Nhất quán chính sách bảo vệ đất trồng lúa

18/02/2016 00:00

(TN&MT) - Hướng đến mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam còn 3,8 triệu ha đất lúa, Nhà nước đã ban hành đồng bộ các chính sách, nhất quán quan điểm bảo đảm lợi ích cho người dân trồng lúa, đồng thời xiết chặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa tại các địa phương.

*Người trồng lúa nhận nhiều ưu đãi

Người trồng lúa là đối tượng chịu nhiều tác động nhất khi diện tích đất lúa thay đổi. Bởi, đất đai là nguồn tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất của “nhà nông”. Như vậy, muốn giữ được đất, phải giữ tại gốc, có nghĩa là phải khuyến khích được người nông dân bám đất, giữ đất và làm giàu trên đất.

Quan điểm này đã và đang được Đảng, Nhà nước thống nhất, và thể chế hóa bằng hệ thống văn bản pháp luật. Trong đó, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ tài chính cho người trồng lúa. Từ Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) đến Thông tư 18/2016/TT-BTC và các văn bản liên quan khác đều quy định khá đầy đủ và rõ ràng về các chính sách ưu đãi tài chính cho người dân trồng lúa.

Những ưu đãi có thể kể tới là: Nhà nước thực hiện việc giao đất không thu tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho người trồng lúa. Trong đó, Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong hạn mức (Điều 54 Luật Đất đai năm 2013). Riêng đối với hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số thì Nhà nước còn thực hiện miễn, giảm tiền SDĐ, tiền thuê đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa (Điều 110 Luật Đất đai năm 2013).

Đất lúa là một trong những tư liệu sản xuất quan trọng nhất của ngành nông nghiệp
Đất lúa là một trong những tư liệu sản xuất quan trọng nhất của ngành nông nghiệp

Ngoài ra, Nhà nước miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với: Tất cả các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng lúa được Nhà nước giao trong hạn mức giao đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp; đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất mà trong hạn mức cũng được Nhà nước áp dụng chính sách này…Theo các chuyên gia kinh tế, với chính sách này, người sử dụng đất trồng lúa được nhà nước thực hiện miễn giảm thuế phổ biến hơn sử dụng các loại đất nông nghiệp khác.

Hơn nữa, Theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng tiền cho người nông dân khi sử dụng và phát triển đất trồng lúa. Trong đó, khi sử dụng đất trồng lúa, người nông dân được hỗ trợ tiền để mua giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa hoặc/và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, Nhà nước còn hỗ trợ mức cố định đối với tất cả các hộ gia đình, cá nhân trên toàn quốc với mức mười triệu đồng/ha đất trồng lúa được khai hoang, cải tạo (trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hóa) và 5.000.000 (năm triệu) đồng/ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước một vụ hoặc đất trồng cây khác…

*Hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa

Song song với chính sách hỗ trợ người dân trồng lúa, Nhà nước đang xiết chặt và hạn chế việc chuyển mục đích sử dụng đất trống lúa tại các địa phương. Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP quy định rõ: Những dự án có sử dụng đất trồng lúa vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên) hoặc Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh (trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa).

Hơn nữa, Nhà nước cũng hạn chế việc nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Cụ thể, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Mới đây nhất, Thông tư 18/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa quy định rõ: Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để bảo vệ phát triển đất trồng lúa.

Thông tư này đã hướng dẫn cụ thể về mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tại từng địa phương. Như vậy, hàng năm, các địa phương đã có một nguồn kinh phí nhất định để cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại; đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa; khai hoang phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại…

Theo các chuyên gia, trước khi chạm tới giác mơ trở thành nước công nghiệp, hiện đại, Việt Nam cần phát huy sức mạnh từ nền kinh tế truyền thống là nông nghiệp. Chính vì vậy, giữ lại diện tích đất trồng lúa không chỉ là để bảo đảm an ninh lương thực mà là để ổn định xã hội, bảo đảm công ăn việc làm cho người nông dân.

Bài & ảnh: H.Phúc

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhất quán chính sách bảo vệ đất trồng lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO