Nhập khẩu phế liệu: Cần kiểm soát chặt tại nguồn

18/08/2015 00:00

(TN&MT) - Phế liệu đang trở thành “mặt hàng” nhập khẩu được nhiều doanh nghiệp trong nước chú trọng đầu tư. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia môi trường,  cần có sự kiểm soát chặt chẽ, phân định rõ ràng đâu là “chất thải” đâu là “phế thải” tránh tình trạng biến Việt Nam thành “bãi rác”.

Trăm doanh nghiệp...  đua nhập khẩu

Theo số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) qua báo cáo của 54 Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2014 có 32 tỉnh có cơ sở thực hiện hoạt động nhập khẩu phế liệu (NKPL). Tổng số lượng các cơ sở nhập khẩu và sử dụng phế liệu là 349 cơ sở, doanh nghiệp. Trong đó, số lượng cơ sở đã NKPL để trực tiếp phục vụ sản xuất là 220 cơ sở; số lượng doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác là 94 doanh nghiệp. Có 35 cơ sở, doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện NKPL nhưng không có hoạt động nhập khẩu.

Các tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu được xem là những địa phương có lượng nhập khẩu phế liệu hàng đầu của cả nước. Khối lượng phế liệu nhập khẩu của sắt, thép, nhựa tương đối ổn định trong năm 2013 và 2014. Sắt, thép chiếm tới 40% tổng số lượng phế liệu nhập khẩu trong năm 2014, khối lượng nhập khẩu là 2,55 triệu tấn với giá trị khoảng 11,5 triệu USD.

Ngoài ra, mặt hàng phế liệu nhập khẩu năm 2014 tăng đột biến so với năm 2013 là nhôm phế liệu. Trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trên 3 triệu tấn phế liệu. Tuy nhiên việc thực thi pháp luật của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn yếu kém.

Mỗi năm có hàng tấn phế liệu được nhập khẩu vào Việt Nam
Mỗi năm có hàng tấn phế liệu được nhập khẩu vào Việt Nam

Nguyên nhân là do việc nhập khẩu các loại phế liệu này thường đem lại lợi nhuận cao nhưng các thủ tục pháp lý đòi hỏi rất nghiêm. Vì vậy, các doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật, thậm chí cố tình vi phạm luật. Thực tế kiểm tra của Tổng cục Môi trường cho thấy, một số doanh nghiệp sản xuất giấy phát sinh các loại chất thải rắn (thành phần chính là nilon) thường được chất đống, thiếu giải pháp xử lý. Trong quản lý chất thải nguy hại, các doanh nghiệp thực hiện việc kê khai, lưu giữ, làm hồ sơ rất sơ sài và không đúng theo quy định... Ngoài ra, việc thực hiện quan trắc môi trường trong các doanh nghiệp chưa thực sự đánh giá đúng hiện trạng môi trường trong khu vực hoạt động.

Tăng cường công tác thẩm định

Nếu như Luật Bảo vệ môi trường 2005 còn bộc lộ hạn chế đó là việc chưa phân định được rõ đâu là “phế thải” và đâu là “chất thải” thì Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản dưới luật đã kịp thời khắc phục những “lỗ hổng” góp phần kiểm soát chặt chẽ các loại mặt hàng... “nhạy cảm” này. Với Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu đã được Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp NKPL phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của Nghị định từ đó góp phần kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu ngay từ đầu. Điều này giảm thiểu và khắc phục những “chiêu trò” lách luật của doanh nghiệp và cũng tránh cho Việt Nam trở thành “bãi rác” của thế giới.

Để các văn bản trên triển khai hiệu quả trong thực tế, theo nhiều chuyên gia môi trường, cần phải xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn việc nhập khẩu phế liệu một cách chặt chẽ và cụ thể. Trước hết, cần xây dựng Thông tư quy định bảo vệ môi trường trong NKPL làm nguyên liệu sản xuất và tiến tới xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các loại phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, nếu ban hành được những văn bản này sẽ góp phần rất lớn kiểm soát nghiêm ngặt các tiêu chuẩn môi trường đối với từng mặt hàng phế liệu tránh tình trạng “đánh tráo” phế liệu.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm – Tổng cục Môi trường cho rằng để quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu cần tăng cường công tác giám định, giám sát phế liệu nhập khẩu trong đó bám sát quy định Nhà nước trong quá trình thực hiện công tác thẩm định, chỉ định đơn vị đủ năng lực giám định phế liệu để chứng nhận cho những doanh nghiệp có đủ điều kiện, trang thiết bị và nhân lực giám định. Ngoài ra, các cơ quan giám định cần có giải pháp tự tăng cường năng lực nhằm thực hiện đúng theo các quy định nhà nước về kiểm tra, xác định hàm lượng tạp chất trong phế liệu. Đồng thời, nghiên cứu ban hành quy định, giải pháp kiểm soát số lượng phế liệu được nhập khẩu đúng đối tượng sử dụng và đúng mục đích nhập khẩu.

Thái Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhập khẩu phế liệu: Cần kiểm soát chặt tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO