Nhà đầu tư thứ cấp chuyển nhượng, bỏ hoang đất có thể bị thu hồi

10/09/2015 00:00

 (TN&MT) - Tình trạng nhà đầu tư thứ cấp tại các khu công nghiệp sau khi thuê đất nhưng lại không triển khai dự án, chuyển nhượng, để bỏ hoang đang diễn ra  ở nhiều địa phương. Để xử lý tình trạng này, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Quy định sửa đổi, bổ sung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất… Theo đó, những trường hợp trên có thể bị lập hồ sơ thu hồi đất.

Khó xử lý vì… không có chế tài

Hiện các địa phương đang áp dụng điểm I, khoản 1, điều 64, Luật Đất đai 2013 để xử lý đối với dự án bất động sản, kinh doanh, sản xuất đã được quy định tại là dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng. Trong trường hợp nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thờii gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng. Tuy nhiên, đối với những hành vi vi phạm như trên nhưng đối với nhà đầu tư thứ cấp thì lại chưa có điều nào trong Luật đất đai quy định mà hiện tượng này lại xảy ra khá phổ biến tại các tỉnh, thành hiện nay.

Đơn cử, như tại tỉnh Long An,, UBND tỉnh đã báo cáo với HĐND trong một cuộc họp gần đây, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt khoảng 80%, nhưng khi Hội đồng đi kiểm tra thực tế thì việc đưa vào sử dụng hiện chỉ đạt 30 – 40%. Nguyên nhân là do việc nhà đầu tư thứ cấp thuê đất nhưng không xây dựng, cố tình kéo dài thời gian chuyển nhượng.

Các khu công nghiệp sau khi thuê đất nhưng lại bỏ hoang đang diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh: MH
Các khu công nghiệp sau khi thuê đất nhưng lại bỏ hoang đang diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh: MH

“Trước đây, Luật 2003 yêu cầu nhà đầu tư thứ cấp phải xây nhà xưởng mới cho chuyển nhượng. Nhưng, luật mới lại cho chuyển nhượng mà không cần xây dựng mà không có chế tài xử lý. Điều này dẫn tới tình trạng nhà đầu tư “ôm” đất hay treo dự án, gây thất thoát nguồn thu thuế, và mất cơ hội cho các nhà đầu tư khác mà chưa thể xử lý được”, ông Nguyễn Thanh Cang, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An nói.

Sẽ lập danh sách và thu hồi

Để giải quyết vấn đề này, tại điều 31, Dự thảo “Nghị định Quy định sửa đổi, bổ sung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai” do Bộ TN&MT soạn thảo, đang lấy ý kiến địa phương, bộ, ngành thì yêu cầu đặt ra đối với UBND cấp tỉnh là phải có trách nhiệm hàng quý, năm chỉ đạo các Sở, ngành kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời đối với trường hợp đất thuê lại trong khu công nghiệp nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng so với tiến độ đã giao kết trong hợp đồng thuê lại đất trong khu công nghiệp.

Chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (bên cho thuê đất trong khu công nghiệp) khi ký hợp đồng cho thuê lại đất trong khu công nghiệp với nhà đầu tư thứ cấp phải quy định rõ cụ thể tiến độ sử dụng đất tương ứng với tiến độ thực hiện dự án đầu tư và biện pháp xử lý nếu bên thuê lại đất không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ sử dụng đất giao kết trong hợp đồng thuê lại đất. Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trước Nhà nước và pháp luật về việc quản lý, sử dụng đất trong khu công nghiệp; có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc bên thuê lại đất đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ sử dụng đất đã giao kết trong hợp đồng thuê lại đất.

Đối với trường hợp bên thuê lại đất không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ sử dụng đất giao kết trong hợp đồng thuê lại đất thì thực hiện như sau: Chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp yêu cầu bên thuê lại đất thực hiện biện pháp xử lý đã giao kết trong hợp đồng thuê lại đất hoặc có quyền đơn phương áp dụng biện pháp xử lý đã giao kết trong hợp đồng thuê lại đất. Chủ đầu tư phải lập danh sách các trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, Sở TN&MT nơi có đất.

Về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước cụ thể là Sở TN&MT các tỉnh, dự thảo nêu 2 phương án xử lý: Phương án 1, Sở TN&MT nơi có đất có trách nhiệm đăng công khai doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất trên Cổng thông tin điện tử của khu công nghiệp, của địa phương, của Bộ TN&MT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm căn cứ xem xét áp dụng chế tài theo quy định của pháp luật về đầu tư và xem xét điều kiện đối với doanh nghiệp khi xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khác tại địa phương và các địa phương khác.

Phương án 2, Sở TN&MT nơi có đất lập hồ sơ thu hồi đất trình UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ sử dụng đất giao kết trong hợp đồng thuê lại đất trong khu công nghiệp.

Trường hợp đất thuê, thuê lại trong khu công nghiệp trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng thì UBND cấp tỉnh nơi có đất chỉ đạo rà soát, xử lý theo quy định theo pháp luật đất đai năm 2003. trường hợp đất thuê, thuê lại trong khu công nghiệp sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng thì chỉ đạo rà soát, xử lý theo quy định của Nghị định này.

Trường Tuyết

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà đầu tư thứ cấp chuyển nhượng, bỏ hoang đất có thể bị thu hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO