Nhiều cơ hội cho khối tư nhân thực hiện Kế hoạch Paris về BĐKH

10/10/2017 00:00

(TN&MT) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ 4 năm 2017 vừa diễn ra sáng 10/10 tại Hà Nội. Với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức Phát triển Bền vững”, Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp trực tiếp đối thoại với đại diện các cơ quan Chính phủ, về việc làm thế nào để tạo điều kiện cho sự phát triển của các giải pháp kinh doanh sáng tạo – không những đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn giúp giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội. 

Diễn đàn năm nay do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, với sự tham gia của hơn 350 đại biểu, là đại diện lãnh đạo các cơ quan Chính phủ, Bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế.
Tọa đàm “Các sáng kiến của doanh nghiệp trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững”
Tọa đàm “Các sáng kiến của doanh nghiệp trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững”

Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội

Nhận định về tình hình thực hiện các Mục tiêu toàn cầu (SDGs) trong Chương trình Nghị sự 2030, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD cho biết, có đến 90% các DN trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới đã lập Báo cáo Bền vững. Mạng lưới hợp tác được tăng cường với sự liên kết chặt chẽ, tích cực giữa các DN và các quốc gia. Để tăng cường hơn nữa ảnh hưởng của khối DN đến tiến trình Phát triển bền vững chung, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực, nắm bắt các cơ hội kinh doanh, đổi mới sáng tạo, áp dụng những mô hình kinh doanh tiên tiến và đặc biệt là các giải pháp kinh doanh bền vững để thu lại được những lợi ích lâu dài, thay vì chỉ hoạt động theo lợi ích trước mắt.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh tầm quan trọng của khối tư nhân trong triển khai thỏa thuận Paris tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh tầm quan trọng của khối tư nhân trong triển khai thỏa thuận Paris tại Việt Nam

Song song với 17SDGs, Thỏa thuận Paris về BĐKH cũng có nhiều điểm tương đồng khi hướng tới các giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh bền vững. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã trình bày về kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu của Việt Nam. Ngay sau khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực từ ngày 4/11/2016, việc thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là nghĩa vụ bắt buộc của Việt Nam từ năm 2021. Bởi vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2020, khu vực công – tư cần tiếp tục hợp tác để thực hiện thành công các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được phê duyệt, chuẩn bị về mặt thể chế chính sách, nguồn lực, giải pháp để sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ do Thỏa thuận Paris quy định.

Thứ trưởng nhấn mạnh, sự tham gia tích cực của của khối tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam và đạt được các cam kết trong NDC. Quá trình triển khai Kế hoạch Paris này cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp nghiên cứu, sáng tạo và đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Những lĩnh vực ưu tiên gồm: năng lượng tái tạo; đô thị thông minh, thân thiện hệ sinh thái; giao thông thông minh; công trình và giải pháp thích ứng hoặc tăng khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu; dịch vụ khí hậu...

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kiêm Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kiêm Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, khối tư nhân vào trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, theo Thứ trưởng, các nhiệm vụ cần được chú trọng thời gian tới là: Xây dựng các cơ chế chính sách tăng cường sự tham gia của các Bên, đặc biệt là khu vực tư nhân trong nghiên cứu, áp dụng và đầu tư cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế ít phát thải các bon, thân thiện với khí hậu. Bên cạnh đó, thúc đẩy khối tư nhân tham gia rà soát, cập nhật NDC, xây dựng Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris các cấp nhằm kịp thời phản ánh những vướng mắc, điều chỉnh linh hoạt chính sách để tạo điều kiện cho khối tư nhân trong triển khai thực hiện Thoả thuận Paris về BĐKH và NDC tại Việt Nam.

Bên cạnh thách thức từ BĐKH, sự bùng nổ dân số cũng đang gây ra nhiều nguy cơ cho vấn đề an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, phát triển nông nghiệp xanh, theo hướng bền vững có thể mang lại rất nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng cho Việt Nam - một đất nước có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Đó là nhận định của Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT tại Diễn đàn. Thứ trưởng khẳng định, việc đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh nói trên không phải là những ưu tiên hay kỳ vọng, mà đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của chính phủ, các bộ ban ngành, doanh nghiệp và xã hội dân sự.

Đảm bảo bộ 3 kinh tế - môi trường - trách nhiệm xã hội

Trong phiên tọa đàm với chủ đề “Các sáng kiến của doanh nghiệp trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững”, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và quốc tế như Bảo Việt, Heineken, Coca-Cola, SCG, Pepsico và Vingroup đã mang đến Diễn đàn những cách tiếp cận thông lệ tốt tại doanh nghiệp trong việc thực hiện các sáng kiến, triển khai những mô hình kinh doanh mới hướng đến phát triển bền vững. Các doanh nghiệp đều xác định, trong giai đoạn hiện nay, bảo vệ môi trường và thực thi trách nhiệm xã hội là hướng đi đúng đắn, trong khi tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần để đảm bảo 2 nhiệm vụ này của doanh nghiệp.

Với kinh nghiệm 6 năm triển khai “Kế hoạch phát triển bền vững”, 18 Nhãn hàng Bền vững của Unilever tăng trưởng nhanh hơn 50% so với các nhãn hàng còn lại và chiếm tới 60% tổng doanh số của tập đoàn. Unilever đã tiếp cận hàng trăm triệu người thông qua các chương trình truyền thông sức khỏe, vệ sinh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho thêm hàng triệu người dân với trọng tâm là chương trình nâng cao quyền năng phụ nữ. Ông Trần Vũ Hoài, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Đối ngoại, Unilever Việt Nam chia sẻ, các kết quả cho thấy không hề có sự đánh đổi giữa các Mục tiêu PTBV và tăng trưởng kinh doanh mà ngược lại, hướng đến các Mục tiêu PTBV chính là động lực cho tăng trưởng.

Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam 2017
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam 2017

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kiêm Đồng Chủ tịch VBCSD cho rằng những mô hình kinh doanh mới, tiên tiến như kinh doanh cùng người thu nhập thấp, nền kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp xã hội, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, thực hiện minh bạch liêm chính trong kinh doanh hay áp dụng những công cụ ưu việt trong quản trị công ty như lập báo cáo bền vững, Bộ chỉ số CSI cần được triển khai rộng hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan.

Trong thời gian tới, VCCI cũng sẽ giao VBCSD chủ trì thành lập Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Triển khai Nền kinh tế tuần hoàn (VCCE), qua đó thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của DN trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư tại VN, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá 4.5 nghìn tỷ đô do kinh tế tuần hoàn mang lại.

Khánh Ly

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều cơ hội cho khối tư nhân thực hiện Kế hoạch Paris về BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO