Nhiều đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT

12/07/2019 15:08

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị giao ban công tác quản lý TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ngày 12/7/2019 tại tỉnh Tây Ninh, đại...

 

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị giao ban công tác quản lý tài nguyên và môi trường (TN&MT) các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ngày 12/7/2019 tại tỉnh Tây Ninh, đại diện lãnh đạo các Sở TN&MT đã phát biểu đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị với lãnh đạo Bộ TN&MT để tháo gỡ các vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT.

chutoa
Bộ trưởng Trần Hồng Hà; các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành; Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Phạm Viết Thanh đồng chủ trì Hội nghị giao ban công tác quản lý tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2019 


Bà Nguyễn Thị Hiếu, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh:  Phối hợp các tỉnh giáp ranh xử lý tình trạng khai thác cát trái phép lòng hồ Dầu Tiếng

sotnmt tayninh
Bà Nguyễn Thị Hiếu, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh


Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh hoàn thành 23 nhiệm được Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh giao, 20 nhiệm vụ được Bộ TN&MT giao.

Trong năm 2017, Tây Ninh nổi lên vấn đề khai thác cát lậu tại lòng hồ Dầu Tiếng. Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, chỉ đạo ngành ngành công an mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm. Đồng thời, Tây Ninh đã tăng cường phối hợp với các tỉnh giáp ranh, đặc biệt là Bình Dương và Bình Phước trong việc xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép. Vì vậy, tình hình khai thác cát trái phép trên lòng hồ Dầu Tiếng đã được kiểm soát. Trước đây, trung bình mỗi năm, các ngành chức năng bắt và xử xử phạt 18 – 19 trường hợp; nhưng trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ còn 2 trường hợp.

Tuy nhiên, đối với hồ Dầu Tiếng hiện có rất nhiều đấu mối quản lý của các bộ ngành, các địa phương  trên nhiều lĩnh vực nên đã gây ra tình trạng chồng chéo trong quản lý. Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị Bộ TN&MT và các bộ ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý các lĩnh vực; đồng thời đề nghị các địa phương giáp ranh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tây Ninh trong việc kiểm soát tình trạng khai thác cát tráo phép tại lòng hồ Dầu Tiếng.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM:  Kiến nghị nhiều nội dung sửa đổi Luật Đất đai

sotnmt hcm
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó giám đốc Sở TN&MT TP.HCM


Việc sử dụng đất sau cổ phần hóa không hiệu quả, từ đó dẫn đến việc thay đổi chủ đầu tư hoặc chuyển đổi chủ sở hữu, bán doanh nghiệp (trong khi pháp luật đất đai, thì việc quản lý đất đai không phân biệt nguồn gốc đất mà chủ yếu quản lý thông qua việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất), nguồn vốn.  Do đó, đề nghị  khi sửa đổi Luật Đất đai cần có một chương quy định đối với đất do nhà nước trực tiếp quản lý để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, xử lý.

Hiện nay, một số tình trạng lấn chiếm đất vẫn được Nhà nước công nhận và cấp Giấy chứng nhận (nếu có quá trình sử dụng, không tranh chấp, khiếu nạu và phù hợp quy hoạch). Vấn đề này còn nhiều góc nhìn khác nhau giữa các ngành, dẫn đến cách giải quyết khác nhau, vô tình tạo quyền lực rất lớn cho chính quyền cấp xã trong việc xác nhận nguồn gốc tạo lập, quá trình sử dụng đất…..dễ dẫn đến tiêu cực, khiếu nại của người dân. Vì vậy, đề xuất có chế định riêng, thật cụ thể, không cào bằng như hình thức hợp thức hóa hiện nay.

TP.HCM cũng kiến nghị trong thời gian tới cần hình thành sàn giao dịch bất động sản (tương lai phát triển thành trung tâm giao dịch bất động sản). Đồng thời, cần có chính sách thuế phù hợp trong giao dịch bất động sản, nhằm tránh tình trạng đầu cơ đất đai, hiện nay thị trường bất động sản không phản ánh đúng nhu cầu thực tế.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng: Cần đa dạng hóa các hình thức đào tạo cán bộ ngành TN&MT

sotnmt danang
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng 


Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ TN&MT, sự phối hợp chặt chẽ của Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã đáp ứng được những vấn đề thiết thực của địa phương như các lớp bồi dưỡng dành cho lãnh đạo Sở; các khóa tập huấn nghiệp vụ bảo vệ môi trường, quản lý đất đai…

Trong bối cảnh hiện nay, khi đội ngũ cán bộ địa phương hạn chế về số lượng nhưng khối lượng và áp lực công việc quá lớn. Vì vậy, việc chuẩn hóa, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán  bộ của ngành TN&MT là rất cần thiết. Đề nghị Bộ trong thời gian tới cần đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng, đáp ứng tối đa nhu cầu của học viên từ cấp Sở, cấp phòng, đến cấp xã; triển khai các hình thức học trong, ngoài giờ hành chính tại trụ sở và cơ quan, đơn vị; kết hợp học tập trong nước và nước ngoài với thăm quan thực tế…

Hiện nay, Thành phố Đà Nẵng đang thực hiện kêu gọi đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn với công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện dự án theo hình thức PPP rất khó khăn do vướng mắc với các luật, quy định liên quan khác.

Ngoài ra, về việc triển khai Nghị định số 40/2019/NĐ- CP  của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, chúng tôi rất ủng hộ nhưng trong quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, kiến nghị Bộ TN&MT trong quá trình ban hành Thông tư hướng dẫn thì sớm có văn bản chỉ đạo các Sở TN&MT thực hiện.


Ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Thuận: Sớm tháo gỡ khó khăn về bộ máy, tổ chức

SoTN&MT NinhThuan
Ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Thuận 


Sở TN&MT tỉnh Ninh Thuận đang gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp lại tổ chức, hoạt động của các đơn vị quản lý. Hiện giờ, Sở giờ chỉ còn 3 phòng chuyên môn, gồm Văn phòng Sở, Phòng Quản lý đất đai, Phòng Quản lý môi trường. Đặc biệt, Trung tâm thông tin TNMT tỉnh  cũng được sáp nhập về Sở Thông tin Truyền thông, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về TN&MT trên địa bàn. Ngoài ra, Chi cục quản lý đất đai của tỉnh đến nay cũng chưa thể thành lập; Quỹ Bảo vệ môi trường cũng chưa có cơ chế hoạt động…Vì vậy, đề nghị Bộ TN&MT sớm có  ý kiến trao đổi, hướng dẫn với  địa phương  để sớm giúp ổn định bộ máy tổ chức, hoạt động của cơ quan TN&MT.

Vấn đề tinh giảm biên chế, dù Sở TN&MT đã ban hành Đề án bố trí việc làm, chức danh nhưng  hiện nay việc tinh giảm biên chế tại địa phương đang thực hiện theo hướng cào bằng, dẫn đến nhiều đơn vị của Sở vốn đã thiếu cán bộ lại bị tinh giảm theo hàng năm.  Vì vậy,  kiến nghị Bộ TN&MT nên có ý kiến với Bộ Nội vụ cần có biên chế định biên đối với bộ máy tổ chức của các Sở TN&MT.

Đối với hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai, đề nghị các bộ ngành Trung ương sớm có quy định về phí và lệ phí, giá dịch vụ trong các hoạt động nghiệp vụ, nhằm tạo nguồn thu phục vụ cho các hoạt động của Văn phòng.

Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương: Tăng cường kết nối, tương tác giữa Bộ TN&MT và  các Sở TN&MT

SoTN&MT BinhDuong
Ông Phạm Sanh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Dương 


Chúng tôi ghi nhận, đối với các cơ chế chính sách, các kiến nghị của địa phương, Bộ TN&MT đã tổng hợp, ghi nhận và đưa vào việc sửa đổi Luật. Tuy nhiên, hiện nay còn tình trạng chồng chéo giữa Luật Đất đai và các luật khác nên cũng gây khó cho cán bộ, đùn đảy trách nhiệm giải quyết công việc. Vì vậy, trong khi chờ sửa đổi Luật Đất đai, kiến nghị Bộ TN&MT có những giải pháp, hướng dẫn kịp thời cho địa phương trong quá trình quản lý. Đồng thời, khi Bộ trả lời những kiến nghị của địa phương mà vấn đề ấy mang tính phổ biến thì có thể sao gửi cho tất cả các địa phương cùng tham khảo, thực hiện.

Đồng thời, hiện nay Văn phòng đăng ký đất đai có khối lượng công việc rất lớn, theo quy định mới thì thời gian làm thủ tục cấp giấy được rút ngắn 11 ngày và còn kế hoạch rút ngắn tiếp. Cho nên, kiến nghị cho phép văn phòng đăng ký đất đai các thành phố, thị xã có khối lượng công việc nhiều thì cho phép thêm 01 chức danh Phó Giám đốc.

Về đầu tư hạ tầng, công nghệ thông tin, kiến nghị Bộ TN&MT khẩn trương rà soát lại phần mềm chủ lực, phần mềm chuyên ngành để nâng cấp đủ mạnh nhằm xử lý văn bản nhanh chóng. Đề nghị Bộ cung cấp hộp thư  điện tử chuyên ngành trong nội bộ ngành đối với lãnh đạo Bộ TN&MT với Giám đốc các Sở TN&MT nhằm trao đổi thông tin chỉ đạo, phối hợp kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO