Nha Trang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lở núi

30/12/2016 00:00

(TN&MT) - Lở núi kinh hoàng xảy ra rạng sáng ngày 20/12 tại Phước Lộc, Phước Đồng, Nha Trang đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, một xóm dân cư với hầu như toàn bộ tài sản bị chôn vùi. Đáng lo ngại, không chỉ khu vực núi Phước Đồng, trên địa bàn TP. Nha Trang đang có hàng chục điểm đứng trước nguy cơ lở núi...

Tại vị trí lở núi tại Phước Lộc, Phước Đồng, vẫn còn những ngôi nhà có nguy cơ bị đất đá chôn vùi
Tại vị trí lở núi tại Phước Lộc, Phước Đồng, vẫn còn những ngôi nhà có nguy cơ bị đất đá chôn vùi

Đường Nguyễn Hoành, thuộc tổ 4, Trường Sơn, Vĩnh Trường, TP. Nha Trang, nhà cửa san sát với vô số những ngõ ngách ngang dọc, nằm ngay chân núi Chụt. Nhiều vị trí, sườn núi dốc đứng. Bà Lưu Thị Nhi, số nhà 12/27 Nguyễn Hoành, kể, đêm 2/11/2016 trời mưa lớn. 3 giờ sáng ngày 3/11, khi 7 người trong gia đình bà đang ngủ thì một cây keo lớn trên sườn núi Chụt, phía sau khu nhà bất ngờ đổ xuống, vắt ngang qua nhà 3 hộ dân, từ số 12/27 đến 12/29. Ngọn cây bị “cấn” bức tường nhà bà nên không trượt xuống. Rất may bức tường xây chắc chắn, nếu không đã làm sập mái căn nhà.

Nhiều điểm dân cư nằm ngay dưới sườn núi nham nhở, hàm ếch, có nguy cơ lở bất cứ lúc nào
Nhiều điểm dân cư nằm ngay dưới sườn núi nham nhở, hàm ếch, có nguy cơ lở bất cứ lúc nào

Bà Nhi và các hộ dân xung quanh đã báo chính quyền nhiều lần, nhưng phường mới chỉ xử lý phát dọn cành ngọn. Phần thân và gốc cây đến giờ vẫn chưa được giải tỏa, khiến người dân lo ngại cây và đất đá trên sườn núi có thể sụp xuống khi gặp mưa lớn.

Tại hiện trường, phần gốc cây đổ còn “dính” trên sườn núi, trong tình trạng “treo” ngay trên mái các nhà số 12/29 và nhà 12/31 Nguyễn Hoành. Trong khi đó, đất đá lở đã đè lấp một phần công trình phụ nhà số 29/31, có những tảng đá lớn nặng hàng tạ.

Cây đổ tại 12 Nguyễn Hoành, Vĩnh Trường đang “treo” trên đầu khu dân cư
Cây đổ tại 12 Nguyễn Hoành, Vĩnh Trường đang “treo” trên đầu khu dân cư

Anh Châu Quốc Vũ, nhà số 12/29 Nguyễn Hoành, bức xúc: “Nhà số 12/29 trước đây đã sập một lần do đá lở, phải xây lại. Giờ không xử lý sớm cây này, gặp mưa lớn nó sẽ kéo theo đất đá đổ sụp xuống nhà chúng tôi. Ban đêm, gia đình tôi không dám ngủ ở nhà, ban ngày về, sống cũng thấp thỏm”.

Khu vực đầu đường Võ Thị Sáu, vị trí tiếp giáp với núi Chụt, thuộc các khóm Trường Hải, Trường Thọ (phường Vĩnh Trường), có hàng chục hộ dân nằm sát chân núi. Nhà ở đây được làm theo kiểu… ruộng bậc thang. Sườn núi đất không có kè chắn, trong khi nhiều ngôi nhà trong tình trạng chênh vênh bên mép vực.

Sau mưa, đất đá từ núi Chụt trôi xuống lấp kín đầu đường Nguyễn Hoành
Sau mưa, đất đá từ núi Chụt trôi xuống lấp kín đầu đường Nguyễn Hoành

Chị Phạm Thị Hương, tổ 2, khóm Trường Hải, Vĩnh Trường chỉ bức tường nhà áp chân núi đang rịn nước, loang lổ rêu mốc, vỡ lủng nhiều chỗ lo lắng: “Đất đá từ phía trên rơi xuống đã gần ngập lút bức tường sau. Đợt mưa trước, đá rơi phá cửa sổ, làm lủng tường. Đá chèn lấp có nguy cơ làm đổ bức tường. Mấy ngôi nhà trên kia mà sạt lở, nhà chúng tôi chắc chắn cũng sập vàbị đất đá vùi lấp. Giờ hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ không dám ở nhà, phải đi ở nhờ”.

Cách vị trí nhà chị Hương chừng hơn 200 m, có một khu dân nằm chênh vênh trên sườn núi Chụt, thuộc tổ 3, Trường Hải. Đợt mưa giữa tháng 12 đã làm sạt lở vách núi ngay phía trước cửa nhà ông Hồ Ngọc Hiệp. Vị trí lở cách chân móng nhà ông Hiệp chỉ chưa đầy1m.

Tại khu vực phía Bắc thành phố Nha Trang, nhiều điểm dân cư bên chân núi Sạn cũng đang đứng trước nguy cơ “hứng” đất đá và lũ từ trên núi. Nguy hiểm nhất là khu dân cư tổ 19, khóm Trường Phúc, phường Vĩnh Phước, nằm ngay dưới một sườn đất dốc đứng, hàm ếch lởm chởm, nhiều tảng đáng lớn trong trạng thái bị hở chân, “treo” chênh vênh trên sườn núi.

/Nhiều ngôi nhà chênh vênh trên sườn núi dốc đứng
/Nhiều ngôi nhà chênh vênh trên sườn núi dốc đứng

Chị Phạm Thị Mỹ Loan, có nhà nằm sát sườn núi, kể; Đêm 12/12/2016 trời mưa lớn. Gần nửa đêm, nước chảy xiết, kèm đá rơi, chị hoảng quá gọi chồng di tản xuống nhà mẹ ngủ nhờ, phòng khả năng đá lở làm sập nhà. Khi cả nhà còn chưa kịp đi thì bức tường giáp núi bị nước và đá đẩy sập. Nước tràn vào nhà như thác, kéo theo đất đá. Từ ngày đó, gia đình chị bỏ nhà, sơ tán hẳn xuống đằng ngoại ở nhờ.

Ông Dương Văn Thanh, hàng xóm của chị Loan, ngao ngán: “Nửa đêm, gà gáy, hễ mưa to là phải chạy ra ngoài. Nước như thác, đất đá rơi như mưa, sống ở đây “hồi hộp” lắm!”.

Một điểm khai thác đá trái phép trên núi Sạn
Một điểm khai thác đá trái phép trên núi Sạn

Phía triền nam núi Sạn, trong những đợt mưa lớn đầu tháng 12 đã xảy ra sạt lở ở nhiều vị trí, may chỉ lở quy mô nhỏ. Khảo sát của phóng viên, dọc những con đường chạy theo chân núi, có rất nhiều điểm đang có nguy cơ sạt lở, chủ yếu thuộc tổ 15, khóm Ngọc Sơn, Ngọc Hiệp, trong đó, nguy hiểm nhất là các điểm dân cư từ số nhà 260 đến 274, 380 đến 434 đường Ngô Đến; khu dân cư ngõ 302 Ngô Đến, Ngọc Hiệp; khu vực giáp Trường Tiểu học Ngọc Hiệp trên đường Trần Điền.

Đáng lo ngại, nhiều vị trí tại núi Sạn, trên đỉnh cũng như chân núi đang bị đào bới để khai thác đá chẻ, hoặc móc đất vào lòng núi tạo mặt bằng bán đất, làm nhà, khiến chân núi bị hẫng. Nguy cơ sạt lở núi ở nhiều vị trí tại đây chỉ là chuyện sớm muộn.

NguyễnVăn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nha Trang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lở núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO