Làm từ thiện - nét đẹp nhân văn truyền thống
Ngay từ nhỏ, chứng kiến cuộc sống sống vất vả của mọi người người nơi đây, có những hoàn cảnh “ăn không đủ no, mặc không đủ ấm”, các em học sinh trong xã việc học tập thì khó khăn đủ bề, thiếu thốn…vở viết luôn trong tình trạng “5 in 1” có nghĩa là 5 môn được ghi chung một quyển. Điều đặc biệt hơn nữa là khi năm 2010 chương trình phổ cập tin học trong giáo dục được áp dụng, thế nhưng các em học sinh trong xã vẫn còn quá xa lạ với “ngoại hình” của những chiếc máy tính hiện đại. Trước hoàn cảnh đó hội đồng hương Hòa Lộc đã được thành lập năm 2015, với vai trò là giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã.
Nhớ lại quãng thời gian ban đầu thành lập hội, anh Nguyễn Văn Bình (34 tuổi) Chủ tịch hội đồng hương quê chia sẻ: Mong muốn để các em học sinh Hòa Lộc được trang bị máy vi tính, phục vụ việc học, để sau này khi học lên Đại học, Cao đẳng sẽ không thua thiệt với các bạn nơi khác và tự tin hơn về trình độ Tin học của chính mình. Điều đó đã thúc giục bản thân mình phải làm điều gì đó giúp các thế hệ con em quê nhà thoát khỏi tình trạng “mù” Tin học và có cơ hội tốt nhất để phát triển tài năng, năng lực của chính các em, rồi sau này khi các em thành đạt sẽ phụng sự cho quê hương và đất nước.
Thời gian ban đầu khi mới thành lập hội đồng hương chỉ có 4 thành viên, trải qua hơn 2 năm phát triển đến nay con số thành viên trong hội đã lên tới 27. Ban đầu ai ai cũng nghĩ việc thiện của hội theo kiểu “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, tuy nhiên với cái tâm, chữ tín và sự ủng hộ của chính quyền địa phương, hội đã vượt qua mọi khó khăn, từ đó mang lại những suất quà ý nghĩa cho các em học sinh trong xã. Việc trích một khoản lương của các thành viên trong hội hay tạm gác lại công việc hàng ngày để tổ chức các chương trình từ thiện như: máy tính cho em, học bổng vượt khó…là điều mà hội chú trọng. Trải qua một thời gian, thì mọi người trong xã Hòa Lộc cũng hiểu rõ cuội nguồn và lý do làm việc thiện của hội, từ đó ngày càng tiếp thêm động lực để hội phải làm nhiều chương trình từ thiện hơn nữa.
Chia sẻ thêm về cách thức hoạt động của hội, thành viên Đinh Thị Khuyên (30 tuổi) cho biết: Hoạt động chủ yếu của Hội là tổ chức các chương trình đá bóng từ thiện, bán sản phẩm trong các ngày lễ lớn như 8/03, 20-11…từ đó hội đầu tư mua các trang thiết bị như: Máy vi tính, các suất học bổng, hay các phần quà đặc biệt… Phạm vi hoạt động của hội là kêu gọi sự ủng hộ của các cá nhân, tập thể trong nước và mọi người đang lao động ở nước ngoài. Số tiền ủng hộ, tiền từ các hoạt động đều được công khai minh bạch trước sự chứng kiến của đông đảo mọi người.
Lan tỏa giá trị nhân văn
Hơn hai năm hoạt động từ thiện của hội dưới sự nỗ lực, vận động không ngừng nghỉ của các thành viên, hội đồng hương quê tôi Hòa Lộc đã đạt được những kết quả nổi bật như: Tháng 11 năm 2016 tặng 40 giàn máy vi tính, 10 thùng sách tham khảo, tặng 66 suất học bổng giành cho các trẻ em nghèo vượt khó và học sinh giỏi, 5 đồng hồ VOM đo điện và các dụng cụ thí nghiệm thực hành, cho trường THCS Hòa Lộc. Năm 2017 tặng 20 giàn máy tính cho trường Tiểu học Hòa Lộc cho các em học sinh thực hành và phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy của thầy cô, 7 chiếc Tivi LED 40 inch cho trường Mầm Non và nhiều phần quà ý nghĩa khác đối với các hoàn cảnh khó khăn trong xã.
Trước những suất quà vô cùng ý nghĩa của hội, thầy Nguyễn Văn Sơn – Hiệu trưởng trường THCS Hòa Lộc bày tỏ: Cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân xã Hòa Lộc rất cảm kích trước những hành động từ thiện cao đẹp của hội đồng hương Hòa Lộc. Nhà trường xin hứa, sẽ sử dụng các trang thiết bị, máy tính, tài liệu tham khảo đúng mục đích, từ đó nâng cao trình độ tin học cho các em học sinh, đồng thời với những hoạt động từ thiện tốt đẹp đó, nhà trường sẽ lồng ghép vào trong môn Giáo dục công dân, để các em hiểu rõ vai trò cũng như ý nghĩa của những hành động thiện nguyện.
Làm việc thiện nguyện đơn giản là chia sẻ, giúp đỡ người khác. Có người làm việc thiện nguyện khi thấy cần chia sẻ, có người coi đây là công việc cả đời. Dù ở đâu, bất cứ khi nào, xã hội vẫn cần lắm những vòng tay nhân ái, những tấm lòng rộng mở, yêu thương và chia sẻ như thế để người nghèo, người kém may mắn có thêm cơ hội về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nói về những tấm gương sáng trong hội đồng hương Hòa Lộc, anh Đỗ Văn Duẩn – Bí thư Đoàn xã Hòa Lộc cho biết: Anh Nguyễn Văn Bình và các thành viên trong hội là những tấm gương sáng, điển hình trong công tác từ thiện của xã, trong tương lai gần đoàn Thanh niên xã Hòa Lộc sẽ cố gắng nhân rộng mô hình từ thiện này, đồng thời phối hợp với các chi hội trong xã như: Hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi…tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình ý nghĩa, giúp cho các hoàn cảnh, các em học sinh được học tập tốt hơn.
"Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", "Máu chảy ruột mềm", "Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", "Một miếng khi đói bằng một gói khi no” là những giá trị cốt lõi và tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, người dân trong xã Hòa Lộc nói riêng, mong rằng trong một tương lai gần những hoạt động thiết thực, ý nghĩa của hội đồng hương Hòa Lộc sẽ lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi không những trong địa bàn huyện Hậu Lộc mà còn ở những nơi đang cần sự chung tay giúp sức, nơi có những mảnh đời khó khăn.