Với 3.751 hộ dân gần 14 nghìn nhân khẩu, sinh sống tại 13 thôn, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên hiện trên địa bàn xã Hòa Liên có 38 dự án với 2.802 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 1.349 hộ thuộc diện di dời hẳn. Điều đáng nói, đụng đến dự án nào cũng có những bất cập riêng của nó.
Hòa Liên có đặc điểm địa hình nhiều vùng trũng thấp, khi mưa lũ thường bị ngập sâu như các khu dân cư thôn Trường Định, Quan Nam 2, Quan Nam 3, Quan Nam 5, Quan Nam 6 và Trung Sơn. Đường tránh QL1A từ hầm Hải Vân đi Túy Loan, đường Cao tốc La Sơn -Túy Loan ngang qua địa bàn xã, đây là con đường có cao trình hầu hết đều cao hơn các khu dân cư như thôn Quan Nam 3, Quan Nam 6, Quan Nam 1, Tân Ninh, Hiền Phước... có vị trí cao hơn khu dân cư tới 4m. Do cao trình đường cao, hệ thống thoát nước trên thượng lưu đổ xuống mạnh gây nguy cơ sạt lở đất và trôi nhà cửa, tài sản của nhân dân tại các khu dân cư dưới hạ lưu.
Sông Cu Đê chảy từ phía Hòa Bắc đổ về hướng Đông Hòa Liên, lưu lượng nước rất lớn vào mùa mưa lũ, nếu gặp thủy triều từ cửa biển Nam Ô dâng lên có thể gây ngập lụt dài ngày đối với xã Hòa Liên. Phía Tây của xã có hồ chứa nước Hòa Trung, sức chứa của hồ trên 12 triệu m3 nước về mùa mưa, nếu không có biện pháp xử lý cụ thể có khả năng gây vỡ đập gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân.
Khó khăn và nhiều cảnh báo nguy cơ cao nhất hiện nay là nhiều dự án đang triển khai độc lập, chưa khớp nối chia cắt giao thông ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển tài sản, sơ tán nhân dân khi có mưa lũ xảy ra. Nhiều vùng trước đây ít bị ảnh hưởng do mưa lũ, nay lại có nguy ngập sâu, không có đường thoát nước như: thôn Vân Dương 1, Tân Ninh, Hiền Phước, Quan Nam 4, Quan Nam 6, Trung Sơn, Quan Nam 2 do ảnh hưởng các dự án thi công dang dở hoặc chưa hoàn thiện...
Các hộ dân ở thôn Quan Nam 6, mặc dù không nằm trong phần diện tích đất dự án cần giải tỏa, nhưng lại nằm trong diện tích bị ngập lụt nặng khi có mưa lũ do ảnh hưởng của dự án Kênh thoát lũ. Không chỉ 20 hộ dân cần phải di dời khẩn cấp, mà cả trăm hộ dân của toàn thôn Quan Nam 8 về lâu dài cũng cần phải có biện pháp di dời, hoặc có phương pháp tránh lũ, bởi ngay bên cạnh thôn là đường cống thoát nước từ đường tránh Nam Hải Vân đổ thẳng xuống, hòa vào kênh thoát lũ đang thi công, nên nguy cơ ngập lụt hàng năm là không thể tránh khỏi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Thành Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, cuối tháng 7/2018, UBND xã Hòa Liên cũng đã kiến nghị: “Đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị thi công cắm các biển báo tại các điểm thường xuyên xảy ra ngập úng, điểm thấp trũng, sạt lở đất có nguy cơ ảnh hưởng đến ATGT, gây nguy hiểm cho người dân; khẩn trương khớp nối quy hoạch để đấu nối các tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn như nối từ dự án khu TĐC Hòa Liên 4, Hòa Liên 5 và đường Nguyễn Tất Thành”.
Cũng theo ông Tâm, cần sớm hoàn thành kênh thoát lũ đoạn qua địa phận thôn Quan Nam 6, Hòa Liên để đảm bảo thoát lũ trong mùa mưa năm 2018; tiếp tục đầu tư dự án Kênh thoát lũ Hòa Liên từ đoạn Tân Ninh đến Quan Nam 4 để tránh gây ngập lụt cục bộ khi mùa mưa đến; sớm giải tỏa đền bù cho các hộ dân nằm trong dự án thường xuyên bị ngập lụt tại thôn Quan Nam 2 , Quan Nam 3, 20 hộ dân vùng đệm kênh thoát lũ thôn Quan Nam 6...
Còn ông Trương Tấn Mạnh - Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết thêm, trên địa bàn xã có 13 thôn, thôn nào cũng bị ảnh hưởng các dự án, có những thôn di dời hẳn, chỉ riêng đất sản xuất nông nghiệp đã thu hồi 320 ha, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
“Trong 38 dự án trên địa bàn xã, có 14 dự án đang triển khai, 6 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, 4 dự án trọng điểm của thành phố gồm: Kênh thoát lũ Hòa Liên, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan), dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Còn lại là các dự án chậm triển khai” - ông Mạnh nói.
Nói về các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ, các nhà đầu tư đưa ra nhiều lý do, nhưng lý do thường nêu ra nhất, công tác giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù chậm. Theo ông Mạnh, đầu năm 2018 này, chính quyền địa phương đã kiến nghị với thành phố, nên xem xét các các dự án chậm triển khai, nếu không cần thiết có thể hủy bỏ để nhân dân có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế cho gia đình, cũng như khớp nối quy hoạch thành phố, tránh hiện tượng mùa mưa ngập lụt xảy ra triền miên.