Nhà thầu "kêu trời" vì người dân tự ý lấy vật liệu thi công

31/07/2014 00:00

(TN&MT) - Một khối bê tông nhựa trên thị trường có giá khoảng 4 triệu đồng, nếu người dân lấy xe rùa đong thì được khoảng được 10 xe, mỗi xe được 400 nghìn...

(TN&MT) - Một số nhà thầu khi đang thi công Công trình Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn chạy qua huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), đang hằng ngày "kêu trời" vì gặp phải việc người dân "vô tư" lấy vật liệu xây dựng trên công trình đang thi công để sử dụng vào mục đích riêng.

 

Người dân tự ý lấy vật liệu thi công...

 

Đi dọc Quốc lộ 1A đoạn đang được thi công nâng cấp, mở rộng chạy qua huyện Lệ Thủy, và huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) không khó để có thể thấy những lối rẽ vào nhà dân, rẽ vào đường dân sinh được hoàn thiện bằng đá cấp phối hoặc bê tông nhựa. Khi được hỏi, các cán bộ và công nhân đang thi công cho biết: Một số hộ dân sống ven đường đã tự ý xúc vật liệu xây dựng trên Quốc lộ để thi công đường dân sinh và đường vào nhà mình, một số mang về sử dụng vào mục đích riêng (?). Khi gặp phải sự ngăn cản của những cán bộ, công nhân đang thi công thì người dân ngang nhiên thách thức. Phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đã đến hiện trường và ghi nhận sự việc.

Người dân tự ý san gạt bê tông nhựa xuống đường dân sinh.

Một cán bộ thi công tại đoạn đường qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy (thuộc gói thầu của Công ty TNHH Phúc Lộc) cho biết: Chúng tôi đã hỗ trợ tạo điều kiện làm lối đi bằng đá dăm cho người dân thuận tiện trong việc di chuyển từ Quốc lộ vào đường dân sinh hoặc vào nhà. Nhưng nhiều người dân không hài lòng, họ đòi phải dừng xe để họ xúc đá hoặc bê tông nhựa để dùng theo ý muốn của họ. Trong điều kiện Quốc lộ đang thi công dang dở, hành động của người dân không những gây khó khăn cho nhà thầu mà những "yêu sách" của họ hoàn toàn không được chấp nhận trong thiết kế kỹ thuật.

Ngày 29/7, có mặt tại hiện trường ở huyện Lệ Thủy, chứng kiến đoạn đường đã được các đơn vị thi công rải đá cấp phối, bê tông nhựa và tiến hành san và đầm nén, nhưng những người dân vẫn xúm vào để lấy…, táo tợn hơn nhiều người vào tận máng xe để xúc mang về sử dụng vào mục đích riêng. Khi bị các các bộ công nhân thi công ngăn cản, giải thích thì nhiều người còn biểu hiện thái độ hung hãn đòi đánh đập những cán bộ thi công, không ít lời văng tục, đe dọa đã được vung ra. 

Được biết, nhiều trường hợp người dân ngăn cản việc thi công, yêu cầu dừng xe để xúc vật liệu, chiếm dụng vật liệu thi công làm của riêng nhưng nhà thầu đành phải lắc đầu ngao ngán và "bó tay" trong việc xử lý. Nguyên nhân của vấn đề này là do cán bộ, công nhân lo sợ bị đánh. Mặt khác, vì đặc thù công trình, các loại vật liệu như bê tông nhựa một khi đã trộn thì phải thi công ngay, nếu bị ngăn cản không cho thi công thì bê tông nhựa sẽ bị hỏng, thiệt hại rất lớn nên nhà thầu đành phải nhắm mắt… chịu trận.

Giải thích vấn đề này, một kỹ sư đang thi công công trình nói: Chúng tôi đã ngăn cản nhưng bị người dân đe dọa, đồng thời chặn xe và đòi phải hoàn thành đường dân sinh trước mới cho tiếp tục thi công đường Quốc lộ. Chúng tôi đều là người ở tỉnh xa đến nên luôn cố gắng giữ hòa khí với người dân bản địa. Thêm vào đó, anh em phải chịu trách nhiệm quản lý một khối lượng máy móc thi công rất lớn… nên không ai dám chống lại một số người dân hung hãn. Đặc biệt, sau khi nghe tin có một công nhân của Công ty TNHH Thanh Bình đang thi công gói thầu số 12 thuộc Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A bị một đối tượng là người dân địa phương ở xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh) đánh đến ngất xỉu vào ngày 25/7, nên nhiều công nhân, kỹ sư không dám ngăn cản. "Tôi đã thi công nhiều công trình từ Bắc đến Nam nhưng chưa nơi nào chúng tôi ghi nhận trường hợp người dân hành xử như thế này (!)", một cán bộ kỹ thuật nói.

Đá rải làm đường cũng bị người dân ngang nhiên lấy về.

... Một "rùa" bê tông nhựa là 400 ngàn, 10 "rùa" tiền triệu

Khi phóng viên đến ghi nhận tại hiện trường, người dân không hề tỏ ra lo sợ và còn thách thức. Chứng kiến tình trạng nhiều người dân xúc cả đá cấp phối loại 1 đã được rải và lu nén giữa đường, nhiều kỹ sư tỏ thái độ lo ngại đến chất lượng công trình. Được biết, đặc tính của một số loại vật liệu như đá cấp phối một khi thi công đòi hỏi phải có một sự liên hoàn trước đến sau, có như vậy các hạt đá mới có sự liên kết với nhau vững chắc, nếu xuất hiện một khoảng trống (do bị người dân xúc đi) thì việc rải đá, vá lại cũng như lu nén gặp rất nhiều khó khăn và chất lượng công trình sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Lê Vũ Thức, Chỉ huy trưởng công trường gói thầu số 12 thuộc Công ty TNHH Thanh Bình cho biết: Trong khi thi công công trình Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, việc đầu tiên là ưu tiên hoàn thành tốc độ xây dựng Quốc lộ. Sau khi việc thi công mặt đường hoàn tất, nhà thầu sẽ triển khai các phương án làm đường dân sinh hoặc đường vào nhà dân phù hợp với điều kiện thực tế. Nhưng tất cả phần việc này sẽ có phương án triển khai sau khi hoàn thành mặt đường Quốc lộ. Trường hợp người dân tự ý cào bê tông nhựa, đá cấp phối với khối lượng lớn và tự ý rải ở đường dân sinh, hoặc đường vào nhà mình như vậy là phá hoại công trình và việc thi công của nhà thầu. 

Được biết, 1 khối bê tông nhựa khoảng 2,4 tấn (giá tương đương 4 triệu), nếu lấy xe rùa (xe người dân thường dùng để xúc vật liệu) đong thì khoảng được 10 xe (mỗi xe rùa bê tông nhựa khoảng 400 ngàn đồng). Đối với bê tông nhựa, tính ra một người dân xúc 1 xe là 400 ngàn, xúc 10 xe bê tông nhựa đã là tiền triệu. Nên khi thi công qua nơi đông dân cư, chỉ cần mỗi hộ dân xúc vài xẻng đã gây thiệt hại rất lớn đối với đơn vị thi công, anh Thức cho biết.

Một xe "rùa" chở bê tông nhựa có giá bốn trăm nghìn đồng.

Chiều 29/7, tiếp xúc với phóng viên, ông Lê Văn Thủy, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Giao thông Nông thôn, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình xác nhận việc người dân lấy các vật liệu thi công trên Công trình Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A là có. Theo đó, ngày 10/7/2014, Ban quản lý đã có ý kiến và huyện Lệ Thủy đã có công văn gửi các xã nơi đang thi công Công trình Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A. Trong đó, chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu thi công công trình đảm bảo đúng tiến độ và đề nghị địa phương vận động tuyên truyền cho người dân hiểu rõ.

 Trong khi đó, ngày 29/7, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết: UBND xã chưa ghi nhận trường hợp các nhà thầu báo cáo việc người dân lấy vật liệu thi công trên Quốc lộ 1A. Nhưng như đã nói ở trên, trong ngày 29/7 và trước đó, tại công trường thi công đoạn chạy qua địa bàn xã Hồng Thủy thì tình trạng hàng chục người dân lấy vật liệu (cụ thể là bê tông nhựa), để rải đường dân sinh và đường từ Quốc lộ vào nhà riêng vẫn diễn ra một cách công khai. Tình trạng này xảy ra nhưng không hề thấy một đơn vị chức năng nào ra ngăn cản. Những kỹ sư đang thi công tại đoạn đường này cho biết, đã báo với chính quyền xã nhưng xã lại không có động thái gì (?!).

Anh Nguyễn Hải Dương, tư vấn giám sát công trình thuộc gói thầu số 12 Công ty TNHH Thanh Bình cho biết: Việc người dân xúc đá cấp phối với khối lượng lớn để rải vào đường dân sinh cũng như đường vào nhà đã gây thiệt hại không nhỏ đến đơn vị thi công. Tính ra, trong 6km đường mà đơn vị đang thi công bị thất thoát và lãng phí đến 5 - 7 ngàn mét khối đá cấp phối, thiệt hại lên tới cả tỷ đồng.

"Một buổi nếu điều kiện bình thường chúng tôi sẽ hoàn thành việc rải khoảng 250 tấn bê tông nhựa, nhưng hôm nay do người dân vào xúc vật liệu cũng như ngăn cản thi công nên tiến độ giảm xuống còn 170 - 180 tấn/ buổi. Mặt khác, người dân xúc bớt vật liệu xây dựng khi công nhân cùng máy móc đang làm việc không những ẩn chứa nhiều tai nạn mà chất lượng công trình sẽ sút giảm nghiêm trọng. Hy vọng, các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn tình trạng này" - một kỹ sư đang thi công cho biết.

Bài và ảnh: Hải Tân - Anh Dũng

  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà thầu "kêu trời" vì người dân tự ý lấy vật liệu thi công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO