Nhọc nhằn nghề "rác"

31/05/2016 00:00

(TN&MT) - Công việc nhiều, thu nhập thấp, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phương tiện làm việc thiếu khiến các tổ viên tổ thu gom rác thải nông thôn trên địa bàn Hải Dương càng nhọc nhằn, vất vả hơn...

Đến thôn Tân Thắng, xã Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương) ai cũng ngạc nhiên bởi đường thôn, ngõ xóm nơi đây luôn sạch bóng. Có được vẻ đẹp phong quang, sạch sẽ của đường quê vùng nông thôn nơi đây là cố gắng, nỗ lực đóng góp của tổ thu gom rác được thành lập từ năm 2011.

Đội thu gom rác xã Thái Tân, huyện Nam Sách
Đội thu gom rác xã Thái Tân, huyện Nam Sách

Anh Lê Văn Viện, tổ viên Tổ thu gom rác, chia sẻ: Tổ thu gom rác thôn Tân Thắng khi thành lập có 2 thành viên, được xã Thái Tân trang bị 1 xe đẩy rác, mỗi tổ viên 1 bộ quần áo, 1 đôi ủng và găng tay bảo hộ. Mỗi khẩu trong thôn đóng góp 24.000 đồng/năm để trả thù lao cho các tổ viên. Tính ra lương của tổ viên chỉ được 375.000 đồng/người/tháng. Công việc nhiều nhưng ngoài chiếc xe đẩy rác được trang bị từ đầu, mỗi năm các tổ viên cũng chỉ được cấp thêm 1 đôi ủng và 1 đôi găng tay. Bộ quần áo cấp cách đây 5 năm đã hỏng nhưng cũng chưa được cấp mới. Từ năm 2016, mức phí vệ sinh của thôn tăng từ 24.000 đồng/khẩu/năm lên 28.000 đồng. Mặc dù mức tăng thấp nhưng cũng giúp các tổ viên như anh Viện bớt khó khăn hơn.

Chung nỗi vất vả, nhọc nhằn như anh Viện, mặc dù thu nhập thấp nhưng hằng ngày anh Phạm Quang Huyên thuộc tổ thu gom rác thải đội 14, thôn Ngọc Lâm, xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ vẫn cần mẫn thu gom rác thải cho người dân trong thôn. Nhận thu gom rác thải cho thôn từ năm 2013, anh Huyên luôn hoàn thành công việc của mình. Với mức thu nhập khoảng 800.000 đồng/tháng, nếu thực sự không tâm huyết có lẽ anh Huyên đã bỏ việc giống như các tổ viên khác.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, hiện tỉnh Hải Dương có 1.014 tổ, 12 đội và 11 HTX vệ sinh môi trường làm nhiệm vụ thu gom rác thải sinh hoạt. Trong đó, tổ thu gom rác thải chiếm số lượng lớn, đóng góp tích cực vào việc xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn. Trung bình một tổ, đội thu gom có từ 2 - 4 tổ viên. Phần lớn các tổ, đội thu gom do chính quyền xã, tổ chức tự quản thôn thành lập trên cơ sở lựa chọn ra một hộ hoặc một vài cá nhân để thành lập tổ, đội thu gom.

Do lượng rác thải phát sinh lớn, địa bàn phụ trách rộng nên một tổ, đội thu gom thường phải vận chuyển khoảng 2 - 6 chuyến xe mỗi lần thu gom. Quãng đường vận chuyển trung bình từ 5,4 - 13,5 km/ngày, cá biệt ở một số địa phương quãng đường thu gom, vận chuyển có thể lên tới 75 km/ngày. Một số địa phương chưa được trang bị xe thu gom hoặc đã trang bị nhưng xe quá to, nặng không phù hợp với hạ tầng giao thông và địa hình các bãi rác. Khó khăn nhất ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các tổ viên tổ thu gom rác thải là kinh phí dành cho hoạt động này chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của người tham gia thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt còn thấp, chưa đều giữa các tổ. Một số tổ viên tổ thu gom rác có thu nhập rất thấp, chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng/người/tháng. Số tổ viên có mức thu nhập từ 2 - 2,7 triệu đồng/người/tháng còn rất ít. Tính chung, thu nhập bình quân của các tổ viên tổ thu gom rác khu vực nông thôn hiện chỉ đạt khoảng 700.000 đồng/người/tháng. Người thu gom hiện không có bất cứ chính sách hỗ trợ nào khác ngoài lương. Hầu hết tổ viên tổ thu gom rác thải không được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. 

Chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, các tổ viên tổ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương đều mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm nâng mức hỗ trợ hằng tháng, trang bị phương tiện làm việc, được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Đó là những yêu cầu chính đáng để họ an tâm gắn bó với nghề, góp phần giữ gìn môi trường nông thôn ngày càng sạch đẹp.

Bài & ảnh: Phạm Hoàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhọc nhằn nghề "rác"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO