Nhớ thương bánh chưng hạt mì bố gói thuở xưa

Mai Thắng| 11/02/2021 19:50

(TN&MT) - Trưa mùng một Tết, cả nhà quây quần quanh 6 chiếc bánh chưng hạt mì nhiều hơn gạo nếp gói bằng lá dừa trên manh chiếu trải giữa nền đất. Mỗi người cầm một miếng, vừa ăn vừa ước mơ bao giờ cho hết đói nghèo. Kỷ niệm ấy giờ chỉ là hoài niệm và ký ức xa xưa nhưng luôn ấm lòng tôi mỗi dịp Xuân về Tết đến.

Đường quê  xưa chiều 30 Tết, ảnh Mai Thắng

1, Quê tôi xã Nga Tân huyện Nga Sơn - vùng đất lợ phù sa bốn mùa nhiễm mặn. Người dân lam lũ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” sống chết nhờ cậy vào câu cói, vậy mà vẫn nghèo đói quanh năm. 5 năm trước khi đổi mới kể từ năm 1986, xã Nga Tân lúc đó chưa có điện. Cả xã không có một mét đường nhựa. Để có cái Tết “đủ đầy”, nhà ai cũng chuẩn bị từ nhiều tháng trước, trong đó khoai, gạo, sắn là ba loại lương thực dự trữ quan trọng nhất. 

Cũng như bao gia đình khác ở xã nghèo thuở ấy, từ tháng 8 âm lịch, mẹ tôi đã tiết kiệm từng đồng tiền lẻ từ bắt cáy, mò cua, bán bổi – loại cói tạp phơi khô bó thành đon nhỏ bán cho người dân lợp nhà che mưa che nắng, mua khoai, sắn khô đựng trong chum, vại sành để giành để ăn Tết. Ngày ấy, gạo nếp đối với người dân quê tôi là thứ “ngọc thực” xa xỉ. Nhà ai “khấm khớ” Tết mới có gạo nếp gói bánh chưng nguyên chiếc, còn đa phần bánh chưng gói lẫn hạt mì nhiều hơn gạo nếp, nhân bánh là lá hành xào tóp mỡ. 

Nhà tôi có 7 chị em sống quây quần trên mảnh đất 1,7 sào Bắc bộ được chia theo diện đi xây dựng vùng kinh tế mới. Ngoài diện tích căn nhà ngang 5 gian rộng rãi, căn bếp ba gian nhỏ, mảnh vườn, bố tôi chừa một khoảng đào ao thả cá. Bốn gốc vườn trồng bốn cây đưa để “đánh dấu mốc” không ai lấn chiếm. Bốn cây dừa ấy vừa cho trái ngọt, tàu làm củi nấu, lá làm khuông bánh chưng mỗi dịp Tết đến xuân về.

Mẹ tôi lò dò cùng em trai nấu bánh chưng đêm 30 Tết, ảnh Mai Thắng

Chiều 30 Tết, tôi thoăn thoắt leo lên cây dừa trước ngõ chọn một tàu to chặt, hạ xuống. Chiếc chiếu cói cũ mềm trải giữa sân đất. Cái nồi nhỏ đựng 3 bò gạo nếp ngâm sẵn từ tối qua. Cái chậu nhôm đầy ắp hạt mì đã được chà sạch vỏ. Tôi rọc lá dừa, thằng em trai bẻ khuôn, chị gái lau lá chuối mềm đã hơ qua bếp lửa. Bố chìa bàn tay sạm nắng tròi những đường gân guốc cầm cái cốc uống nước “vục” nhẹ vào nồi gạo nếp đổ vào khuôn lá dừa, rồi “vục” một cốc rưỡi hạt mì. Nhúm ít nhân hành phi sẵn với tóp mỡ. Thêm một cốc rưỡi hạt mì nữa, và trên cùng là cốc gạo nếp. Bố tôi bảo “nhà ai cũng gói bánh chưng như nhà mình. Khoai sắn chưa có mà ăn, tiền đâu mua gạo nếp. Có bánh chưng hạt mì ngon lắm rồi”. Bố tôi giải thích thêm, bánh chưng hạt mì trộn “hai cõng ba”. Tức là cứ 1 cốc gạo nếp trộn với ba cốc hạt mì. Để kết dính, hạt mì đổ vào giữa, gạo nếp đổ xung quay tạo ra cái “bỏ bọc”. Tuy giữa bánh không có gạo nếp, nhưng khi nấu, nhựa nếp sẽ chảy ngấm vào hạt mì, quện chặt, không bị rã rời.

Những chiếc bánh chưng hạt mì gói bằng lá dừa vuông vức xếp ngay ngắn thành chồng. Gói xong đã chập tối. Tôi và chị gái thứ tư được phân công xếp bánh vào nồi và khiêng lên bếp.

Mâm cỗ trưa mùng một Tết đơn sơ nhưng luôn đầy ắp tình yêu gia đình, ảnh Mai Thắng

  Đêm 30 trời rét căm căm, tối đen như mực. Cả nhà quây quần bên bếp lửa   nghe nồi bánh chưnh sôi ùng ục. Thỉnh thoảng mẹ tôi soi đèn xem nước hết thì đổ thêm. Mỗi lần như thế thằng em út reo “cái nhỏ có dây lạt là của em đấy, không được chanh đâu”. Mắt nó sáng lên nhìn chiếc bánh chưng nhỏ như hộp bao diêm mà bố tôi dạy nó gói lúc xế chiều. Đêm 30 thời gian trôi nhanh lắm. Thoáng cái đã đến 10 giờ đêm. Thằng út ngủ cuộn tròn trong đống rác. Bố tôi gọi “Dũng ơi, dậy lấy bánh chưng này”. Nó vùng dậy “cái nhỏ là của con”, vừa nói,vừa dụi mắt.

Những chiếc bánh chưng nóng hổi vớt ra rổ sào (rổ nan to riếng quê thường gọi). Bố tôi lấy từng cái lau sạch, đặt lên thớt gỗ ép nhẹ cho phẳng phiu. Bàn thờ Tổ tiên thờ hai cặp lớn. Bàn thờ ông bếp thờ cặp nhỏ hơn. Còn lại xếp trên cái ghế quân để trong buồng chống lũ chuột. Riêng những chiếc bánh “lép” (gói riêng giành cho trẻ con chơi) được phép ăn trước mà không phải cúng. Mà trẻ con có nhỡ săn trước cũng chẳng “phải tội” bao giờ.

Chờ đến giờ sang canh, ngước lên bầu trời đen kịt, mẹ tôi kể, ngày xưa, đêm 30 Tết kẻ trộm nhiều lắm. Có nhà nấu nồi bánh chưng xong, vớt ra mâm đặt lên miệng chum rồi “lăn” ra ngủ. Sáng ra chẳng thấy bánh đâu, thì ra kẻ trộm đã ngồi rình trong chum từ sớm mà cả nhà không biết. Tết đó coi như “mất Tết”. Thấy mẹ kể chuyện, bố tôi cũng “chen” vào. Ông kể, Tết thời ở Làng Trung quê cũ của bố cả nhà ăn khoai chạc. Bố đi bện thừng thuê nhà chủ cho rổ khoai về ăn Tết đã là hạnh phúc. Cuộc sống thời bao cấp đói khổ kể không bao giờ xiết, vậy mà vẫn nuôi 7 chị em tôi khôn lớn trưởng thành.

Mâm cỗ cúng trưa mùng một Tết thuở ấy giá trị nhất là chiếc bánh chưng, mấy lát cá kho đông và đĩa cuốn làm bằng rau diếp quấn hành. Đàn ông con trai được ngồi mâm trên (trên giường ngủ), đàn bà con gái trải chiếu dưới đất. Mùi bánh chưng hạt mì nhiều hơn gạo tuy không ngon như bây giờ, nhưng loáng cái đã sạch bay. Thằng út “to tiếng” “cái nhỏ hôm qua là của riêng em chứ. Giờ em mới ăn được một miếng nhỏ đã hết”. Tôi nhìn mâm cơm, chỉ còn lại chút thức ăn, cùng đuôi cá còn sót lại. Mẹ tôi cười bảo “nhà đông con không ngon cũng hết. Bánh chưng hạt mì chẳng khi giờ đủ cả”. Mắt mẹ rưng rưng nhìn chúng tôi. Mẹ tôi hiểu chúng tôi đang còn đói bụng.

Tết là dịp để người già trò chuyện,đem trầu cau ăn cho ấp lòng và gặp nhiều may mắn, ảnh Mai Thắng

2, Xuân Tân Sửu này tròn 40 năm tôi xa quê hương. Dù đã trở thành người miền Nam chính hiệu, có cuộc sống đủ đầy; rượu, giò, thịt , bánh “chất” đầy mâm cỗ, nhưng vẫn không thể nào quên bánh chưng hạt mì bố nấu thuở xưa. Bởi những chiếc bánh chưng “mì nhiều hơn gạo” ngày ấy chất chứa mồ hôi của mẹ, gánh nặng oằn vai của bố và khó nhọc mò cua bắt cáy của cả gia đình.

Bánh chưng hạt mì gói bằng lá dừa năm xưa giờ chỉ là hoài niệm, nhưng nó lại gợi nhớ cho tôi cả một đời ơn nghĩa sinh thành, công lao dưỡng dục của bố mẹ nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành.

Bánh chưng thuở xưa

Hạt mì nhiều hơn gạo nếp

Đêm 30 cả nhà quanh bếp

Nhìn bánh sôi chờ đón giao thừa

Bao tháng ngày vất vả nắng mưa

Bố oằn vai đường trơn nặng gánh

Mẹ đói lòng chiều 30 giá lạnh

Thương đàn con không đủ ấm thân người

Nồi bánh chưng thuở ấy đêm 30

Giờ đọng lại chỉ là ký ức

Chẳng thể nào quên Tết xưa cơ cực

Nhưng ấm tình người, đậm nghĩa quê hương

Xuân này đón Tết tha phương

Rượu thịt đầy ắp nhớ thương Tết nghèo

Cả nhà chờ bánh chưng reo

Đêm 30 Tết quê nghèo thuở xưa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ thương bánh chưng hạt mì bố gói thuở xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO