Những bóng blouse trắng miệt mài nơi biên cương

09/10/2017 00:00

(TN&MT)- Bà con vùng cao của huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) giờ đây đã yên tâm về sức khỏe, khi có sự tâm huyết của những bác sĩ, y sĩ, quân dân y đang từng ngày từng đêm bám bản, bám làng...

Chúng tôi rời TP. Huế và tiến lên vùng cao huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) vào một chiều hè tháng 9 đầy nắng, nơi đây tập trung đông đảo đồng bào người dân tộc thiểu số như Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều...

Bác sĩ Phú trong một lần khám bệnh cho người dân thôn bản vùng biên giới
Bác sĩ Phú trong một lần khám bệnh cho người dân thôn bản vùng biên giới

Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Quang Phú- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới vừa gặp đã tươi cười chào đón chúng tôi. Bác sĩ thổ lộ đã đặt chân lên huyện vùng cao A Lưới làm bác sĩ ngoại trú 35 năm nay và vẫn xem mọi chuyện như thể mới bắt đầu hôm qua.

Vị giám đốc kể lại, bác sĩ tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Bình Trị Thiên năm 1982, khi đó chỉ mới hơn 20 tuổi. Không lâu sau, người thanh niên trẻ tuổi đã tình nguyện lên A Lưới để làm bác sĩ ngoại trú, trở thành một trong những bác sĩ đầu tiên của huyện miền núi biên giới này. Bác sĩ cũng rất muốn ở lại thành phố để tiếp tục học và kiếm việc làm. Nhưng khi nghe A Lưới đang cần bác sĩ ngoại trú nên đã không ngừng ngại dấn thân. Sau đó 3 năm, lúc hết công tác thì bác sĩ vẫn quyết tâm ở lại vì đội ngũ y tế quá thiếu hụt.

Bác sĩ Phú kể lại rằng, ngày đó người dân địa phương nhìn ông với một ánh mắt đầy e dè và lạ lẫm, bởi sự có mặt của một người thanh niên trẻ mang áo blouse trắng là điều khá xa lạ với đồng bào ở đây. 

Đến nay cũng hơn 35 năm, trong ký ức của bác sĩ Phú đã lưu giữ không biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui với nghề. Trong đó, kỉ niệm trận lụt lịch sử năm 1999 đã để lại ấn tượng nhất.

Năm đó, số người chết trong trận lụt tại Huế lên đến gần 400 người, con đường để lưu thông về thành phố ngập lênh láng, toàn huyện A Lưới dường như bị cô lâp. Thời điểm nước lũ dâng lên, có một sản phụ người Tà Ôi ở xã Hồng Vân được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình thế vô cùng nguy cấp.

Dù còn trẻ nhưng bác sĩ Hồ Thị Linh Khang vui vẻ ở nơi biên giới vì sức khỏe người dân
Dù còn trẻ nhưng bác sĩ Hồ Thị Linh Khang vui vẻ ở nơi biên giới vì sức khỏe người dân

“Nữ sản phụ trong tình trạng song thai nằm ngang. Lúc đó, kỹ thuật viên gây mê đang ở Huế, không lên huyện được vì mưa lũ nên tôi đã quyết định cho tiền gây mê và gây tê tại chỗ để mổ. Khi ấy mà nếu không được cứu chữa kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả hai mẹ con. May mà ca mổ thành công, ai ai cũng đã bật khóc giữa dòng nước lũ vì quá vui mừng”, bác sĩ Phú nhớ lại.

Qua nhiều đóng góp không ngừng, bác sĩ Phú đã lần lượt giữ những vị trí trọng trách; từ Trưởng khoa ngoại, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Phó giám đốc cho đến giám đốc Trung tâm vào năm 2006 đến nay. Bác luôn nhận được sự tin yêu của đội ngũ y tế huyện cũng như người dân A Lưới.

Không chỉ có bác sĩ Phú, nơi rừng sâu núi thăm sát biên giới này cũng thu hút rất nhiều ý bác sĩ trẻ tuổi muốn thử thách bản thân, để thể hiện tình người.

Vào năm 2014, chị Hồ Thị Linh Khang tốt nghiệp Đại học Y dược Huế chuyên ngành bác sĩ Đa Khoa. Vừa khi tốt nghiệp, chị quyết định xin lên xã Hồng Thượng làm bác sĩ nội trú. “Khó khăn thì nhiều nhưng mình vui vì chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ở đây, đó chính là lý do giữ mình ở lại...”,chị Khang nói.

Chị Khang nhớ lại một kỷ niệm mà chị không thể quên. Vào một đêm trời mưa bão to, chị đang cho con ngủ ở nhà thì chị nhận tin báo có một ca sinh khó đã được đưa về trạm xá xã để cứu chữa. Chị Khang liền để lại con nhỏ 2 tuổi cho ông bà ngoại trông giữ rồi chạy xe máy xuống trạm xá.

Dù trời mưa, đường trơn trượt, dọc đường đi xe chị trượt bánh suýt ngã không biết bao lần nhưng chị vẫn cố gắng đến. Khi đến nơi thì áo quần chị ướt sũng, chị lao vào ca sinh  từ 2h sáng đến 4h sáng. Sản phụ đã sinh được bé trai nặng hơn 3kg trong nụ cười mà những giọt mồ hôi của chị Khang.

Cũng đã 5 năm qua, thiếu tá Đặng Hồng Minh tình nguyện lên miền biên giới A Lưới để chăm sóc sức khỏe cho bà con dân bản trạm quân dân y thuộc Đồn Nhâm, nằm sát biên giới Việt-Lào thuộc địa bàn xã Nhâm. Dù trước đó thiếu tá là bác sĩ quân y tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế và đã có vợ con.

Sự nhiệt huyết của các y, bác sĩ là điểm tựa cho bà con nơi vùng cao
Sự nhiệt huyết của các y, bác sĩ là điểm tựa cho bà con nơi vùng cao

Vị thiếu tá đã đã sớm hòa nhập với môi trướng mới, cuộc sống mới. Mỗi tuần 3 buổi, thiếu tá Minh kết hợp với Trạm y tế xã Nhâm khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho bà con đồng bào được hưởng bảo hiểm, hộ nghèo. Bác sĩ Minh còn giành thời gian để làm từ thiện, phát thuốc miễn phí cho bà con biên giới.

Bà Đơ (82 tuổi, trú thôn A Hưa, Xã Nhâm) chia sẻ:: “Tôi bị bệnh cao huyết áp nên có những ngày trở trời không đến trạm xá được. Tôi nhờ người nhắn cho bác sĩ Minh và ngay lập bác sĩ đến tận nhà khám bệnh cho tôi, tôi rất vui và xúc động...”.

Lâu nay, người dân vùng cao A Lưới vốn quen với việc chữa bệnh bằng bùa phép, hũ tục cúng bái mang màu sắc mê tín. Với sự xuất hiện của những người như bác sĩ Phúc, Minh... đã tạo niềm tin cho đồng bào dân tộc nơi đây.

Vẫn còn rất nhiều y, bác sĩ lương thiện đang ngày đêm cống hiến hết mình cho người dân nơi miền biên giới. Và đối với dân, những bóng blouse trắng đã trở nên rất quen thuộc và chắc chắn sẽ là điểm tựa tinh thần cho họ mỗi khi bi quan, đau ốm.

Văn Dinh - Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bóng blouse trắng miệt mài nơi biên cương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO