Nhiều bất cập trong thực hiện thu gom, xử lý nước thải tại cụm công nghiệp

09/09/2017 00:00

"Nhiều CCN đã hoạt động ổn định nhưng chưa được đầu tư xây dựng trạm và hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung (XLNTTT), nhiều trạm hoạt động dưới công suất...

“Nhiều CCN đã hoạt động ổn định nhưng chưa được đầu tư xây dựng trạm và hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung (XLNTTT), nhiều trạm hoạt động dưới công suất thiết kế…”

Đó là nhận định của đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội nêu ra trong buổi làm việc hôm nay (8/9) với các sở, ngành liên quan, sau đợt giám sát thực tế việc thực hiện quy định pháp luật trong hoạt động thu gom và XLNTTT tại các CCN trên địa bàn.

Không hoạt động, công suất thấp, tiến độ quá chậm

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Phước An cho biết: Hiện Hà Nội có 43 CCN đã đi vào hoạt động ổn định thì trong đó 21 CCN có trạm XLNT, với 9 CCN do chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng và 12/15 CCN thuộc Đề án đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung tại các CCN trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2014-2015.

Đối với 9 CCN đã đầu tư xây hệ thống XLNT, có 7 cụm đã có trạm XLNT hoạt động ổn định, song đều có công suất thực tế thấp hơn công suất thiết kế. Còn lại 2 CCN, Tiểu thủ công nghiệp có trạm XLNT nhưng không hoạt động là Tân Triều (Thanh Trì) và Cụm TTCN Duyên Thái (Thường Tín). Với 15 CCN thuộc Đề án, vẫn còn 6 CCN đã có trạm XLNT nhưng chưa đi vào hoạt động, gồm: Ngọc Hòa (Chương Mỹ), Liên Phương (Thường Tín), Nguyên Khê (Đông Anh), Đông Anh (Đông Anh), Phú Thị (Gia Lâm), Phúc Thọ (Phúc Thọ); cùng 3 CCN chưa có trạm XLNT, là Liên Hà (Đan Phượng), Ngọc Hòa (Chương Mỹ), Phúc Thịnh (Sơn Tây). Bên cạnh đó, còn 19 CCN chưa được thực hiện đầu tư xây dựng trạm, trong đó, 8 CCN không phù hợp quy hoạch theo quy hoạch sử dụng đất, còn 11 CCN phù hợp quy hoạch nhưng quy mô nhỏ và với khối lượng nước thải nhỏ (20-220 m3/ngày đêm).

Khảo sát hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP Miza (KCN Đông Anh)
Khảo sát hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP Miza (KCN Đông Anh)

Là một thành viên đoàn giám sát, Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Vũ Ngọc Anh nhận định: Đối với công tác phân cấp thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) tại các CCN chưa có trạm XLNT còn có tình trạng, chính quyền địa phương lúng túng trong việc thu phí đối với các hộ gia đình, mà nguyên nhân được đưa ra là do chưa có hướng dẫn của Sở Tài chính và Sở TNMT. Như ở huyện Thanh Trì, khoản thu được 200 triệu/năm thực tế chỉ chủ yếu thu từ CCN Ngọc Hồi, còn lại các khu, CCN khác thu không được đáng kể. Chính việc thất thoát này dẫn đến quản lý không tốt, nên không kiểm soát được ô nhiễm môi trường.

Đáng chú ý, chỉ còn 3 tháng nữa để TP hoàn thành kế hoạch kinh tế-xã hội 2017, trong khi theo Nghị quyết của HĐND TP, hết năm 2017 TP phải đảm bảo tỷ lệ 55,8% các CCN có trạm XLNT đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tại 2 trạm Ngọc Sơn (Chương Mỹ) và Phúc Thịnh (Sơn Tây) theo khảo sát thực tế, hiện tiến độ xây dựng gần như dậm chân tại chỗ. “Việc tính toán thiết kế không phù hợp với thực tế dẫn đến kinh phí hỗ trợ của TP đối với những trạm này bị lãng phí, thể hiện đồng vốn không được kiểm soát, ngân sách được sử dụng không hiệu quả. Các Sở Xây dựng, Công Thương, TN&MT là những đơn vị được giao trách nhiệm cũng cần đôn đốc sát sao tiến độ triển khai này”, ông Ngọc Anh nhấn mạnh.

Trách nhiệm của các sở, ngành đến đâu?

Theo các thành viên đoàn giám sát, bất cập nhất hiện nay là nhiều CCN đã hoạt động ổn định nhưng chưa được đầu tư xây dựng trạm và hệ thống thu gom XLNTTT (mới có 19 cụm, chiếm 44,2% trong số 43 CCN đang hoạt động ổn định trên toàn TP). TP đã có Đề án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và XLNT tập trung cho 19 CCN này giai đoạn 2016-2020, trong đó chuyển giao nhiệm vụ thực hiện từ Sở Công Thương về Sở Xây dựng từ giữa năm 2016, nhưng tiến độ đến nay còn chậm.

 Khảo sát Trạm xử lý nước thải CCN vừa và nhỏ xã Nguyên Khê
Khảo sát Trạm xử lý nước thải CCN vừa và nhỏ xã Nguyên Khê

Đáng chú ý, một câu hỏi được đặt ra là, trong các CCN đã được đầu tư trạm XLNT thì có 2 CCN Tân Triều và Duyên Thái đã có trạm XLNT từ lâu nhưng không hoạt động, vậy trách nhiệm của các địa phương và các sở ngành liên quan đến đâu? 15 CCN có trạm XLNT hoạt động dưới công suất thiết kế, cho thấy công tác lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư trước đây có nhiều bất cập. Chính vì các trạm được tính toán thiết kế công suất không phù hợp thực tế dẫn đến giá thành xử lý cho 1m3 nước thải quá cao, nên rất nhiều DN trong các CCN đã có trạm XLNT không đấu nối đường xả thải của mình vào khu XLNTTT.

Bên cạnh đó, có 6 CCN đã được cơ bản hoàn thành đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động, theo các sở ngành là do nhiều nguyên nhân khách quan về nghiệm thu, thủ tục đấu nối… Nhưng khi rà lại từng dự án, đoàn giám sát nhận thấy, việc đầu tư đã hoàn thành từ rất lâu rồi. Không thể chấp nhận tình trạng CCN đã được đầu tư nhiều năm nhưng chỉ vì vướng thủ tục pháp lý mà đến nay chưa đi vào hoạt động, hoặc hoạt động rồi nhưng chưa được cấp phép xả thải, vẫn xả trực tiếp ra môi trường.

Riêng với 2 cụm Ngọc Sơn, Phú Thịnh đã được phê duyệt dự án từ năm 2014 nhưng giờ chưa xong, vậy trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc là của các sở, ngành đến đâu? Đặc biệt, hiện trong 21 trạm XLNT đã hoàn thành thì mới có 12 trạm được cấp phép xả thải, trong đó 1 trạm đã hết hạn từ năm 2015. Trong 21 cụm này cũng mới có 6 cụm được đấu nối 100% vào hệ thống XLNT chung, còn lại chỉ đạt 40-70%. Điều này có trách nhiệm trước hết của DN, song còn thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý là UBND huyện và các sở, ngành, nhất là Sở TNMT trong việc kiểm tra, đôn đốc xử lý các DN thời gian qua. Ngoài ra, theo quy định, các DN trong CCN phải có hệ thống xử lý nước thải sơ bộ trước khi vào hệ thống chung, nhưng thực tế hiện nay, công tác quản lý việc này rất kém, hầu như DN không có hệ thống này.

Trước thực tế này, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân yêu cầu tới đây, các sở, ngành tăng cường tham mưu cho UBND TP triển khai đồng bộ các giải pháp về xử lý ô nhiễm môi trường tại CCN, làng nghề. Trong đó, Sở Công Thương sớm hoàn thiện trình UBND TP phê duyệt quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn đến năm 2020-xét đến 2030, làm cơ sở cho các địa phương đầu tư xây dựng hệ thống XLNNTT. Sở Xây dựng ngay trong tháng 9/2017 cần tham mưu cho TP kế hoạch, phương án triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và XLNT tập trung cho 19 CCN đang hoạt động ổn định giai đoạn 2016-2020; đôn đốc các chủ đầu tư 3 dự án đã được phê duyệt đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng; đề xuất biện pháp xử lý 2 trạm đã đầu tư nhưng không vận hành. Sở TN&MT sớm hoàn thiện trình UBND TP ban hành quyết định phân cấp thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp thay thế quy định cũ; đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý trình UBND TP cấp giấy phép xả thải đối với các CCN.

Theo Ktđt

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bất cập trong thực hiện thu gom, xử lý nước thải tại cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO