Những bản hùng ca... bên dòng Nậm Rốm - Bài 3: Điện Biên... nghĩa nặng tình sâu!

05/07/2018 15:46

(TN&MT) - Điện Biên - địa danh chỉ cần nhắc đến là trong huyết quản của những người lính trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa lại trào dâng nỗi niềm xúc cảm, tự hào. Mảnh đất cực Tây của Tổ quốc xa xôi, diệu vợi đã làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau ngày đại thắng 3 năm, mùa xuân năm 1958, những chiến sĩ “hạ sao” ấy lại tiếp tục nhận nhiệm vụ mới lên xây dựng nông trường Điện Biên.

điện biên
Một góc TP. Điện Biên Phủ hôm nay

“Sứ mệnh xanh”... sau ngày đại thắng       

64 năm trôi qua, hình ảnh về những chiến sĩ Điện Biên “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những trận chiến đấu ác liệt giành giật với địch từng tấc đất, từng chiến hào trên cánh đồng Mường Thanh, rồi những tiếng hò dô kéo pháo, tiếng cười hân hoan trong ngày vui đại thắng vẫn hằn nguyên trong ký ức của những chiến sĩ Điện Biên Phủ năm nào.

Sau niềm vui chiến thắng, mùa xuân năm 1958, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa buông súng trở về... Họ tình nguyện lên Điện Biên (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Lai Châu) để thực hiện nhiệm vụ mới, xây dựng nông trường Điện Biên, phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, giữ vững bờ cõi, phên dậu Tổ quốc... làm hậu phương vững chắc cho tuyền tuyến. Tất cả vì miền Nam ruột thịt.

điện biên 2
Chợ phiên Tủa Chùa (Điện Biên)

Ngày 8/5/1958, Nông trường Quốc doanh Điện Biên được thành lập gồm 1.954 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 176. Tổ chức Nông trường khi đó là Nông trường bộ, các phòng ban trực thuộc và 23 đơn vị sản xuất. Mỗi đơn vị sản xuất là 1 đại đội (gọi là C) thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, làm giao thông, thủy lợi, cơ khí, máy kéo vận tải, sản xuất vật liệu kiến thiết cơ bản... Các C được bố trí xen kẽ với các xã toàn vùng lòng chảo Điện Biên và khu vực Mường Ảng, Tuần Giáo.

Thực hiện cuộc vận động “Lấy Nông trường làm gia đình, lấy Tây Bắc làm quê hương”, rời cây súng, những người lính Cụ Hồ trở thành công nhân nông trường. Họ không quản khó khăn vất vả, tập trung khai hoang, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần từng bước ổn định đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Lai Châu cũ). Chính họ đã vận động người thân lên Điện Biên để tập trung khai hoang, cải tạo đồng ruộng, phát triển sản xuất, cùng đồng bào các dân tộc bản địa phát triển sản xuất và sẵn sàng cầm súng bảo vệ Điện Biên.

Sau 3 năm, vừa khai hoang cải tạo chiến trường Điện Biên Phủ ngổn ngang bom đạn, bỗng chốc hóa đồng ruộng phủ xanh tươi, trù phú cùng với phong trào “ba vừa” (vừa tổ chức sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ dân vận, vừa sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ thành quả chiến thắng Điện Biên). Nông trường Quốc doanh Điện Biên đã khai hoang hàng nghìn ha đất, phủ xanh bởi hàng chục ha cây cà phê và hàng trăm ha cây lương thực đáp ứng đủ nhu cầu lương thực tại chỗ cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tại khu vực Nông trường.

Công “cuộc khai hoang vỡ đất” tại vùng cực Tây Tổ quốc khi ấy còn được ví như “luồng gió mới” thổi vào làm thay đổi tư duy của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, Lai Châu về thói quen canh tác còn lạc hậu và dần tham gia vào phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.

Từ vùng đất hoang vu, um tùm lau lách đến ngổn ngang vết tích của chiến tranh khốc liệt ngày nào, nay đã trở thành cánh đồng Mường Thanh mênh mông, trù phú, ngút ngàn bờ nối bờ, thửa liền thửa. Dáng dấp của Điện Biên hôm nay có in đậm công sức lao động, trí tuệ của lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân Nông trường Quốc doanh khi ấy và sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Ký ức Nông trường

Chiều tháng 5, chúng tôi đến thăm “làng cựu chiến binh” C4, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên. Cựu chiến binh Nguyễn Quang Viên (86 tuổi), người Hà Nam, trí nhớ còn tốt, giọng đanh thép, khảng khái, đầy chất lính Cụ Hồ kể lại những năm tháng đầu tiên lên xây dựng nông trường.

“Trước ông chiến đấu trên mặt trận Hải Phòng, thuộc sư đoàn 320. Sau khi chuyển thời chiến sang thời bình, tiểu đội của ông được điều động lên Điện Biên để xây dựng nông trường. Lúc mới lên, khu mình ở vẫn chỉ toàn là rừng, bộ đội lên chỉ làm lán, sau mới lợp ranh. Mọi người bắt đầu xây dựng nông trường, di chuyển đủ các địa điểm từ Xuân Tre, Tuần Giáo rồi lên nông trường Điện Biên. Thú thật, khi lên đến Nông trường Điện Biên cũng là lần đầu tiên ông nhìn thấy chiếc máy cày… Ông bật cười thành tiếng, hai tay bắt chéo vào nhau, ông nói như thể tự an ủi mình: Để cánh đồng Mường Thanh rộng lớn như hôm nay cũng có phần công sức của  mình”.

Vợ ông Viên - bà Vũ Thị Loan, cũng từng là thanh niên xung phong, tại Điện Biên kể: Năm 1959, ông Viên đón bà lên Điện Biên. Khi mới lên, bà được phân công vào công trường 426, 8 tháng sau, bà mới dược chuyển sang làm công nhân Nông trường. Được làm công nhân cho Nông trường ngày ấy là cả một niềm tự hào lớn đối với lớp thanh niên lúc bấy giờ.

Ngày đầu mới lên cũng rất vất vả, nhớ mẹ, nhớ quê hương, nhớ bạn bè nên chỉ biết khóc, chỉ muốn về nhà. Về sau, được sự động viên của cán bộ và cũng nghĩ cho chồng nên ở lại. Được cái các anh nuôi nông trường chế biến thức ăn giỏi lắm, hạt đỗ xanh mà giã nhuyễn để rán thành “trứng”, chỉ canh sắn thôi mà cũng đủ các món ăn… Bà cũng tham gia gánh gạo lên Mường Phăng theo đường kéo pháo, chở cho đội lâm khẩn của ông đang khai thác gỗ về kiến thiết xây dựng Nông trường.

Đập đá bờ suối chim kêu vượn hót cả ngày, rừng cây âm âm, hoang vu nghe cũng sợ nhưng lúc đó không nghĩ được gì khác chỉ tâm niệm một điều: quyết tâm ở lại xây dựng nông trường, gieo lúa, tra hạt... trồng màu. Bà cũng được làm tổ trưởng cối xay, được giao 3 cối xay, 3 cối giã, cung cấp gạo cho cả Nông trường Điện Biên và Mường Ẳng.

Rồi bà nói nhẹ như ru: “Đấy..! Công việc chỉ thế thôi... Thế mà sau lại yêu mảnh đất Điện Biên lúc nào không hay, hết nhiệm vụ hai ông bà cũng không trở về Hà Nam nữa. Coi Điện Biên là quê hương thứ 2 của đời mình” - bà Loan kể.

Cũng tại buổi trò chuyện ấy, người bạn đồng niên, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Đường Thị Cận kể về cuộc đời bà. Cũng là câu chuyện về những nữ TNXP theo chồng lên xây dựng nông trường Điện Biên, nhưng câu chuyện của bà Cận lại gợi cho chúng tôi một nỗi niềm xúc động thật riêng.

Bà Cận là vợ của chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Trọng Kiểm. Thời ấy, khi lấy chồng, bà phải cưới chịu tang, lại chẳng được nhìn thấy mặt chú rể, bởi lúc đấy ông Kiểm vẫn đang chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ. Sau ngày chiến thắng, ông ở lại nhận nhiệm vụ xây dựng nông trường.

Tháng 11/1959, bà Cận được chồng đón lên Điện Biên, ngày mới lên Điện Biên cùng chồng, cuộc sống vô cùng khó khăn, chúng tôi đi làm bữa no bữa đói, vẫn phải ăn cơm độn ngô, độn sắn là chính. Hơn ba chục năm làm công nhân nông trường, ăn khổ, ở khổ và làm cũng khổ nhưng chúng tôi vẫn vượt qua… Tôi vẫn thường bảo các con tôi: “Nếu các con bây giờ kêu khổ, thì các con chưa thể bằng một phần nghìn nỗi khổ của cuộc đời mẹ ngày xưa…”

Nông trường Quốc doanh Điện Biên khi ấy và Điện Biên bây giờ đã trở thành quê hương thứ hai của rất nhiều người miền xuôi lên. Họ - những người tình nguyện lên Điện Biên vì mục tiêu chung của Đảng, Bác Hồ và khi nhiệm vụ đã hoàn thành... Họ không trở lại cố hương mà vẫn tiếp tục cống hiến, xây dựng cuộc sống riêng trên mảnh đất họ đã đến khi tuổi đời còn rất trẻ.

Bản làng Tây Bắc... đang vào hội

Mỗi người một số phận, một cảnh ngộ riêng nhưng tất cả những người lính năm xưa và cả những cán bộ trẻ tình nguyện lên Điện Biên hôm nay. Họ đã và đang viết, cùng viết chung một bản trường ca Điện Biên mang đậm nghĩa tình.

Giờ đây, sau hơn nửa thế kỷ cống hiến và hy sinh, các cựu chiến binh, cựu TNXP vẫn đang tiếp tục nêu cao truyền thống tự hào, trước sự biết ơn và lòng ngưỡng mộ chân thành của các thế hệ sau.

Hơn 64 năm sau ngày giải phóng, Điện Biên đã khoác lên mình chiếc áo mới. Bước vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa và hội nhập, cơ cấu kinh tế Điện Biên đã và đang chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng sản xuất nông - lâm nghiệp; các lĩnh vực sản xuất đều có bước phát triển về cả quy mô và chất lượng theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đến hôm nay, toàn tỉnh Điện Biên có 4 xã đã nhận quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc đang từng bước đổi thay, no ấm. Trên các đồi cứ điểm, tại các trận địa, ở những nơi giăng giăng đồn bốt, bom đạn quân thù và chằng chịt dây thép gai xưa giờ trở thành quần thể di tích lịch sử, mang tên Điện Biên Phủ hào hùng điểm du lịch thu hút khách du lịch. Đồng bào các dân tộc Điện Biên đang cùng nhau xây dựng bản làng, phát triển kinh tế, gìn giữ nền văn hóa đậm đà bản sắc.

Nhưng đằng sau ấy là biết bao công sức của thế hệ cha ông. Họ đã sống và cống hiến, đã hy sinh và để lại cho con cháu những ký ức trường tồn. Cánh đồng Mường Thanh khắc ghi tên họ, dòng sông Nậm Rốm nhuốm đầy xương máu họ.

Không khó để lý giải khi lòng chảo Điện Biên nằm trong vùng chủ đạo là dân tộc Thái sinh sống nhưng kiến trúc lại mang dáng dấp đô thị Đồng bằng Bắc Bộ. Bởi lẽ, Điện Biên hôm nay được tập hợp, khởi dựng và phát triển trên cơ sở là nông trường quân đội sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Những chiến sĩ, những TNXP và người dân lên Điện Biên lập nghiệp đã chung tay cùng đồng bào các dân tộc nơi này tạo nên một cộng đồng dân cư đoàn kết, hòa hợp.

Khi ánh mặt trời khuất dần sau núi, trong các nghĩa trang tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các TNXP vẫn sáng lên không chỉ bằng ánh sáng của nến, của hương nhang mà chính các anh hùng liệt sỹ của đất nước, những TNXP, những người đã làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu... làm sáng cả vùng trời.

Sông Nậm Rốm vẫn cuồn cuộn chảy, cánh đồng Mường Thanh ngày càng tươi tốt và Điện Biên, mảnh đất mang nghĩa tình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bản hùng ca... bên dòng Nậm Rốm - Bài 3: Điện Biên... nghĩa nặng tình sâu!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO