Người vận động Vua Mèo theo Đảng

01/09/2015 00:00

(TN&MT) - Ông Vù Mý Kẻ, ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang), làm nghề chăn ngựa cho vua Mèo Vương Chí Sình. Ông đã phấn đấu trở thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Đại biểu Quốc hội khóa II khi mới 21 tuổi. Đặc biệt, ông có công đầu vận động vua Mèo Vương Chí Sình đi theo Cách mạng và khi 34 tuổi ông nổi tiếng khắp tỉnh Hà Giang khi ngồi vào ghế Chánh án bất đắc dĩ để xét xử gần 20 tên phỉ cộm cán gieo tội ác cho dân.

Ông Vù Mý Kẻ, sinh năm 1929 tại Sà Phìn, trong một gia đình nghèo khó, lên 5 tuổi mồ côi cha. Cũng từ đó, gia đình càng thêm khốn khó, mẹ đi làm thuê, anh em ông thay nhau đi ăn xin để kiếm sống. Ông Kẻ nhớ lại: Nhà thiếu ăn thường xuyên, đói khổ nhưng mấy mẹ con vẫn động viên nhau làm lụng để sống. Năm 15 tuổi, tôi đang cuốc hố đá để trồng ngô và tình cờ gặp vua Mèo Vương Chí Sình. Nói thật lúc đó, tôi chưa hiểu hết thế nào là vua, chỉ đoán họ là người giàu có. Vua Mèo dừng ngựa nhìn ông một hồi rồi nói: Có về làm thuê cho ta không? Bỗng có người cho việc làm, cơm ăn, ông đã nhận lời và sau đó trở thành người chăn ngựa cho vua Mèo.

Chăn ngựa cho vua Mèo được 2 năm, ông đã gặp một cán bộ dưới xuôi lên chỉ dạy bà con làm Cách mạng, ông đã giác ngộ và đi theo Cách mạng, làm những việc Cách mạng giao phó. Đến tháng 12/1945, cùng với cả nước, uỷ ban kháng chiến ở Hà Giang, trong đó có ông đã quyết định khởi nghĩa và giải phóng Hà Giang. Tuy được giải phóng, nhưng tình hình chính trị của Hà Giang lúc bấy giờ vẫn rất phức tạp. Vương Chí Sình trở thành người trung lập, đang lựa chọn cho mình một đảng phái để đi theo.

Trong khi, Tưởng Giới Thạch cũng muốn kéo Vương Chí Sình về để giành Hà Giang, làm bàn đạp mở rộng địa bàn tấn công chính quyền Cách mạng. Pháp lúc đó tuy bị thất thế, nhưng cũng muốn nhảy vào thu phục vua Mèo với mục đích tái chiếm cao nguyên Đồng Văn... Lúc bấy giờ, tuy có sự giảm sút về vai trò nhưng Vương Chí Sình vẫn là “linh hồn” của các dân tộc thiểu số từ Đông sang Tây Bắc, đặc biệt là với người Mèo. Chỉ cần vua Mèo nói một lời với đồng bào mình, khi đó cả một sự đổi thay sẽ xảy ra ở miền đất này.

Xác định Vương Chí Sình là mấu chốt quan trọng cho sự ổn định ở Hà Giang cũng như toàn bộ vùng Đông và Tây Bắc, chính quyền Cách mạng đã quyết định bằng mọi giá phải thu phục được Vương Chí Sình. Và ông Kẻ được giao trọng trách trên. Gạt bỏ tất cả những nguy hiểm cho mình,  ông đã tiếp cận vua Mèo, phân tích những lẽ đúng sai, hơn thiệt cũng như vai trò và tính tích cực của chính quyền Cách mạng. Chẳng bao lâu, bằng tài thao lược và thuyết dụ của mình, ông đã thu phục được Vương Chí Sình.

Nhiệm vụ được giao thành công vào năm 1946, khi Vương Chí Sình quyết định cùng ông Kẻ xuống Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để thương thuyết. Sau lần gặp gỡ ấy, cảm phục trước con người Hồ Chí Minh cũng như chính quyền Cách mạng, toàn bộ tình hình ở Hà Giang xoay chuyển hẳn. Tuyến biên giới phía Bắc đã trở thành một phên dậu vững chắc cho quốc gia. Cũng trong năm này, khi “tuần lễ vàng” được phát động, ngoài việc vận động nhân dân trong tỉnh đóng góp ngân khố cho Cách mạng, với tư cách cá nhân, ông Kẻ đã tới vận động Vương Chí Sình đóng góp số tài sản khổng lồ gồm 22 triệu đồng bạc trắng hoa xòe và 9kg vàng.

Từ một người chăn ngựa, ông Kẻ giác ngộ lý tưởng Cách mạng và trở thành cán bộ trong Ủy ban Kháng chiến huyện Đồng Văn, sau đó, ông được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và được bầu làm Đại biểu Quốc Hội khoá II ở tuổi 21. Ông trở thành Đại biểu trẻ nhất lúc bấy giờ và giữ cương vị này cho tới hết khoá VII.

Lê Xuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người vận động Vua Mèo theo Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO