Nhọc nhằn quan trắc viên

30/12/2016 00:00

(TN&MT) -  Để chủ động nắm bắt, dự báo thời tiết phục vụ đời sống sản xuất của đồng bào các dân tộc trong tỉnh,Thanh Hóa, những người làm công tác dự báo khí tượng thủy  văn đã không quản ngại thức khuya, dậy sớm, có khi dầm mình trong mưa gió để mang lại những mẩu tin dự báo nắng mưa của thời tiết.

Trong năm qua theo phân cấp của Đài khu vực về công tác điều  tra cơ bản, Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các trạm KTTV địa bàn Thanh Hóa đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục, thực hiện nhiệm vụ quan trắc đo đạc đảm bảo dung lượng và chất lượng chuyên môn. Mạng lưới Trạm khí tượng gồm: 7 Trạm Khí tượng, Hải văn và Môi trường, chuyên đo đạc quan trắc các yếu tố khí hậu, khí tượng như nhiệt độ không khí, nhiệt độ đất, lượng mưa, áp suất khí quyển, gió, mây, bức xạ, sóng biển, độ nhiễm bẩn, đóng lặng và các hiện tượng thời tiết khác như dông, bão...

Mạng lưới Trạm Thủy văn có 16 Trạm cơ bản (lưu vực sông Mã, sông Chu và sông Yên), đo đạc mực nước, lượng mưa. Một số trạm đo lưu lượng, phù sa và nhiệt độ nước. Có 2 Trạm Thủy văn dùng riêng (lưu vực sông Cầu Chày) đo mực nước lượng mưa mùa lũ phục vụ công tác phòng chống bão lụt của địa phương. Các điểm đo mưa có 13 điểm, đo mưa cho nhân dân, chuyên đo đạc lượng mưa ở những khu vực không có Trạm KTTV cơ bản theo yêu cầu dùng riêng của ngành cũng như của tỉnh.

Dù vùng núi xa xôi nhưng các Quan trắc viên ở Trạm quan trắc Hồi Xuân (huyện Quan Hóa) vẫn luôn say mê với công việc của mình.
Dù vùng núi xa xôi nhưng các Quan trắc viên ở Trạm quan trắc Hồi Xuân (huyện Quan Hóa) vẫn luôn say mê với công việc của mình.

Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Công việc quan trắc không cho phép chậm trễ. Các thông số đo hàng giờ về tốc độ gió, độ ẩm, nhiệt độ, áp suất khí quyển… phải được tổng hợp, kịp thời cập nhật về Đài khí tượng khu vực theo quy định. Ngày bình thường, cứ 3 tiếng một lần, chúng tôi mới đi quan trắc, còn những lúc mưa lớn hoặc bão, cứ khoảng 30 phút đến 1 tiếng lại phải đội mưa, đội gió ra vườn khí tượng để đo thông số. Nghề khí tượng cần độ chính xác cao không cho phép sai trong đo thông số, bởi nếu chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của nhân dân trong vùng và khu vực.

Đặc biệt là những trạm ở vùng núi cao, anh chị em rất vất vả vì cơ sở vật chất thiếu thốn, đường sá đi lại vất vả. Có làm trong nghề mới hiểu hết được, mưa gió mọi người vào trong nhà trú. Còn những người làm nghề như chúng tôi vẫn phải lăn lộn ngoài trời. Nhiều trạm vùng cao, muốn đi họp chi bộ anh chị em phải mất hai giờ đồng hồ mới ra được trung tâm xã. Những năm gần đây, với sự biến đổi lớn của khí hậu cùng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, những đợt nắng nóng và mưa lũ kéo dài thì công tác điều tra, dự báo KTTV lại càng trở nên cấp thiết – ông Minh cho biết thêm.

Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa.
Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa.

Công việc mưa nắng, vất vả, đồng lương còn hạn hẹp nhưng những cán bộ của Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa vẫn gắn bó với nghề như một duyên nghiệp. Họ luôn đoàn kết cùng nhau phát huy, nâng cao chuyên môn để đem tới những dự báo chính xác nhất cho bà con.

                                                                   Bài và ảnh: Thanh Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhọc nhằn quan trắc viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO