1 - Không như các khoa khác, sinh viên báo chí ngay từ khi vào trường đã tập tọe viết, tập tành chụp ảnh. Rồi ngay từ giữa học kỳ I của năm thứ Nhất đại học, nhận nhuận bút 18.000 đồng của Báo Hà Tây năm 1993 trả cho tác phẩm đầu đời, hắn cứ lâng lâng.
Mỗi tháng vài lần, các bài viết của hắn được đăng đều đặn hơn trên Hà Nội Mới, Hà Tây, Người Công giáo Việt Nam, Hoa Học Trò… mà nhuận bút mỗi bài trị giá bằng cả tháng học bổng loại B, khi ấy, khiến hắn vừa đi học, vừa ham đi thực tế để viết.
Mỗi lúc theo các anh chị phóng viên đi cơ sở với “vai đeo máy ảnh, tay cầm ghi âm”, được xưng là phóng viên, được người dân gọi là “Nhà báo”, hắn lâng lâng nghĩ mình sắp thành… Nhà báo thật chứ chẳng chơi.
Sẵn sàng "xuất kích". Ảnh: Hoàng Minh |
Ra trường, hắn về tờ báo tỉnh thử việc. Sẵn có năng khiếu lại ngoan và biết điều, nên ở cơ quan, hắn được các cô, chú kèm cặp, dạy nghề chu đáo. Về nhà, mỗi khi cầm tờ báo có bài của con, bố hắn lại góp ý: “Lẽ ra con phải bổ sung thông tin như thế này. Giá như con chọn góc bấm máy ở đây, bố cục ảnh sẽ chặt hơn…” khiến hắn ngày càng vững nghề.
Nhờ chịu khó đi và viết, nhờ cuối ngày chăm chỉ ở lại đọc morat giúp các anh chị Phòng Thư ký Tòa soạn, tin bài của hắn hầu như số nào cũng có. Thử việc được vài tháng, hắn được chú Phó Tổng Biên tập gọi lên phòng khen: “Được đấy con giai. Làm báo mà biết Bắn súng hai tay - Đi xe phân khối lớn - Uống rượu cả ngày như mày là được. Chú sẽ đề nghị cho cháu sớm vào biên chế.
Cố gắng hơn nữa nhé”. Ra khỏi phòng, hắn lâng lâng nghĩ “bắn súng hai tay… tức là vừa viết vừa chụp ảnh, rồi lại biết uống rượu cả ngày nữa sẽ dễ lấy tin khi đi cơ sở…”, chắc chắn sẽ có ngày mình thành… Nhà báo.
2 - Thoắt cái, hắn đã có hơn 10 năm làm báo. Cái tư tưởng mà một đàn anh dạy hắn khi vào nghề “Đời người làm nghề báo cũng như cầu thủ bóng đá, đừng coi việc mình chuyển câu lạc bộ, chuyển cơ quan là cái gì ghê gớm” khiến hơn 15 năm vào nghề, hắn đã chuyển qua đến 6 cơ quan.
Từ Hà Tây đến Nông thôn Ngày nay. Từ Xây dựng qua VnExpress đến Tạp chí Vật liệu Xây dựng rồi về Tài nguyên và Môi trường… ở đâu, hắn cũng nhanh chóng hòa nhập và vào nhóm những phóng viên có nhuận bút cao nhất tòa soạn.
Nghề nghiệp đã đưa bước chân của hắn đi nhiều nơi. Sự say mê với nghề viết, tính cẩn thận trong bảo mật thông tin, lòng trung thành với ngành… đã khiến hắn được các lãnh đạo ở các ngành mà hắn làm việc tin tưởng cho phép theo dõi, đưa tin ở những cuộc họp quan trọng. Từ những cuộc họp đó, hắn nắm bắt được nhiều ý tưởng và một ngày hắn chuyển sang… kinh doanh. Hắn mơ màng có ngày hắn vừa là Nhà báo, vừa trở thành “Doanh nhân thành đạt”.
Lao vào kinh doanh nhưng hắn vẫn giữ nghề viết. Hắn vẫn làm nhưng tin bài không nhiều và lòng đam mê với chẳng còn nguyên vẹn như trước. Vốn liếng của vợ chồng tích cóp trong bao nhiêu năm, hắn đổ cả vào tham gia cổ phần.
Nhìn hắn bảnh bao trong những bộ đồ hàng hiệu, chứng kiến hắn “lên xe xuống ngựa” trên những xế hộp đắt tiền… bạn bè đều mừng cho hắn. Duy chỉ có bố hắn, người vui đặc biệt vui mừng khi hắn đỗ Đại học rồi theo nghề Báo mà ông đã gắn bó cả cuộc đời, là thở dài: “Thương trường là chiến trường con ạ. Bố vẫn mong con theo nghề báo”.
Lao vào kinh doanh hắn mới thấu hiểu thương trường còn hơn cả chiến trường. Những “vốn liếng”, những “kinh nghiệm” trong kinh doanh tích cóp được trong hơn chục năm làm báo chưa đủ để hắn chống chọi với cơn bão khủng hoảng kinh tế những năm 2010 - 2011. Công ty sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng theo công nghệ mới mà hắn “đi tắt đón đầu” cũng dần lâm vào bế tắc. Tài sản của vợ chồng hắn ky cóp từ Hà Nội đến Sài Gòn đã bay theo hoài bão và ước mơ trở thành “Doanh nhân thành đạt”.
“Thua keo này ta bày keo khác”, không làm doanh nhân mình sẽ trở thành “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Vậy là hắn lại mang kiến thức nhà nông mà những năm làm báo Nông thôn Ngày nay đổ vào trang trại ở quê nhà. Về trang trại, hắn đem kiến thức học được, chặt hết cây trên bờ để tạo độ thoáng cho ao, trồng cỏ voi khắp vùng quanh bờ thửa để làm thức ăn cho bò, cho cá. Trang trại của hắn chỉ 1 năm, đã có dáng nên hình. Chứng kiến hắn lao động, hắn gửi trọn tình yêu vào đất, hắn chăm đàn vịt, lứa gà. Cùng hắn thức trọn đêm trông lợn nái sinh sản, tự tay chăm bò ốm, hoặc hỳ hục đắp bờ, be ao trước trận mưa lũ… ai cũng tin hắn thành công. Cuối năm, nằm trong căn lều hun hút gió lộng. Hắn bảo vợ: “Năm nay, anh thu được 270 triệu”. Vợ hắn mừng húm. Nhưng chỉ hắn mới biết, năm nay, hắn đầu tư gần 400 triệu đồng. Nhưng hắn hy vọng: “Làm trang trại ban đầu ai không bỏ tiền ra đầu tư như vậy. Hai ba năm sau sẽ có thu”.
3 - Khi trang trại của hắn bắt đầu nên dáng, thành hình, trong một đêm, về “lều cỏ” hưởng không khí hương đồng gió nội với hắn, khi đã ngà ngà, mấy ông anh trong nghề đang làm lãnh đạo ở một số cơ quan báo chí lôi hắn ra trách móc: “Chú đầu óc có vấn đề à? Khi chú lao vào kinh doanh, thấy lương chú em cao gấp mấy lần lương anh nên bọn anh không dám nói gì. Giờ chú làm trang trại thế này, thời gian đâu mà đi, mà viết. Anh tiếc cho cái nghề của chú. Quay lại hẳn với nghề đi em”.
Đêm ấy, trằn trọc không ngủ, niềm đam mê trỗi dậy, hắn quyết định bỏ hẳn trang trại, xin thôi không làm ở Tạp chí và xin chuyển về Báo Tài nguyên và Môi trường. Mất vài tháng bỡ ngỡ, hắn quen dần với ngành.
Sẵn kinh nghiệm làm báo điện tử từ thời tác nghiệp ở TP. HCM, nơi được coi là sôi động nhất của đời sống báo chí nước nhà, hắn nhanh chóng bắt kịp công việc ở tòa soạn. Rồi lại những chuyến công tác dài ngày từ miền núi đến miền biển, từ vùng cao Tây Bắc đến miệt vườn Tây Nam Bộ, niềm đam mê nghề nghiệp trở lại trong hắn.
Trở lại nghề, hắn đam mê đi, đam mê viết… hắn vui một, người thân của hắn vui mười. Đêm tháng 6, Hà Nội vẫn hầm hập như đổ lửa. Bên ly kem lạnh ở Hồ Tây lặng gió, hắn thì thầm với vợ: Chắc chắn, quãng đời còn lại anh chỉ làm… Nhà báo.
Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 2016
Ngọc Minh Châu