Nguy cơ biển xâm thực "nuốt" cả khu dân cư

29/11/2016 00:00

(TN&MT) - Chiều ngày 29/11, nhận được thông tin của người dân, chúng tôi có mặt tại tổ dân cư số 4, Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Hiện ra trước mắt chúng tôi, từng đợt sóng biển dữ dội, tung bọt trắng xóa phủ tràn lên sát mép nhà dân khu dân cư như muốn nuốt chửng cả ngôi làng.

Sóng biển đã ngoạm sâu vào đất liền
Sóng biển đã ngoạm sâu vào đất liền

Bà Lê Thị Hải, một hộ sinh sống ngay đầu khu dân cư chỉ hàng cây phi lao, dương liễu… đã bị sóng biển đánh trốc gốc, lòi lên toàn bộ phần rễ, ngiêng ngả, xiêu vẹo nói trong lo lắng: “Mấy đêm nay do ảnh hưởng bão số 9, sóng biển lớn, đánh tràn vào tận thềm nhà, ngủ không được các anh ơi…”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nghĩa - Tổ trưởng tổ dân cư số 4, dẫn chúng tôi đi dọc hơn 600 mét bờ biển, sát khu dân cư, cho biết: Cách đây chỉ 2 năm, khu dân cư này còn cách mép nước biển tới hơn 50 mét, vậy mà bây giờ, biển đã “liếm” sát chân tường nhà nhiều hộ dân rồi.

“Cả tổ dân cư có gần 40 hộ dân, hầu như đều nằm dọc theo bờ biển, vào những ngày mưa bão cao điểm, sóng đánh tràn lên băng qua nhiều nhà dân tới 30-40 mét, tràn lên cả con đường bê tông chạy giữa thôn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân” - ông Nghĩa phân trần.

Không phải đến bây giờ, mà hơn 1 năm qua, người dân khu vực đã kiến nghị lên các cấp chính quyền, đề nghị xem xét có biện pháp chống xâm thực bờ biển
Không phải đến bây giờ, mà hơn 1 năm qua, người dân khu vực đã kiến nghị lên các cấp chính quyền, đề nghị xem xét có biện pháp chống xâm thực bờ biển

Cũng theo ông Nghĩa: “Tất nhiên nguyên nhân được đánh giá ban đầu là “biến đổi khí hậu”, nên mới xảy hiện tượng biển xâm thực dữ dội thế này. Thế nhưng, từ đầu mùa mưa tới nay, ngày nào cũng nhìn hàng cây phi lao, dương liễu chắn sóng, dần bị sóng biển đánh gục, cuốn trôi xuống biển, hàng trăm cây đã trốc gốc lòi hết rễ, đất bị cuốn ra biển, ăn vào sát mép nhà mỗi hộ dân, bà con đang rất lo lắng…”.

Khi được hỏi về tình trạng biển xâm thực dữ dội tại các khu dân cư ven biển, bà Nguyễn Thị Mười - Chánh Văn phòng UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết: Trước tình trạng biển xâm thực dữ dội tại các khu dân cư ven biển, đặc biệt là khu tổ dân cư số 4 hiện nay, UBND phường đã triển khai kiểm tra thực địa, hiện theo thống kê có hơn 600 mét bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khu dân cư. Đầu tháng 11/2016, UBND phường đã bỏ kinh phí hơn 30 triệu đồng, huy động lực lượng dùng lưới sắt, đá hộc kè chắn tạm thời, tuy nhiên kinh phí có hạn, hiện mới chỉ kè được khoảng 300 mét.

Việc kè chắn tạm thời như vậy hầu như không có tác dụng, kinh phí bỏ ra có thể là đã uổng phí
Việc kè chắn tạm thời như vậy hầu như không có tác dụng, kinh phí bỏ ra có thể là đã uổng phí

Tuy nhiên, tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nghĩa - Tổ trưởng tổ dân cư số 4 cho rằng: “Biển đang xâm thực dữ dội thế này, việc kè chắn tạm thời như vậy hầu như không có tác dụng, kinh phí bỏ ra có thể là đã uổng phí. Những ngày qua, sóng biển đã tràn qua kè chắn, cuốn theo đất cát ra biển cách bờ kè nhiều đoạn đến cả 10 mét, có nguy cơ cuốn cả bờ kè tạm thời ra biển”.

Qua tìm hiểu, PV được biết, không phải đến bây giờ, mà hơn 1 năm qua, người dân khu vực đã kiến nghị lên các cấp chính quyền, đề nghị xem xét có biện pháp chống xâm thực bờ biển. Được biết, trong tháng 10/2016, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã thống nhất chủ trương, phê duyệt dự án xây dựng bờ kè ven biển khu vực Hòa Hiệp Nam - Hòa Hiệp Bắc, với kinh phí khoảng 200 tỷ đồng. Cũng theo ông Nghĩa, không biết dự án đã được triển khai hay chưa, nhưng tại khu vực Hòa Hiệp Bắc, hiện nay ngành chức năng đang cho thi công hệ thống bờ kè tại khu vực các tổ dân cư 45 đến 46, 47…

Trước tình trạng biển xâm thực dữ dội, đang có nguy cơ “nuốt” dần khu dân cư số 4, Hòa Hiệp Bắc như hiện nay, chính quyền và ngành chức năng rất cần khẩn trương xem xét, kiểm tra lại thực tế, đánh giá tác động của môi trường biển
Trước tình trạng biển xâm thực dữ dội, đang có nguy cơ “nuốt” dần khu dân cư số 4, Hòa Hiệp Bắc như hiện nay, chính quyền và ngành chức năng rất cần khẩn trương xem xét, kiểm tra lại thực tế, đánh giá tác động của môi trường biển

Trong khi đó, khu vực trên đã có rừng cây chắn sóng, tình trạng biển xâm thực cũng ít, lại cách xa khu dân cư. “Còn khu vực bờ biển dọc tổ dân cư số 4, bị biển xâm thực nặng nề ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân, lại không thấy triển khai dự án, và cũng chưa có thông tin gì về thời gian nào sẽ triển khai” - ông Nghĩa nói thêm.

Trước tình trạng biển xâm thực dữ dội, đang có nguy cơ “nuốt” dần khu dân cư số 4, Hòa Hiệp Bắc như hiện nay, chính quyền và ngành chức năng rất cần khẩn trương xem xét, kiểm tra lại thực tế, đánh giá tác động của môi trường biển. “Nếu cần thiết, có thể di dời các hộ dân đang nằm trong khu vực nguy hiểm đến nơi tái định cư mới, nhằm ổn định cuộc sống cho nhân dân” - ông Nghĩa nhấn mạnh với chúng tôi.

Bài & ảnh: Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ biển xâm thực "nuốt" cả khu dân cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO