Nguy cơ sa mạc hóa biển

11/08/2016 00:00

(TN&MT) - Gần đây, sự cố môi trường do Formosa gây ra khiến hơn 400 ha rạn san hô bị hủy diệt, ô nhiễm biển lan rộng và các khu công nghiệp ven biển mọc lên ngày càng nhiều, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ sa mạc hóa biển ở Việt Nam.

Lo ngại về nguy cơ sa mạc hóa biển ở Việt Nam. Ảnh: MH
Lo ngại về nguy cơ sa mạc hóa biển ở Việt Nam. Ảnh: MH

Hiện hữu nguy cơ sa mạc hóa

Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), sa mạc biển là khu vực mà tất cả sinh vật biển hoặc bị chết hoặc không sống được do điều kiện tự nhiên, chất lượng nước, cảnh quan biển chất lượng kém. Nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống ngư dân ven biển, sự phát triển bền vững, an ninh môi trường, chủ quyền biển đảo và những tác hại nghiêm trọng khác chưa lường hết được...

Sa mạc hóa biển khiến cá, động vật và thực vật biển hoặc chết hoặc phải di rời sang vùng cư trú khác và trở nên dễ tổn thương hơn bởi con người và các động vật săn mồi. Hiện nay, sa mạc hóa biển khiến 10% của rạn san hô trên thế giới đã hoàn toàn phá hủy, gây suy giảm mạnh môi trường sống của rất nhiều hải sản quý giá. Tại Việt Nam, đến nay, có khoảng 20% rạn có độ phủ san hô sống nghèo (độ phủ 0 - 25%), 60% thuộc loại thấp (26 - 50%), 17% còn tốt (51 - 75%) và chỉ có 3% rất tốt (trên 75%). Mỗi năm, nước ta mất hơn 50 tấn san hô chưa kể mất san hô đen ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Theo điều tra của Viện Hải dương học, ở các tỉnh Nam Trung Bộ cùng với việc hàng loạt rạn san hô bị xóa sổ, những thảm cỏ ven biển (có chức năng cân bằng sinh thái biển) cũng đột nhiên biến mất... Cứ đà này, 20 năm nữa, san hô không còn trong vùng biển Việt Nam, biển nước ta có nguy cơ sẽ không còn tôm cá.

Các nhà khoa học cho biết, nguy cơ sa mạc hóa tại vùng ven biển Việt Nam đang hiện hữu tại các tỉnh: Hải Phòng, Thái Bình, và từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang. Bên cạnh đó, các vùng ven biển liền kề với 18 khu công nghiệp ven biển, kéo dài từ Vân Đồn (Quảng Ninh), Đình Vũ (Hải Phòng) cho tới Năm Căn (Cà Mau), Phú Quốc (Kiên Giang). Trong đó, nguy cơ càng cao ở những khúc gần cảng quốc tế nơi tập trung nhiều tàu biển lớn qua lại như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Vũng Tàu... Mới đây, sự cố môi trường do Formosa cũng đẩy Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đứng trước nguy cơ sa mạc hóa. Ngoài ra, cần đề phòng nguy cơ các khu sa mạc ngoài khơi do hiện tượng nước trồi xảy ra vào các tháng gió mùa Tây Nam, như các vùng biển cách bờ 100 km khu vực Nam Trung Bộ thuộc các tỉnh từ Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường

Theo các chuyên gia môi trường có nhiều nguyên nhân dẫn đến sa mạc hóa biển. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do biến đổi khí hậu làm nhiệt độ không khí và nước biển nóng lên, các chất dinh dưỡng Nitơ và Phốt pho, nồng độ ôxy hòa tan rất thấp trên tầng mặt biển, tạo tiền đề cho sự hình thành khu vực biển chết hay là “sa mạc hóa biển”. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là do ô nhiễm vùng biển từ các hoạt động sản xuất của con người. Các hoạt động công nghiệp, du lịch không được kiểm soát đã gây ô nhiễm, hủy diệt hệ sinh thái biển khơi.

 Với việc khai thác hải sản bằng thuốc nổ và hóa chất gây nguy cơ hủy diệt đối với các khu vực có hệ sinh thái rạn san hô tại 16 khu bảo tồn, từ Đảo Trần, Cô Tô (Quảng Ninh) tới Phú Quốc (Kiên Giang), và các khu vực khác có san hô như Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long, ven biển Trung Bộ từ Quảng Bình đến Vũng Tàu và vùng biển Trường Sa - Hoàng Sa.

Cùng với đó là tràn dầu; chất độc hại từ các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và đô thị, các khu nuôi trồng thủy sản ven biển và các vùng sản xuất nông nghiệp đã khiến nước biển của một số khu vực có biểu hiện bị axit hóa do độ pH trong nước biển tầng mặt biến đổi. Hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện tại vùng biển Nam Trung Bộ, đặc biệt, tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận làm chết các loại tôm cá đang nuôi trồng tại vùng này. Chất lượng môi trường biển thay đổi dẫn đến nơi cư trú tự nhiên của loài bị phá hủy, gây tổn thất lớn về đa dạng vùng bờ. Khoảng 85 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 70 loài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam.

Giám sát bằng hệ thống quan trắc

Hiện, trên thế giới, các nhà khoa học đang tích cực triển khai ứng dụng vệ tinh để giám sát tình trạng sa mạc hóa biển bằng cách quan sát màu nước (ocean floor) biển, đặc biệt chất diệp lục thông qua các vệ tinh chuyên dụng để phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ sa mạc biển để có những giải pháp cảnh báo và ứng phó.

Đối với Việt Nam, theo TS. Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an toàn sinh thái biển đảo, cần xây dựng hệ thống giám sát, quản lý đặc biệt các vùng nguy cơ sa mạc biển; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phòng ngừa, cảnh báo sa mạc biển, nhất là phổ biến thông tin hiện tượng sa mạc hóa biển tới các cộng đồng dân cư ven biển, hải đảo và các tổ chức cá nhân liên quan, để họ hiểu rõ và chủ động hợp sức cùng nhau phòng tránh hiện tượng nguy hiểm này.

Chính quyền các cấp cần chủ động có các giải pháp phòng ngừa sớm như thiết lập khoanh vùng các khu bảo vệ môi trường chuẩn mực quốc tế như: khu biển đặc biệt nhạy cảm, khu vực biển đặc biệt, khu ramsar, khu di sản biển, khu dự trữ sinh quyển biển, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn san hô... Đặc biệt, đẩy mạnh kiểm soát, quan trắc tự động chất lượng nước thải, đa dạng sinh học và có sự tham gia của cộng đồng ngư dân.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm ban hành văn bản, cơ chế, chính sách, pháp luật quản lý và giải pháp thích ứng - giảm nhẹ với các khu vực có nguy cơ sa mạc biển. Cần tài trợ cho các nghiên cứu xác định danh mục, bản đồ phân bố sa mạc biển tại vùng biển ven bờ và ngoài khơi Việt Nam; đánh giá tác động môi trường, kinh tế xã hội và an ninh biển với các khu vực sa mạc biển, đặc biệt chú trọng các vùng biển giáp biên, vùng biển xa.

Mai Chi

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ sa mạc hóa biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO