Nhức nhối buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp

Phương Anh| 10/10/2019 11:00

(TN&MT) - Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên - WWF ước tính, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trị giá khoảng 20 tỷ USD mỗi năm và là hoạt động bất hợp pháp có lợi nhuận đứng thứ tư sau ma túy, buôn người và làm hàng giả.

Một nghiên cứu quốc tế mới được công bố trên Tạp chí Science cho thấy, thương mại toàn cầu về động vật hoang dã thậm chí còn có phạm vi lớn hơn và gây hại cho đa dạng sinh học hơn mức những nhà bảo tồn nhận thấy trước kia.

Hàng nghìn loài là “nạn nhân”

Các nhà nghiên cứu đã phân tích tất cả các loài sống trên cạn từ cơ sở dữ liệu động vật hoang dã của CITES và IUCN, tìm kiếm bất kỳ bằng chứng nào về giao dịch. Phân tích dữ liệu của tất cả 31.745 loài động vật có xương sống trên cạn, các nhà nghiên cứu tại các trường Đại học Sheffield và Florida phát hiện 5.579 loài động vật có vú, chim, bò sát và lưỡng cư (18% tổng số) bị buôn bán hợp pháp hoặc bất hợp pháp trên thị trường thế giới. Con số này cao hơn khoảng 50% ước tính trước đó. Dự án cũng xác định thêm 3.196 loài động vật chưa được xác định bị buôn bán nhưng có những đặc điểm dễ khiến chúng bị giao dịch trong tương lai để làm thú cưng hoặc lấy thịt, da, làm thuốc, hoặc lấy sừng, răng hoặc vảy.

David Edwards, Giáo sư khoa học bảo tồn thuộc Đại học Sheffield và là người đứng đầu dự án chỉ rõ: “Buôn bán động vật hoang dã là một mối đe dọa tuyệt chủng lớn đối với hàng ngàn loài chim, động vật có vú, động vật lưỡng cư và bò sát” trên quy mô tương tự như thay đổi mục đích sử dụng đất, xâm lấn của con người và biến đổi khí hậu. Không gấp rút tập trung vào việc làm thế nào để ngăn chặn cả cung và cầu đối với các loài bị bắt từ tự nhiên, mối nguy hiểm thực sự là chúng ta sẽ mất nhiều loài hiện đang được buôn bán”.

dong
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nghiên cứu đã xác định các điểm nóng nơi động vật bị bắt và buôn bán khắp các vùng nhiệt đới trên thế giới, nơi động vật hoang dã đa dạng và phong phú nhất, đặc biệt là ở châu Phi và Đông Nam Á (động vật có vú), Nam Mỹ và châu Phi (chim), Nam Mỹ (động vật lưỡng cư) và Úc (bò sát)… Đông Á là nơi có nhiều người mua nhất.

“Động vật có giá trị trên thị trường vì chúng có những điều đặc biệt. Đơn cử như những con chim có màu sắc rực rỡ đang được ưa chuộng, cũng như những động vật là nguồn cung cấp ngà. Khi một loài bị buôn bán đến cạn kiệt, những loài có đặc điểm tương tự sẽ trở thành mục tiêu của thương mại”, theo Brett Scheffers thuộc Đại học Florida.

 Bằng chứng là một loài có thể nhanh chóng bị đe dọa nghiêm trọng nếu nhu cầu tăng đột ngột. Điều này đã xảy ra trong thập kỷ qua đối với Hồng hoàng mũ cát và tê tê Sunda. Khi tê tê châu Á suy giảm, chúng được thay thế bằng tê tê châu Phi. Nhóm tác giả nghiên cứu nhấn mạnh, thương mại tuân theo mô hình phản hồi giá trị theo độ hiếm. Độ hiếm tăng lên sẽ thúc đẩy cả nhu cầu cao hơn và giá cao hơn.

Gấp rút tìm công nghệ mới quản lý

Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển  (UNCTAD) diễn ra mới đây, đã bàn về vấn đề ứng dụng một công nghệ mới vào quản lý buôn bán động vật hoang dã, giúp các quốc gia ngăn chặn tình trạng buôn bán bất hợp pháp các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Giám đốc Bộ phận công nghệ và Hậu cần của UNCTAD, bà Shamika Sirimanne cho biết, hệ thống này sẽ cải thiện đáng kể việc quản lý buôn bán động vật hoang dã toàn cầu. Giải pháp dựa trên nền tảng điện toán đám mây có tên là “eCITES BaseSolution” nhằm giảm bớt các công đoạn trong việc cấp giấy phép thương mại, do hệ thống này cung cấp sự hỗ trợ tự động cho quá trình xin giấy phép, xử lý, cấp phép và thông báo. Nhờ đó, các quốc gia sẽ tiết kiệm thời gian và nguồn lực trong kiểm tra và cấp phép, tạo điều kiện cho các cơ quan cung cấp dịch vụ tốt hơn. Nhà chức trách sẽ được hưởng lợi nhờ có báo cáo nhanh hơn và dữ liệu tốt hơn, kịp thời kiểm tra và xác định các cá nhân và tổ chức vi phạm pháp luật.

UNCTAD đang thí điểm hệ thống trên với Cơ quan Bảo tồn động vật hoang dã Sri Lanka, bước đầu cho thấy, kết quả tích cực khi cơ quan này có thêm năng lực kiểm soát việc buôn bán hợp pháp các loài được liệt kê trong Công ước CITES và giúp ngăn chặn tình trạng buôn bán bất hợp pháp.

Bà Sirimanne cho biết, giấy phép điện tử nói trên có thể được triển khai ở các quốc gia khác thông qua thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật của UNCTAD trong thời gian tới.
 

Hiện đã xác định được sự hiện diện của lực lượng buôn bán trái phép các loài ĐVHD ở khoảng trên 80 quốc gia. Buôn bán các loài chim tập trung ở khu vực Trung và Nam Mỹ, các loài thú ở Châu Phi và Châu Á, trong khi Châu Âu và Bắc Mỹ là nơi tập trung buôn bán các loài bò sát.
 

Hiện đã xác định được sự hiện diện của lực lượng buôn bán trái phép các loài ĐVHD ở khoảng trên 80 quốc gia. Buôn bán các loài chim tập trung ở khu vực Trung và Nam Mỹ, các loài thú ở Châu Phi và Châu Á, trong khi Châu Âu và Bắc Mỹ là nơi tập trung buôn bán các loài bò sát.

Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng chống ma túy và tội phạm - UNDOC

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO