Sự kiện một lần nữa thể hiện cam kết của doanh nghiệp và chính phủ Vương quốc Anh trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Triển lãm quy tụ các doạnh nghiệp của Vương quốc Anh đang hoạt động trong các lĩnh vực hạ tầng sạch, năng lượng tái tạo và tài chính bền vững như: Mainstream Renewable Power, Shire Oak International, BSI, HSBC, Kingspan và HRK Group. Hơn 200 khách mời là doanh nghiệp và cơ quan ngoại giao tại TP. Hồ Chí Minh được tìm hiểu và trực tiếp trải nghiệm các sản phẩm tại đây.
Ông Oliver Todd - Tổng Lãnh sự tại TP. Hồ Chí Minh bày tỏ sự tin tưởng về việc Vương quốc Anh sẽ trở thành một đối tác quan trọng của Việt Nam trong quá trình đạt được các tham vọng đặt ra tại Hội nghị COP26. Vương quốc Anh với vai trò Chủ tịch COP26 sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam trong thời gian tới. Phía Anh kỳ vọng, thông qua triển lãm và qua các chương trình hợp tác khác với các Bộ tại Việt Nam, có thể tiếp tục chia sẻ chuyên môn của các doanh nghiệp Anh trong việc phát triển các giải pháp tăng trưởng sạch trong mọi mặt của nền kinh tế.
Trong khuôn khổ Triển lãm đã diễn ra Tọa đàm với chủ đề “Các nỗ lực nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng sạch tại Việt Nam”. Tất cả các doanh nghiệp Anh tham gia đều đồng ý về vai trò của việc phối hợp giữa nhiều ngành nghề, giữa các Chính phủ và doanh nghiệp trong tiến trình thực hiện tăng trưởng sạch trong thời gian tới tại Việt Nam.
Ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) chia sẻ, Việt Nam cần nguồn lực tài chính lớn và nhân lực phù hợp, đặc biệt cần có sự hỗ trợ của quốc tế về tài chính và hỗ trợ chuyển giao công nghệ, các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính. Chúng tôi mong rằng, thời gian tới, Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương, các địa phương, các doanh nghiệp cũng như các Bộ ngành khác sẽ có cơ hội hợp tác sâu hơn, cụ thể hơn với Chính phủ Anh về xây dựng chính sách, tăng cường năng lực và thực hiện các hoạt động thí điểm về phát triển đô thị, công trình xanh, và sản xuất giảm phát thải khí nhà kính.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Ứng phó Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) cho rằng, Triển lãm đã mang đến nhiều giải pháp trong các lĩnh vực cụ thể của nhiều doanh nghiệp, từ năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng đến các vật liệu và quan trọng nhất là giới thiệu các nguồn tài chính. “Trong tương lai, chúng tôi hy vọng thấy được những sự hỗ trợ thậm chí cụ thể hơn từ các quốc gia bao gồm Vương quốc Anh để chống lại biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.
Cùng ngày, Đại sứ quán Anh đã phối hợp cùng đối tác chuyên gia Carbon Trust tổ chức hội thảo trực tuyến “Sau Hội nghị COP26: Vai trò của doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong việc đẩy mạnh quá trình chuyển dịch, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng ‘0’ của Việt Nam”.
Quá trình thảo luận về chủ đề này, ông Don Lam, Nhà Đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành của Tập đoàn VinaCapital nhận định: Cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 của Việt Nam tại Hôi nghị COP26 là sự khẳng định của chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện chuyển dịch năng lượng, hướng đến các nguồn năng lượng sạch và bền vững hơn. Việt Nam cũng nhấn mạnh chưa đủ tiềm lực tài chính cho quá trình này, và đây là thời điểm để khu vực tư nhân, đặc biệt là các công ty quản lý đầu tư phát huy vai trò quan trọng.
“VinaCapital đã hoạt động tích cực trong lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng và năng lượng tái tạo: năng lượng mặt trời và gió, đóng vai trò là đối tác tại Việt Nam của các nhà lãnh đạo năng lượng toàn cầu như tập đoàn GS Energy và Công ty Điện lực Pháp (EDF). Chúng tôi tạo điều kiện để họ mang kinh nghiệm và chuyên môn sâu rộng của mình đến Việt Nam. Chúng tôi mong muốn chào đón nhiều hơn những nhà đầu tư trong lĩnh vực này trong thời gian sắp tới” - ông Don Lam cho biết
Theo ông Chris Stephens, Giám đốc Khu vực Châu Á & Châu Phi tại Carbon Trust, bên cạnh nhiều tổ chức và doanh nghiệp khác, công việc của Carbon Trust tại Việt Nam là minh chứng cho thấy, nếu Việt Nam thực sự mong muốn thành công trong việc thực hiện các cam kết vì khí hậu, cần có nhiều hơn những giải pháp để mở rộng quy mô và tốc độ dòng vốn vào các hoạt động liên quan đến giảm phát thải ròng bằng 0. Nỗ lực này là cần thiết để khẳng định vị thế của Việt Nam như một quốc gia đi đầu trong khu vực về giải pháp vì khí hậu.
Hội thảo đã thu hút được hơn 100 đại biểu tham dự trực tuyến, đại diện cho các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức tài chính nổi bật như: PwC, Prudential, Citibank, Standard Chartered… Đây đều là những doanh nghiệp, tổ chức nổi bật có vai trò quan trọng trong việc định hình tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam.