Nhiều vướng mắc khi triển khai thi hành Luật Đất đai 2013

25/06/2015 00:00

(TN&MT) - Sau gần 1 năm Luật Đất đai 2013 được thi hành đã thể hiện được rất nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành luật ở một số địa phương tại Cần Thơ và ĐBSCL cũng đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ cho phù hợp. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.

Pv:  Tại Cần Thơ, khi triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 gặp những khó khăn vướng mắc nào cần tháo gỡ, thưa ông?

Ông Đào Anh Dũng: Một trong những vướng mắc khi triển khai Luật Đất đai tại Cần Thơ đó là việc khi chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại các Điểm d, đ, g Khoản 1 Điều 57 của Luật Đất đai thì người sử dụng đất phải nộp tiền cho thuê đất theo quy định: Trường hợp chuyển từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao cho thuê đất thì phải nộp tiền thuê đất hàng năm hoặc nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, cách thức thực hiện thủ tục trong trường hợp nêu trên nên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ cũng đang gặp vướng mắc về thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức kinh tế nhận chuyển quyền sử dụng đất ở tại đô thị trong các dự án khu dân cư để xây dựng trụ sở và văn phòng làm việc, vì vị trí xin chuyển mục đích sử dụng đất là không phù hợp quy hoạch xây dựng được phê duyệt, nhưng trên thực tế có rất nhiều trường hợp tổ chức kinh tế sử dụng đất ở để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.

Ngoài ra, hiện nay khi tổ chức kinh tế chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp (đất trồng lúa) sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư thì phải có văn bản chấp nhận của Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp từ 10ha đất trồng lúa trở lên) hoặc Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh (đối với trường hợp dưới 10ha đất trồng lúa). Điều này dẫn đến thời gian thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất kéo dài, trong khi vị trí xin chuyển mục đích đã phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sửa dụng đất cấp huyện. Một khó khăn nữa là hiện nay quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố không còn nhiều, người sử dụng đất phải bồi thường quyền sử dụng đất của các hộ dân để thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, giá đất bồi thường đất nông nghiệp thì phải theo quy định của Nhà nước. Vì vậy, các hộ dân không thống nhất dẫn đến việc người sử dụng đất khó thỏa thuận. Do đó, thời gian chuẩn bị đầu tư dự án sẽ kéo dài ảnh hưởng đến lợi nhuận của người sử dụng đất.

Pv:  Một trong những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người dân là vấn đề xác định giá đất, đền bù, giá cho thuê. Việc triển khai các quy định này tại Cần Thơ có gặp khó khăn gì, thưa ông?

Ông Đào Anh Dũng: Căn cứ theo quy định của Luật Đất đai, UBND  thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định 22/2014/ QĐ – UBND về quy định mức giá các loại đất định kỳ 05 năm (2014 – 2019). Trong quá trình thực hiện đến nay, quy định này đã tương đối phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Một góc thành phố Cần Thơ
Một góc thành phố Cần Thơ

Về công tác định giá đất cụ thể để cho thuê đất, đền bù khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện tương đối thuận lợi. Tuy nhiên theo Điều 114 Luật Đất đai 2013 quy định cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh giúp UBND trong việc xác định giá đất cụ thể nên khối lượng công việc thực hiện tương đối lớn. Đồng thời định mức công tác định giá đất ban hành tương đối chậm nên ngành tài nguyên và môi trường gặp khó khăn trong việc xác định chi phí thuê tư vấn định giá đất.

Pv:  Xin ông cho biết vài nét về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố?

Ông Đào Anh Dũng: Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Cần Thơ đã cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đạt tỷ lệ 99,75%. Số còn lại chưa cấp là do nhiều hộ gia đình, cá nhân hoàn cảnh khó khăn bỏ địa phương đi nơi khác làm ăn sinh sống, không còn ở địa phương nên chưa kê khai đăng ký Giấy chứng nhận. Đồng thời, chủ sử dụng đất trước đây chuyển nhượng bằng giấy tờ tay qua nhiều người sử dụng và đã chết hoặc bỏ đi nơi khác lập nghiệp nên cũng rất khó cho việc  xác minh nguồn gốc sử dụng đất.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng bản đồ, lập hồ sơ địa chính trước đây còn có những sai sót về tên chủ sử dụng đất, vị trí, hình thể thửa đất so với thực tế sử dụng, điều này cũng ra khó khăn trong việc xét duyệt, cấp giấy chứng nhận. Nhiều trường hợp chủ sử dụng đất đã sử dụng sai mục đích đất so với mục đích kê khai trong sổ bộ nên không chịu đăng ký.

Pv: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Cường (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vướng mắc khi triển khai thi hành Luật Đất đai 2013
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO