Nhớ thành Nam..

27/01/2017 00:00

(TN&MT) - Chuyến tàu cuối năm từ Hà Nội về Nam Định, đều đều, như nhịp bước của thời gian khắc khoải giữa khoảng chông chênh năm mới và năm cũ, như kéo hồn lữ thứ ngược về với hồi ức, với quá khứ, với quê hương, với những gì là cốt lõi của bản diện tâm hồn…

Về với non Côi, sông Vị…

Tiếng hát chiều cất lên tha thiết, gợi dậy cả một trời thương nhớ đất Thành Nam: Nam Định mình ơi… nôn nao nỗi nhớ nghe tiếng còi tàu. Chia tay đêm Vị Xuyên mưa giăng đầy phố nhỏ, ai đợi người đi xa nơi bến xưa. Chợt nghe câu hát văn nao lòng…

Quê hương là thế, cứ nhắc đến là nhớ, cứ nghe thấy là thương, cứ rưng rưng, bồn chồn khi trở lại…

Trở lại thành Nam - mảnh đất đã có hơn 750 năm hình thành và phát triển, là quê hương nhà Trần, lẫy lừng hào khí Đông A - "Non sông muôn thuở vững âu vàng". Một mảnh đất có vị thế hết sức đặc biệt trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam. Đó là miền đất văn hiến, "địa linh, nhân kiệt", nơi sinh dưỡng biết bao trạng nguyên, khôi nguyên và nhiều trí thức làm rạng danh non sông đất nước; một vùng văn hóa đặc sắc, hòa quyện và đan xen văn hóa biển và văn hóa châu thổ, văn hóa bác học và văn hóa dân gian.

Xưa và nay, nhắc đến Nam Định, người ta vẫn hay gọi ấy là vùng đất “non Côi – sông Vị”. Non Côi là núi Gôi ở huyện Vụ Bản. Nhà văn Nguyễn Tuân từng tả, núi Gôi không có rừng rậm, không lâm tuyền, nó rộng khoảng một cánh ruộng, nó to như một quả gò, cao bằng một quả đồi. Người chủ một vườn hoa cá thể ở một vùng bao la đất thịt quý một hòn non bộ như thế nào, cả tỉnh Nam Định quý núi Gôi như vậy.

Núi Gôi đã đi vào tâm thức của người Nam, bởi đó là nơi hàng năm dân tụ tập hội hè khi xuân đến. Nó vừa thiêng liêng, vừa giản dị, vừa tươi vui, như dân gian đã từng nhắc nhớ:

Mùng một chơi cửa chơi nhà

Mùng hai chơi chợ, mùng ba chơi đình

Mùng bốn chơi chợ Quả Linh

Mùng năm chợ Trình, mùng sáu non Côi…

Non Côi vẫn vững vàng đó, còn sông Vị… đã bị lấp lâu rồi!

Dòng Vị Hoàng chảy bên phía Đông thành Nam. Sau khi chiếm Nam Định, thực dân Pháp bạt thành (1893 - 1894) làm đường, dựng phố, cho lấp sông Vị. Sông không còn, mới khiến nhà thơ Tú Xương đau đáu một thời mà âm vang mãi:

Trời kia khiến vậy sông nên bãi,

Ai khéo xoay ra phố nửa làng…

(Vị Hoàng hoài cổ)

Con sông Vị lấp đi, nhưng con sông Đào vẫn chảy đều, nối liền sông Đáy với sông Hồng, trở thành “điểm tựa” để Nam Định phát triển.

Nhờ có sông Đào, thành Nam xưa trở thành trung tâm thương mại, buôn bán giao thương sầm uất. Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ngành công nghiệp ở Nam Định đã hình thành và phát triển khá nhanh chóng. Cùng với Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định đã trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất Đông Dương. Nam Định có nhà máy dệt do Pháp xây dựng, là “Thành phố dệt” của cả nước; có chợ Rồng được coi là trung tâm thương mại lớn thứ hai khu vực Bắc Kỳ, chỉ sau chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Nam Định cũng từng có đến 40 phố cổ như: phố Hàng Đường, Màng Mắm, Hàng Gà, Hàng Thùng… Dấu ấn của thành Nam xưa vẫn còn đó, phảng phất nơi Hàng Tiện, Hàng Cấp, Hàng Thao, Hàng Đồng, Hàng Sắt… ngày nay.

Kỳ vọng tương lai khởi sắc

Nam Định của ngày nay, vẫn đậm in nét dáng, hình hài của “làng cổ, phố nghề” thuở trước. Người Nam Định, vẫn tự hào vì “Bắc Kỳ đa sỹ, Nam Định vi ưu” (Bắc Kỳ có nhiều kẻ sỹ, Nam Định nhiều hơn cả). Mảnh đất nhiều người tài, có bề dày truyền thống phát triển kinh tế, văn hóa, lại dường như còn chậm bước so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Nguyên nhân có nhiều, như nền kinh tế của tỉnh chậm tạo dựng được những nhân tố nền tảng tiền đề cho sự phát triển đột phá về kinh tế. Tiến độ triển khai, thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm của tỉnh chưa đúng tiến độ. Có tới 72 km bờ biển nhưng kinh tế biển còn hạn chế. Người học nhiều nhưng chảy máu chất xám…

Nhận diện những nguyên nhân này, để hướng đến một mục tiêu: Xây dựng nền kinh tế của tỉnh Nam Định có bước phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, phát triển thành phố Nam Định để hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng!

Để thực hiện mục tiêu trên, Nam Định sẽ huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Sự quyết tâm này của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mang lại hy vọng lớn cho người dân thành Nam về một tương lai khởi sắc. Một thành phố Nam Định lớn thứ 3 miền Bắc đã qua, nhưng một vùng đô thị trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng lại là một sự phát triển mới, một mùa xuân mới trên vùng đất địa linh nhân kiệt.

Ấm áp hồn quê…

Ấm lòng với những hy vọng đổi thay, trở lại quê hương, vẫn thấy vấn vương hình ảnh những tà áo dài trắng nữ sinh phấp phới bay mỗi sớm mai, vẫn thấy bâng khuâng khi ngang qua cánh cổng trường Thành Chung như mở ra cả một trời hoa mộng. Khoảng đẹp nhất của tuổi trẻ, như vẫn còn e ấp sau tán lá học trò…

Đặt chân về với quê, bao năm rồi vẫn thế. Sông vẫn lững lờ trôi, cánh đồng quê mẹ vẫn còn trơ gốc rạ. Vẫn còn bao người lầm lũi nơi quê ta mong từng ngày đổi mới. Xót xa nhiều khi tóc mẹ bạc thêm…

Quê hương, giống như một bến đỗ, an ủi, vỗ về, ấp ôm và tiếp thêm sức lực cho ta trên cuộc hành trình nhiều gian nan, vất vả. Những kỷ niệm nơi ta sinh ra, lớn lên, sẽ hóa thành rêu phong nhưng vẫn luôn khắc khoải và vụt dậy tươi mới nơi mỗi bước chân về...

Hoa xoan rơi trắng đường quê

Nhớ đêm hội chèo, nhớ chợ Viềng mồng 8

Nhớ nắng biển quê em, nhớ mùa lúa chín vàng...

Nam Định mình ơi…

Tống Minh

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ thành Nam..
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO