Tổng lượng mưa trong đợt mưa này phổ biến từ 50 - 120mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Bắc Quang (Hà Giang) 148mm, Láng (Hà Nội) 139mm, Bãi Cháy (Quảng Ninh) 121mm, Hoài Đức (Hà Nội) 120mm; đặc biệt trong ngày 30/4, khu vực Vĩnh Phúc, Hà Nội có mưa to, có nơi mưa rất to, một số trạm có mưa lớn như: Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 90mm, Láng (Hà Nội) 119mm. Trong cơn mưa dông có xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Đồng thời, mưa lớn đêm ngày 29/4, sáng ngày 30/4 đã gây ngập lụt tại nội thành Hà Nội.
Theo báo cáo của 8 tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Cạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, bên cạnh thiệt hại về người, dông lốc đã làm 55 nhà bị sập, 2.920 nhà và 56 công trình phụ bị tốc mái, hư hỏng; 15 điểm trường bị tốc mái, 8 cột điện bị đổ, 300m đường dây cao thế bị đứt.
Về sản xuất, có 1.112ha lúa; 3.090ha hoa màu; 20ha cây ăn quả và hàng ngàn cây keo bị thiệt hại; 16 con gia súc, 3.300 con gia cầm bị chết. Đồng thời, mưa lớn đêm ngày 29/4, sáng ngày 30/4 đã gây ngập lụt tại nội thành Hà Nội.
Cùng thời gian này, nhiều nơi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung bộ có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ phổ biến từ 34-37 độ, cá biệt một số nơi trên 38 độ.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, trong những ngày tới nắng nóng gay gắt tuy có giảm dẫn xong vẫn còn xuất hiện ở khu vực Trung bộ, hiện tượng thời mưa dông, lốc có thể tiếp tục diễn ra tại một số địa phương. Để chủ động ứng phó có hiệu quả, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa và kỹ năng ứng phó với nắng nóng, giông lốc để giảm thiểu thiệt hại. Các khu đô thị lớn cần rà soát phương án ứng phó với ngập lụt khi xảy ra mưa lớn.
Thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương đã tổ chức kiểm tra các khu vực bị thiệt hại, chỉ đạo người dân khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.