Nhìn lại dự báo bão

23/08/2016 00:00

(TN&MT) - Trong vòng chưa đầy 1 tháng, Việt Nam đã đón 3 cơn bão. Trong đó, 2 cơn bão đổ vào đất liền đều khiến dư luận băn khoăn về công tác dự báo. Nếu cơn...

(TN&MT) - Trong vòng chưa đầy 1 tháng, Việt Nam đã đón 3 cơn bão. Trong đó, 2 cơn bão đổ vào đất liền đều khiến dư luận băn khoăn về công tác dự báo. Nếu cơn bão số 1 tác động quá mạnh, dự báo bị cho là không đánh giá sát tình hình, bão số 3 đi qua quá nhanh, “dự báo quá rộng”.
 
Dù Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá “dự báo bám sát diễn biến cơn bão từ vùng thấp, áp thấp đến khi thành bão; Cảnh báo kịp thời về hướng, tốc độ, phạm vi ảnh hưởng; Dự báo đã bám sát diễn biến tình hình mưa lũ, phạm vi ảnh hưởng 200 km, những khu vực bão đổ bộ, lượng mưa trên toàn vùng đã được chỉ rõ ...”. Thế nhưng nhận định chi tiết việc dự báo bão số 3 còn có những ý kiến trái chiều như dự báo chưa tương xứng với diễn biến phức tạp của bão, “không biết bão... đang ở đâu”, dự báo “rộng quá” dễ dẫn đến chủ quan...
 
Bão đổ bộ vào đất liền gây ngập lụt nghiêm trọng. Ảnh: Hoàng Minh
Bão đổ bộ vào đất liền gây ngập lụt nghiêm trọng. Ảnh: Hoàng Minh
 
Những nhận định trên có thể không sai nhưng cần nhìn nhận một cách khách quan và công bằng cho dự báo bão hiện nay. 
 
Quả thực, với hậu quả quá lớn từ bão số 1, việc cảnh báo thông tin bão số 3 có phần rộng rãi, sớm và quan trọng hơn trước. 
 
Từ trước khi bão đổ bộ 4 ngày, sáng ngày 15/8, khi bão số 3 mới chỉ là một áp thấp, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã phát bản tin đầu tiên. Khi bão vào Vịnh Bắc Bộ, Trung tâm đã phát tin khẩn cấp về bão và liên tục cập nhập với tần suất 1 - 3 giờ/bản tin cho đến khi bão tan (đêm ngày 19/8) và tiếp tục cảnh báo về mưa lớn, lũ lớn, nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất… Việc cập nhật thông tin dự báo là một yêu cầu cần thiết trong phòng, chống thiên tai. 
 
Rút kinh nghiệm từ bão số 1, việc tăng cường chỉ đạo, thông tin về phòng, chống bão số 3 được đặt lên mức cao nhất. Thủ tướng, Phó Thủ tướng, một số Bộ trưởng đều đến thực địa kiểm tra tình hình. Các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão dồn toàn lực phòng chống. Bởi thế, khi bão vào đất liền quá nhanh, ảnh hưởng không quá nặng nề như bão số 1, việc dư luận lại ồn ào khi đã chuẩn bị cả tinh thần và vật lực quá đầy đủ, nhiều hơn dự kiến (mà không dùng đến). 
 
Nếu so sánh, bão số 3 và bão số 1 có một số tính chất đối lập nhau. Bão số 3 di chuyển rất nhanh nên nhanh chóng suy yếu, còn bão số 1 đứng yên trong nhiều giờ nên duy trì gió mạnh, lốc xoáy, mưa lớn. Bão số 3 nằm trong mùa bão, trước đó, liên tiếp nhiều ngày có mưa, nên có tính “ôn hòa” hơn; trong khi bão số 1 là cơn bão đầu mùa, trước đó là nắng nóng gay gắt nên khí quyển còn nhiều bất ổn. Bão số 3 có gió mạnh tập trung tầng cao, ít gây thiệt hại cho cộng đồng; bão số 1 gió mạnh kèm lốc xoáy quần thảo tầm thấp và diện rộng… Nhìn chung, đây là 2 cơn bão có diễn biến khá phức tạp. 
 
Sở dĩ dư luận băn khoăn về độ tin cậy dự báo chính vì ngành dự báo chưa nhận định sớm được những tính chất đặc thù này. Điều quan trọng là những “đặc tính” của mỗi cơn bão không thể dự báo quá sớm trước 1 - 2 ngày để chuẩn bị một cách “vừa khít” so với tác động của bão. Vì vậy, Ủy ban Bão cũng như Tổ chức Khí tượng thế giới đều thừa nhận có “sai số” trong dự bão bão. 
 
Tất nhiên với trình độ khoa học công nghệ và nhân lực hiện nay, Việt Nam không thể có được những dự báo chính xác như các nước tiên tiến Nhật, Mỹ… Thêm nữa, tâm bão có bán kính khoảng 30 - 50km, chứ không phải một điểm cụ thể lại là vùng lặng gió, bởi thế, ở nhiều địa phương “không cảm thấy bão”, “hay không thấy bão đâu” là chuyện có thể lý giải được về mặt khoa học. 
 
Nói vậy, không phải để ngụy biện cho việc dự báo với “sai số” còn chưa tiệm cận với thực tế. Bởi dự báo chính xác bao nhiêu, thiệt hại được hạn chế bấy nhiêu. Ngành dự báo khí tượng thủy văn của Việt Nam còn cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa một cách toàn diện, từ trang thiết bị đến mạng lưới trạm, từ công nghệ truyền thông tin đến đội ngũ cán bộ… Nhưng cần nhìn nhận công bằng nỗ lực của đội ngũ làm dự báo và hệ thống phòng chống thiên tai ở các địa phương.
 
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như hiện nay, ngoài phương châm “bốn tại chỗ”, việc phòng, chống thiên tai còn cần tăng cường truyền thông một cách sâu rộng về bản chất của thiên tai, có vậy mới phòng được từ gốc. Trong công tác phòng, chống việc chuẩn bị quá kỹ trước mỗi trận thiên tai - khi hậu quả không thể rút kinh nghiệm - cũng không bao giờ thừa.
 
Bảo Châu 
 
 
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại dự báo bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO