so với 5 năm trước. Huyện Ba Tơ xác định, từ nay đến năm 2020, tiếp tục khuyến khích phát triển các hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại, sản xuất tập trung, quy mô vừa và lớn, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm, kết nối khâu sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Ba Tơ cho biết, theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện định hướng phát triển đàn trâu, sản phẩm thịt trâu thành sản phẩm đặc trưng riêng của huyện Ba Tơ. Đưa vào các nhà hàng, siêu thị để tạo đầu ra ổn định cho bà con.
Phát huy lợi thế cây bản địa
Huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) được biết đến với nhiều loại cây ăn quả nổi tiếng như: Bưởi Đoan Hùng, Hồng Hạc Trì, Hồng Gia Thanh... Phát huy lợi thế này, nhiều xã đã chọn chuyên canh cây ăn quả là hướng đi trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Xã Bằng Luân có thể coi là thủ phủ bưởi Đoan Hùng của huyện miền núi Đoan Hùng. Cả xã có 1.400 hộ thì có tới 1.200 hộ trồng loài đặc sản này. Diện tích chuyên canh bưởi của toàn lên tới 170 ha. Quyết tâm giữ gìn và phát triển thương hiệu bưởi ngon nổi tiếng này, người dân truyền nhau bí quyết thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, kết hợp với thụ phấn bổ sung nên năng suất bưởi tăng cao, quả đều, mẫu mã đẹp. Với mức bình quân mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/năm, không ít hộ đạt mức thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm.
Đánh giá cao hiệu quả của loại cây trồng này, tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2020, diện tích bưởi Đoan Hùng và bưởi Diễn đạt 5.000 ha. Do đó, các địa phương sẽ quy hoạch diện tích trồng mới bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn; tổ chức tuyển chọn, bình tuyển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng để làm vật liệu sản xuất giống; đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giữ vững và phát triển thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng.
Và mô hình VAC
Lựa chọn mô hình kinh tế tổng hợp để xóa đói giảm nghèo trên mảnh đất quê hương Hải Lăng (Quảng Trị), cựu chiến binh Võ Chí Trung xin địa phương đấu thầu hơn 7.000m2 đất ruộng sình lầy để làm trang trại.
Khởi đầu là trại nuôi lợn thịt và cá thương phẩm. Để vượt qua những khó khăn ban đầu, ông “lấy ngắn nuôi dài”, sau 3 năm, ông đã đầu tư vốn mở rộng trang trại theo mô hình V-A-C. Hiện tại trang trại của ông đang đem lại hiệu quả kinh tế khá ổn định với gần 2.000m2 ao nuôi cá loại cá trắm, mè, chép, trê lai, mỗi năm nuôi 150 con lợn thịt và trồng các loại cây hoa màu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, ông Trung còn mở thêm cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Từ mô hình trang trại này, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình ông Trung hàng trăm triệu đồng.
Với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức hội như Cựu chiến binh, Phụ nữ, Thanh niên, Người cao tuổi…, hiện tại trên địa bàn huyện Hải Lăng có hàng trăm mô hình kinh tế giỏi, trong đó có mô hình trồng hoa, trồng cây hồ tiêu, cây ăn quả, chăn nuôi bò nhốt, nuôi cá lồng, nuôi lợn, gà đàn, và kinh doanh dịch vụ... Các mô hình đem lại thu nhập từ 100- 300 triệu đồng/năm, xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”