Những lưu ý để không bị "lừa" khi mua nhà

08/09/2017 00:00

(TN&MT) – Tôi thấy hiện nay có quá nhiều các quy định liên quan đến việc mua bán nhà, mua bán đất ở và mua bán chung cư. Với một người dân như tôi, để hiểu hết các quy định quả là rất khó. Vậy, Quý báo cho hỏi, khi mua nhà, đất, chung cư tôi cần chú ý những điểm gì để không bị lừa?

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Đúng như bạn thấy, xung quanh việc mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hiện nay có rất nhiều rủi ro. Để tránh bị “lừa”, người mua cần có một số kiến thức cơ bản liên quan đến việc nhận chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất.

Đầu tiên, người mua cần lường trước được một số rủi ro nhận chuyển nhượng quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất như: Nhà muốn mua đang tồn tại tranh chấp mà ta không biết; Nhà đang nằm trong dự án; Nhà thuộc đối tượng kê biên đảm bảo thực hiện cho một giao dịch nào đó như: thế chấp, cầm cố, bảo lãnh…Có thể nói trường hợp phổ biến nhất là nhà không có sổ đỏ và qua nhiều chủ sử dụng, tiềm ẩn khả năng kiện tụng tranh chấp vô cùng lớn...

Tiếp theo, khi tiến hành chuyển nhượng, người mua và người bán cần tuân thủ đúng các quy định về hợp đồng chuyển nhượng. Khi ký kết hợp đồng, thì một trong những điểm mấu chốt cần lưu ý là hình thức của Hợp đồng. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hợp đồng mua bán nhà ở cần phải công chứng. Tuy nhiên, nếu một bên của hợp đồng là công ty kinh doanh bất động sản thì hợp đồng không cần công chứng vẫn có hiệu lực pháp lý.

Một hợp đồng mua bán nhà ở sẽ có thể có 15 điều khoản cơ bản, thể hiện các nội dung như: Thông tin của các bên; Giải thích thuật ngữ; Đối tượng của Hợp đồng; Giá bán và phương thức thanh toán; Thời hạn bàn giao nhà và hồ sơ; Bảo hành nhà ở; Quyền và nghĩa vụ của các bên; chuyển giao quyền và nghĩa vụ; Vi phạm Hợp đồng và trách nhiệm của các bên; Các trường hợp chấm dứt Hợp đồng; Các trường hợp bất khả kháng; Cam kết của các bên; Luật áp dụng và phương thức giải quyết tranh chấp; Ngôn ngữ Hợp đồng; Hiệu lực Hợp đồng…Vì vậy, bên mua cần kiểm tra kỹ thông tin của bên bán để đảm bảo đại diện bên bán ký kết Hợp đồng là người có thẩm quyền; nếu bên ký kết hợp đồng là công ty bất động sản, cần kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng như các giấy tờ khác thể hiện sự tồn tại của bên mua để tránh trường hợp bị lừa đảo.

Riêng với đối tượng người mua là người nước ngoài thì cần biết rằng, không phải người nước ngoài nào cũng được sở hữu nhà Việt Nam. Vậy nên khi mua nhà, người nước ngoài cần kiểm tra các quy định của pháp luật về vấn đề này để tránh trường hợp hợp đồng vô hiệu. Riêng người nước ngoài khi ký kết hợp đồng phải có mặt tại Việt Nam, căn cứ để xác định người nước ngoài có mặt tại Việt Nam là hộ chiếu phải được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đóng dấu xuất nhập cảnh. 

Ngoài ra, bên mua nhà cũng cần lưu ý đến loại nhà ở, có thể là nhà chung cư, biệt thự, biệt thự liền kề…; nhà ở hình thành trong tương lai, mỗi một loại nhà này lại có một số đặc thù đặc. Khi mua, người mua cần quan tâm đến các chi tiết như: vị trí lô đất; tờ bản đồ để đảm bảo mô tả chính xác căn nhà mà mình chọn mua. Về diện tích, có nhiều loại diện tích làm căn cứ như diện tích sàn, diện tích thông thuỷ, diện tích sai số, diện tích sử dụng chung, sử dụng riêng. Vì vậy, hợp đồng càng quy định chi tiết bao nhiêu thì càng tránh được tranh chấp bấy nhiêu.  Nếu có thể, người mua cũng nên kiểm tra các thông tin như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất, giấy tờ về chứng nhận phòng cháy chữa cháy… để tránh các rủi ro trong việc mua nhà.

Mặt khác, ngươi mua nên ghi nhận rõ trong hợp đồng mua bán về thời hạn bàn giao nhà, bàn giao hồ sơ, thời điểm chuyển giao quyền sở hữu nhà, thời điểm chuyển giao rủi ro, xử phạt, bồi thường trong trường hợp chậm bàn giao nhà, chậm nhận bàn giao nhà…

TN&MT

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những lưu ý để không bị "lừa" khi mua nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO