Nhà máy cồn Công ty CP Mía đường Lam Sơn gây ô nhiễm nhiều năm

10/09/2013 00:00

(TN&MT) - Nước thải của Nhà máy cồn thuộc Cty CP Mía đường Lam Sơn (một trong 200 DN xuất sắc nhất Châu Á – Thái Bình Dương), gây bức xúc nhân dân.

   
(TN&MT) - Hàng trăm hộ dân huyện Thọ Xuân ngày đêm phải hứng chịu sự ô nhiễm từ các hồ chứa nước thải trong nhiều năm. Nguồn nước ngầm bị hủy hoại và ô nhiễm trầm trọng. Thậm chí hàng chục hécta lúa của nhân dân đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Đó là những thực tại đáng buồn đã và đang xảy ra trong nhiều năm qua do nước thải của Nhà máy cồn thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (một trong 200 Doanh nghiệp xuất sắc nhất Châu Á – Thái Bình Dương), gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
   
Hồ nước thải lộ thiên – nỗi “ác mộng” của trong nhiều năm của các hộ dân
   
“Ác mộng” ô nhiễm?
   
  Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, không khó để chúng tôi lần tìm về “thượng nguồn” của nước thải. Hồ nước thải của Nhà máy cồn thuộc địa phận xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, là một hồ tự nhiên với tên gọi hồ Bặn và chỉ cách đường Hồ Chí Minh chưa đầy 300 m. Mục sở thị chúng tôi không khỏi bàng hoàng bởi sự ô nhiễm. Bề mặt hồ nơi đâu cũng một màu nâu đen, nổi váng, sủi bọt và không ngừng bốc mùi hôi thối nồng nặc. Cách không xa là cống thoát nước thải nối liền hồ Bặn với kênh mương sinh hoạt của dân cư. Tại đây, dòng nước đen kịt vẫn không ngừng chảy và được đổ thẳng vào các kênh mương nội đồng của nhân dân.
   
  Một người dân ở xã Thọ Xương gần hồ nước thải bức xúc cho biết: Trước kia khi chưa xây dựng Nhà máy cồn, không khí ở đây rất trong lành, tuy nhiên gần 10 năm trở lại đây khi nhà máy đi vào hoạt động thì “cơn ác mộng” ô nhiễm cũng đeo đẳng người dân được ngần ấy năm. Nước thải chưa qua xử lý được đổ thẳng ra hồ lộ thiên sát khu dân cư bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đặc biệt là vào vụ sản xuất chính thì việc ô nhiễm còn khủng khiếp hơn nhiều. Hầu như nhà nào cũng phải thiết kế một “phòng đặc biệt” dành cho người già và trẻ nhỏ. Phòng này không cửa sổ, không ánh sáng mặt trời, phải kín hoàn toàn và có điều hòa thì mới giúp những người dân nơi đây tồn tại được. Mùi hôi thối nồng nặc gây ra nhiều bệnh về đường hô hấp cho người dân địa phương như viêm xoang, rối loạn hô hấp…
   
Dòng nước đen kịt, hôi thối vẫn không ngừng chảy?
    
   
  Không những thế, nguồn nước ngầm người dân từ lâu đã không dám sử dụng vì có váng đục, mùi khét…Vào mùa mưa thì nước thải hôi thối, đen kịt lênh láng ngoài đồng ruộng, khắp đường làng, nhiều khi tràn vào các hộ dân. Điển hình như mưa to kéo dài cuối tháng 7/2013 vừa rồi khiến nước thải tràn cả qua tường rào và đổ ào ạt ra ngoài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, theo người dân các con kênh dẫn nước thải được đổ thẳng ra sông Chu – một trong những con sông lớn cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng nghìn hộ dân của tỉnh Thanh Hóa.
   
Những vụ “lúa đắng”
   
  Tiếp tục hành trình “xuôi dòng” nước thải đến thôn Đoàn Kết, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân. Nơi đây có thể nói là bị ảnh hưởng nặng nề nhất do việc xả thải của Nhà máy cồn. 17 ha lúa đang trổ đòng cùng 3 ha mía ngập chìm trong nước thải nhiều ngày cuối tháng 7/2013. Chỉ tay về những sào ruộng cháy khô, nằm rạp không một hạt lúa chị Phạm Thị Hoan ở thôn Đoàn Kết chua xót: Cuộc sống của gia đình tôi 5 người không biết sẽ như thế nào khi 2 sào lúa đương thì dần dần đổ gục và cháy héo do ngấm nước thải, vụ này chắc chắn sẽ là vụ “lúa đắng” đối với người dân thôn Đoàn Kết.
   
  Cùng chung tâm trạng đó, chị Lê Thị Hà cho biết: Do lúa ngập sâu trong nước thải quá nhiều ngày nên cánh đồng thôn Đoàn Kết bạt ngàn một màu vàng cháy. Nước thải của mật rỉ bám sâu vào thân, lá và hạt lúa, gây nên hiện tượng cháy lá, gập thân và lép hạt. Nhiều hộ dân tự cứu mình bằng cách phun thuốc giảm thiệt hại nhưng phun đến 4 lần như nhà chị cũng chưa thấm vào đâu. Theo chị Hà năm nào cũng xảy ra hiện tượng nước thải ngập vào ruộng nhưng năm nay là nặng nhất vì cứ khi nào mưa to là nhà máy “tiện tay” xả thải?.
   
Dòng nước ô nhiễm theo kênh mương nội đồng rồi tràn lan ra đồng ruộng
    
   
  Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường về vấn đề này, ông Lê Văn Thanh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn cho biết: Việc nước thải Nhà máy cồn tràn gây ngập úng trên diện rộng ở thôn Đoàn Kết là hoàn toàn có thật, công ty sẽ có phương án chính sách, đền bù thỏa đáng nếu người dân bị thiệt hại(?!). Tuy nhiên, việc ô nhiễm không khí do hồ chứa nước thải lộ thiên và ô nhiễm nguồn nước ngầm thì ông Thanh lại khẳng định là không có mà sạch bong hoàn toàn? Việc lợi dụng trời mưa để xả thải theo người dân phản ánh, thì ông Thanh bác bỏ hoàn toàn(?!). Khi được PV hỏi nước thải không qua xử lý, không thải ra ngoài, vậy nhiều năm qua đã đi đâu, thì nhận được câu trả lời là tưới cho mía(?!). Thiết nghĩ, những gì đã và đang xảy ra trên thực tế trái ngược hoàn toàn với những gì ông Thanh khẳng định.
   
  Được biết, Nhà máy cồn đi vào hoạt động năm 2004 với diện tích 8 ha, dây chuyền sản xuất đạt 25 triệu lít/năm và hồ nước thải rộng 5 ha sức chứa trên 180.000 m3. Trong Biên bản kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa ngày 23/07/2013 đối với nhà máy có ghi rõ: Công trình xử lý nước thải của Nhà máy cồn xây dựng không đúng thiết kế đã được phê duyệt trong ĐTM và trong bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Cùng với đó là 2,5 tấn chất thải nguy hại gồm bao amiăng, bông thủy tinh,… không được thu gom xử lý theo quy định, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tại thời điểm kiểm tra lưu lượng nước xả ra kênh đạt 400 m3/ngày đêm, gấp 8 lần lưu lượng nước được phép xả theo giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và còn gấp hàng chục lần mới gây ra tình trạng ngập lụt ở thôn Đoàn Kết.
   
Người dân thẫn thờ, chua xót vì đồng ruộng chết cháy, nằm rạp do nước thải
    
   
  Việc ô nhiễm từ Nhà máy cồn của Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn trong nhiều năm đã quá rõ ràng và để lại nhiều hệ lụy xấu, gây bức xúc và mất niềm tin ở  người dân địa phương.
   
        
Đầu tháng 8/2013, 3 công nhân Nhà máy cồn khi đang vệ sinh bể nước thải đã gặp nạn vì khí độc dưới đáy bể phun trực tiếp vào mặt, một trong số đó tử vong ngay tại chỗ. Hai công nhân tử vong sau đó ít ngày vì khí độc tràn quá sâu vào cơ thể. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
        
    
                                           
 Bài & ảnh:Anh Tú - Thanh Tâm
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà máy cồn Công ty CP Mía đường Lam Sơn gây ô nhiễm nhiều năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO