Nguyện một đời làm vọng phu cửa biển

Lê Khanh| 05/03/2020 11:03

(TN&MT) - 20 năm qua, ngày nào chị cũng ra biển để ngóng bóng dáng những con tàu với hi vọng một phép nhiệm màu chồng chị từ biển trở về.

Dẫu vẫn biết điều đó không bao giờ trở thành hiện thực, song, sóng biển và những ghe tàu đã làm chị ấm lòng, vơi bớt cô đơn. 20 năm chị nhặt ốc đinh mưu sinh, 20 năm làm bạn với sóng biển và bờ cát dài vô tận. Người đàn bà ấy là Nguyễn Thị Bình ở Bãi Nhái phường 12 thành phố Vũng Tàu.

Đêm mò ốc đinh, ngày ngóng chồng từ biển trở về

Người đàn bà 56 tuổi mà chúng tôi gặp đầu tiên sau khi vượt hơn 3 km đường ổ gà ổ trâu và đồi cát trơ trọi là Nguyễn Thị Bình. Căn chòi chắn bằng những tấm tôn hỏng và gỗ mục chơ vơ hướng ra biển là tổ ấm của chị. Thấy người lạ, chị ngẩng đầu lên khỏi xô ốc đinh mò lúc nửa đêm từ biển. “Anh, chị mua ốc à? Mua đi, tui bán cho. Chỗ này còn hơn ba ký, tui lấy 150 ngàn thôi”. Thấy vẻ xởi lởi, tôi vào đề luôn.

- Chị làm nghề này lâu chưa?

- 20 năm rồi. Có một mình hà. Ăn chẳng bao nhiêu nhưng phải làm cho đỡ tủi thân. Ngày nào tui cũng dậy từ 2 giờ sáng mò ốc đinh.

Như tìm được người để mở tấm lòng, chị Bình bắt đầu kể chuyện đời của người đàn bà góa bụa bằng ánh mắt buồn nhìn ra biển. Quê chị xã Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ cách căn chòi của chị hơn 20 km, nhưng chị ít có dịp về thăm kể từ ngày chồng chị mãi mãi nằm lại biển khơi.

Chị Nguyễn Thị Bình ở Bãi Nhái, phường 12, thành phố Vũng Tàu

Năm 1985, cô gái Nguyễn Thị Bình chị quen chàng trai Hoàng Hải Sơn trong một lần đi Hội Nhà Lớn. Tình yêu của họ chớm nở sau 2 tuần khi biết gia đình chàng trai có nước da đen nhẻm búi tóc tó sống ở Làng Nứa trên núi. Gốc là con nhà giàu có, ba làm chủ tàu, nên việc Sơn cưới gái nhà nghèo lúc đó không đơn giản. Khi biết con trai không theo ý “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, ba mẹ Sơn quyết ngăn cản.

Ông tuyên bố thẳng thừng “Lấy nó thì bỏ tao, mày chọn đường nào”?. Không thể cưới người mình không yêu thương, Sơn chấp nhận từ biệt gia đình cùng người yêu đi tìm hạnh phúc. Tổ ấm của họ cạnh sườn Núi Nứa Long Sơn. Ngày ngày Sơn đi chặt nứa, đan mành, Bình gánh nước thuê cho chủ ghe tàu và những nhà giàu quanh xóm. Cuộc sống bần hàn càng làm tình yêu của họ bền chặt.

10 năm qua mau, cái nghèo vẫn đeo bám họ. Sơn bàn với vợ sắm ghe ra khơi đánh cá. Được bạn bè giúp vốn, họ tạu được chiếc ghe cào đánh bắt xa bờ. Chuyến đầu tiên đi biển thuận buồm xuôi gió. Có tiền, Sơn trả nợ và sắm ngư cụ cho những chuyến biển sau. “Tui không ngờ, chuyến đi biển thứ ba là lần chia tay mãi mãi. Lúc anh ấy đi, tui còn mua thêm 2 gói thuốc rê và gói ruốc tôm phòng trừ ngày biển động lấy cái mà ăn. Anh còn hứa với tui, lần này về mình sẽ sinh con. Ai ngờ, anh ấy chẳng trở về nữa”- Chị Bình nhớ lại

Dấu giọt nước mắt chực trào ra sau vành nón, chị Bình nhìn ra biển: “Cũng vì thương nhớ anh ấy nên tui đã dọn ra bãi biển này sống 20 năm rồi. Mọi người nói tui khùng, nhưng tui cảm thấy ấm lòng sống ở đây. Mỗi lần nhìn thấy ghe, tàu, tui luôn dõi theo, biết đâu chồng tui trở về. Tui chẳng còn người thân nào. Ba mẹ cũng mất cả rồi, ba má anh ấy cũng không còn nữa. Cái chòi này tui tự mua tôn từ người bán ve chai về dựng lên. Đêm mò ốc, ngày làm bạn với biển”. Chị Bình tỏ vẻ lạc quan vừa nói vừa cười, nhưng tôi hiểu, trong lòng chị đang trào dâng niềm đau đáu nhớ thương, dẫu niềm hi vọng chồng chị còn sống trở về chẳng bao giờ có thật.

“Bà Bình cứu nạn”

Chị Bình còn được biết với cái tên khác mà người dân quanh Bãi Nhái hay gọi là “Bà Bình cứu nạn”. Sở dĩ có cái tên ấy là vì chị Bình thường cứu bọn trẻ ra biển tắm bị đuối nước. “Tui chẳng có chuyên môn gì đâu, nhưng hễ ai hô hoán có trẻ đuối nước là tui lao ngay ra biển. Tuy ở Bãi Nhái này cạn, nhưng có chỗ xoáy thành vũng. Bọn trẻ tắm chẳng may trượt xuống vũng sâu là đuối nước ngay”, chị Bình cho biết.

Ngoài mò ốc đinh, chị Bình còn nhặt ve chai kiếm sống.  

Chị kể, ngày mùng 4 Tết, bốn đứa trẻ từ phường 12 đến tắm, hai đứa bị đuối nước. Nghe tiếng kêu cứu thất thanh từ đứa trẻ còn lại, chị văng cả miếng chánh chưng đang cắn dở cầm cái phao tròn lao ra biển. Cứu được hai đứa thoát nạn cũng là lúc nồi cơm của chị cháy đen trên bếp ga. Ngậm ngùi vì nồi cơm khét, nhưng mừng vì đã cứu được hai trẻ thoát nạn.

Tuần sau, ông Nguyễn Hữu Hà ở phường 12, là bố của em Nguyễn Hữu Dũng đem đến tặng chị cái nồi cơm điện, coi như thay lời cảm ơn. “Cái nồi cơm điện này là của ông Hà cho đấy chứ tui không có đâu. Một thân một mình, sắm chi cho nhiều. Mà cũng ngộ ghê, chẳng hiểu sao tui cứ muốn ở bãi biển này. Ở đây cũng có mấy bà đi nhặt ve chai nữa. Họ cũng góa bụa như mình nên dễ chia sẻ cảm thông”, chị Bình chia sẻ.

- Từ ngày ở đây, chị cứu được bao trẻ đuối nước rồi?

- 6 lần cứu 9 đứa, trong đó có 3 bé trai. Chúng nó đi lấy củi khô trên đồi thông, rồi xuống tắm. Phần nhiều chúng nó biết bơi, nhưng do sa vào vũng xoáy cát nên hẫng chân thôi. Nếu lúc đó không có người cứu thì chúng cũng chết đuối.

- Ở đây thường xảy ra chết đuối nước không chị?

- Không nhiều nhưng năm cũng vài vụ. Mà có cả người lớn nữa chứ không phải trẻ em không đâu nha chú. Hồi năm ngoái, tui vớt xác một học sinh vì tức giận ba mẹ bỏ nhà đi bụi rồi ra đây quyên sinh, thương lắm. Mỗi lần có trẻ xuống tắm biển, tui vẫn ngóng ra biển theo dõi chúng nó. Biết là chẳng để làm gì, nhưng nhỡ nó đuối nước thì mình lao ra cứu coi như làm phúc vậy thôi.

Chị Bình móc trong túi quần đưa ra chiếc điện thoại cũ bảo “Chiếc điện thoại này của một chú tặng tôi đấy. Cứ cuối tuần chú lại đem con ra đây tắm và nhờ tôi dạy bơi. Khi nó biết bơi rồi, chiều nào nó cũng đi tắm. Sau này tui biết, nó bị bệnh chàm khô nên phải tắm biển suốt thời gian trị bệnh. Ở bãi biển này hoang vu nhưng cũng nhiều cái bất ngờ lắm”.

Sóng tình yêu cuộn mỗi đêm về

Chị Bình dẫn chúng tôi vào “tổ ấm”- nơi mà 20 năm qua chị gắn bó với nó là một cái giường sắt cũ, mấy cái lọ chỏng chơ, cái bếp ga cá nhân, mấy bộ quần áo treo sát vách tường. “Chỗ tui ngủ đấy. Một mình nằm đâu cũng được. Ngày ăn một bữa cơm, 2 bữa mì tôm là no rồi. 2 Giờ sáng xuống biển, 6 giờ sáng lên bờ. Nếu không có người đến mua luôn thì đem ra chợ Phước Thắng bán. Kiếm ngày hơn 100 ngàn là khá rồi. Cũng có bữa không được đồng nào vì biển động, sóng lớn. Nghề này cực nhọc nhưng chẳng được bao tiền, nhưng không làm thì lấy gì mà ăn, mình lại chẳng có nghề nào ổn định”, chị Bình chia sẻ.

Chị Bình luôn hi vọng trên những ghe cá này chồng chị sẽ trở về,  

Tôi mạnh dạn hỏi về chuyện riêng tư “sao chị không đi bước nữa cho có người mà nương tựa lúc ốm đau”? thì chị trả lời “Nói thật với chú, cũng có người làm bên thủy sản tới dạm tui, nhưng tôi không đồng ý. Tui chấp nhận ở góa một mình thôi. Vẫn biết lúc ốm đau, già yếu cần một người bên cạnh, nhưng 20 năm rồi nhưng tui chưa thể nguôi ngoai được anh ấy. Cái đường điện này cũng do anh bên thủy sản đến kéo dùm đấy”.

Chị Bình cười trải lòng thêm: “Cái lạnh thấu xương nửa đêm về sáng suốt hai mươi năm ròng mò ốc mưu sinh, không sợ bằng cái lạnh cô đơn một mình trong căn chòi trống vắng. Biết vậy, nhưng trái tim tui đã đóng băng rồi. Niềm vui bây giờ của tui là ốc đinh biển, bạn là biển và những người cùng cảnh ngộ như mình”.

Chị Bình mân mê cành hoa lan nhựa trên lu nước. Cành hoa ấy chị vớt được từ biển một lần mò ốc đinh. Nó là “bức tranh” đẹp nhất trong “căn phòng” giữa cát nóng và muối biển mặn mòi. Để rồi sau mỗi đêm thức trắng cùng sóng nước, cành lan hoa tím là người bạn tâm tình giúp chị thêm nghị lực sống để trọn đời làm vọng phu cửa biển.

Ngoài cửa biển sóng vẫn vỗ ầm ầm bất tận, nhưng cũng không dâng cao  bằng sóng tình yêu chung thủy chị giành cho chồng trong suốt 20 năm qua.

“Cô Bình có hoàn cảnh rất éo le khó khăn, nhưng là người tử tế, giàu lòng nhân ái mà lại chẳng tham lam gì. Nếu không có cô Bình, nhiều đứa trẻ đuối nước ở Bãi Nhái này không còn. Con tôi cũng được cô Bình cứu sống. Gia đình tôi luôn biết ơn cô ấy và coi như người gia đình”, ông Nguyễn Hữu Hà, bố em Nguyễn Hữu Dũng- một trong những học sinh được chị cảnh cứu sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyện một đời làm vọng phu cửa biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO