Nhiều vấn đề khí tượng, thời tiết được đưa vào quản lý trong Luật KTTV

01/07/2016 00:00

(TN&MT) - Từ ngày 1/7/2016, Luật Khí tượng thủy văn và Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn (KTTV) sẽ chính thức có hiệu lực. Nhiều vấn đề mới trong hoạt động dự báo thời tiết, nghiên cứu khoa học và xử lý thông tin dự báo…được đưa vào quản lý trong Luật này.

f
 

Cơ sở để tác động vào thời tiết

Luật KTTV đã dành hẳn Chương VII quy định về “Tác động vào thời tiết”. Đây là quy định hết sức mới mẻ của Luật KTTV, trong điều kiện Việt Nam vẫn còn thiếu kinh nghiệm và thực tiễn khoa học về vấn đề này. Tuy vậy, đứng trước các yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai có xu hướng gia tăng, trong tương lai cần thiết sẽ có nhu cầu thực hiện các hoạt động tác động vào thời tiết nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vì vậy, Luật KTTV đã có các quy định mang tính chất định khung, hướng dẫn cho các hoạt động tác động vào thời tiết trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, các tổ chức sự nghiệp công lập về KTTV, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức kinh tế của Việt Nam hoặc các cơ quan, tổ chức nước ngoài liên danh, liên kết với tổ chức trong nước nếu có đủ năng lực, trình độ khoa học và công nghệ, đội ngũ kỹ thuật viên phù hợp thì được tiến hành các hoạt động tác động vào thời tiết trên lãnh thổ Việt Nam.

Dự án bắt buộc phải quan trắc khí tượng thủy văn

Trong Luật Khí tượng thủy văn quy định, đối với dự án thuộc một số lĩnh vực quan trọng, có tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội, bắt buộc chủ công trình phải tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV về hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia và cơ sở dữ liệu KTTV quốc gia. Điều kiện là những công trình này khi xây dựng, khai thác chịu tác động hoặc gây tác động đến điều kiện KTTV mà có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của cộng đồng. Bảy loại công trình bắt buộc phải quan trắc theo quy định tại Khoản 3, Điều 13 của Luật KTTV bao gồm: Sân bay; Hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 3 triệu m3 trở lên, hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; Cảng biển loại I và loại II; Cầu qua vùng cửa sông ven biển, eo biển, vịnh hoặc các đảo vùng nội thủy có khẩu độ thông thuyền từ 500 mét trở lên; Tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác kinh doanh dịch vụ trên tháp; Cáp treo phục vụ tham quan du lịch; Vườn quốc gia.

Quy định trên nhằm nâng cao trách nhiệm của các chủ công trình đối với cộng đồng, mặt khác, tăng cường khai thác, sử dụng tối đa các thông tin, dữ liệu KTTV chuyên dùng góp phần phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội.

Có thêm dịch vụ KTTV – thu phí

Luật KTTV đã phân biệt rõ: “Phục vụ khí tượng thủy văn” là dịch vụ công không vì mục đích lợi nhuận với “Dịch vụ khí tượng thủy văn” là hoạt động có thu trên cơ sở thỏa thuận giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ. Cùng với đó, các quy định chi tiết về đối tượng được hoạt động phục vụ và cung cấp dịch vụ cũng như quyền và nghĩa vụ cụ thể của các đối tượng này.

Quy định này đã nắm bắt được xu thế phát triển trên thế giới, khi tăng cường hoạt động dịch vụ thu phí, khai thác các giá trị thương mại làm gia tăng giá trị của thông tin, dữ liệu KTTV. Các dịch vụ này góp phần nâng cao giá trị, vai trò của hoạt động KTTV, vừa có tác dụng tái đầu tư cho hoạt động KTTV phát triển. Riêng trường hợp không phải trả phí là cơ quan Nhà nước khai thác thông tin vì các mục đích: Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng không vì lợi nhuận; Phục vụ phòng chống thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia; Trao đổi thông tin với nước ngoài, tổ chức quốc tế theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hoặc các mục đích khác theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, một số thay đổi quan trọng phục vụ phát triển ngành KTTV cũng đã được Luật hóa. Kể từ ngày 1/7, các quy định rất cụ thể sẽ chính thức có hiệu lực như: Nguyên tắc hoạt động KTTV được quản lý tập trung, thống nhất trong phạm vi cả nước; các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động KTTV; quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia; kế hoạch phát triển mạng lưới trạm chuyên dùng của các Bộ, ngành, địa phương; vai trò, trách nhiệm của Hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia do Bộ TN&MT quản lý; hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV của tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTV; trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương các cấp trong việc bảo đảm cho các hoạt động KTTV phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của địa phương cũng như việc quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vấn đề khí tượng, thời tiết được đưa vào quản lý trong Luật KTTV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO