Nhiều điểm nhấn về bảo vệ môi trường

26/07/2016 00:00

(TN&MT) - 6 tháng đầu năm 2016, công tác bảo vệ môi trường đứng trước nhiều thách thức khi hàng loạt sự cố về môi trường xảy ra tại nhiều nơi trên cả nước, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, nhiều nhiệm vụ quan trọng về bảo vệ môi trường đã được triển khai hiệu quả.

Thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoàng Minh
Thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoàng Minh

Kịp thời ứng phó với các “điểm nóng”

Theo báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2016, Tổng cục đã đẩy mạnh công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường, tích cực, chủ động khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng và dư luận. Tổng cục đã tiếp nhận và kịp thời xử lý 20 điểm nóng về môi trường.

Tổng cục đã tiến hành thống kê, rà soát, tổng hợp các nguồn thải ra biển và cửa sông ven biển có lượng từ 1.000 m3/ ngày đêm trở lên tại 26 tỉnh/ thành ven biển. Các cơ sở sản xuất, dịch vụ kinh doanh dịch vụ thải ra sông, biển có khối lượng nước thải từ 200 m3/ ngày đêm trở lên trên phạm vi cả nước để làm cơ sở xây dựng kế hoạch thanh tra diện rộng. Kết quả, Tổng cục đã rà soát được trên 1.300 cơ sở, đang phối hợp với Thanh tra Bộ để điều chỉnh, bổ sung danh sách các cơ sở nêu trên vào Kế hoạch thanh tra năm 2016 để tiếp tục triển khai trong thời gian 6 tháng cuối năm.

Nỗ lực giảm thiểu các nguồn ô nhiễm

Theo báo cáo của Cục Kiểm soát ô nhiễm, hiện, trên địa bàn cả nước, có 212/283 KCN hoàn thành việc xây dựng xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ  75%), tăng 47 KCN so với năm 2015 với 82 hệ thống xử lý nước thải tập trung đã được lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, đạt tỷ lệ 39%.

Công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề đã từng bước được cải thiện, đến nay, có 50/63 tỉnh thành đã có văn bản hoặc điều khoản quy định về bảo vệ môi trường. 16/63 tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi làng nghề, 25/63 tỉnh đã ban hành quy chế công nhận làng nghề, 7 tỉnh có làng nghề được công nhận đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường, 9 tỉnh rà soát và đánh giá môi trường tại một số làng nghề được công nhận trên địa bàn đã đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, thời gian qua, tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản “tràn lan” tại một số địa phương đã cơ bản được khắc phục hạn chế được thực trạng thất thoát tài nguyên. Công tác bảo vệ môi trường tại các dự án khai thác khoáng sản ngày càng được cải thiện. Hầu hết các dự án thủy điện đã thực hiện tốt các biện pháp thu dọn và vệ sinh lòng hồ, tận thu lâm sản theo quy định, thực hiện đầy đủ chương trình quản lý và giám sát chất lượng môi trường và báo cáo định kỳ về kết quả cho cơ quan có thẩm quyền để quản lý, kiểm soát.

Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay, đã có 395/439 cơ sở theo Quyết định 64 hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, tăng 3 cơ sở so với năm 2015 đạt tỷ lệ 90%. Theo Quyết định 1788, các cơ sở cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, tăng 22 cơ sở so với năm 2015 đạt tỷ lệ 38,4.%. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành biện pháp xử lý triệt để đạt 72,5% kế hoạch đề ra trong năm 2016. Với những nỗ lực này đã góp phần giảm thiểu áp lực kinh tế - xã hội lên môi trường.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho rằng, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả các công cục, biện pháp quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.  Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới Tổng cục sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát các dự án, cơ sở có hoạt động xả thải, đặc biệt là các cơ sở có hoạt động xả thải ra sông, biển. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát các nguồn xả nước thải lớn ra vùng ven biển và các lưu vực sông, xây dựng quy định bắt buộc các nguồn thải lớn phải có hồ sinh học đảm bảo yêu câu quản lý xả thải.

Nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu hiện nay, theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tài, việc tiếp tục các công tác đánh giá thiệt hại môi trường do sự cố môi trường gây ra đối với môi trường biển, hệ sinh thái và xây dựng các đề xuất xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường biển khu vực các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Trong đó, Tổng cục sẽ tập trung vào các nội dung như: hoàn thiện kết luận thanh tra toàn diện Công ty Formosa Hà Tĩnh, dự thảo quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với công ty, trong đó, đề xuất rõ mức xử phạt và các hình thức bổ sung, kế hoạch giám sát thực hiện, lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan. Tổng cục sẽ triển khai thực hiện Đề án “Khắc phục hậu quả đối với môi trường do sự cố môi trường gây ra tại các tỉnh miền Trung”, trong đó, tập trung vào hoạt động điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm và sự suy thoái của hệ sinh thái, tài nguyên sinh vật do sự cố môi trường gây ra tại vùng biển ven bờ 4 tỉnh miền Trung. Đồng thời, Tổng cục sẽ tiến hành nghiên cứu, đề xuất ban hành kế hoạch ứng phó quốc gia các sự, cố thảm họa môi trường, thành lập Ủy ban Quốc gia ứng phó với tình huống khẩn cấp, trong đó, có những tình huống khẩn cấp quốc gia liên quan đến môi trường, thiên tai.

Nguyễn Cường

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều điểm nhấn về bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO