Người tiêu dùng còn thờ ơ với Luật

14/03/2016 00:00

(TN&MT) – Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã trở thành vấn đề được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa nắm rõ luật và không biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình đã khiến công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Người dân đang mất dần niềm tin vào thị trường tiêu dùng, từ hàng nông sản bởi tình trạng rau bẩn, thịt bẩn, đến hàng công nghiệp với hàng loạt vụ việc buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái… rồi quảng cáo sai sự thật, quá với tính năng của sản phẩm cho thấy, quyền lợi người tiêu dùng đang xâm hại. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã trở thành vấn đề được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa nắm rõ luật và không biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình đã khiến công tác phòng chống hàng giả hàng nhái chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Bảo vệ người tiêu dùng bằng hành lang pháp lý

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 17-11-2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01- 07-2011. Trong cơ chế thị trường, sự ra đời của Luật là một bước ngoặt quan trọng trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã được các ban, ngành chức năng triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương để thực hiện các phóng sự, bài viết, phỏng vấn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các ấn phẩm tuyên truyền đã được các cơ quan bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng in ấn và phát miễn phí đến tay người tiêu dùng.

Các hội nghị, hội thảo và tập huấn cho các cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng được tổ chức thường xuyên, rộng rãi với mong muốn người dân hiểu biết hơn về các quy định pháp luật trong lĩnh vực này, hiểu rõ hơn về tác hại của việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hang giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

Nhận thức của xã hội về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền của người tiêu dùng được nâng lên. Đặc biệt, thông quan hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tích cực tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Đặc biệt, vừa qua Bộ Công Thương đã công bố lấy ngày 15/3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Ngày Quyền của người tiêu dùng tại Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng một môi trường tiêu dùng bền vững, và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Cần phải trở thành "Người tiêu dùng thông minh"

Người tiêu dùng chưa biết quyền lợi của mình

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề được dư luận cả nước quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa nắm rõ luật và không biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình đã khiến công tác phòng chống hàng giả hàng nhái chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Theo Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, cả nước mới chỉ có 2,5% số người tiêu dùng biết tới luật hay các văn bản pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, điều này cho thấy, đối tượng cần được bảo vệ là người tiêu dùng lại chưa biết rõ về quyền lợi của mình.

Ông Phạm Hữu Bằng, Hội bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Hà Nội cho biết, nhiều người tiêu dùng khi quyền lợi của mình bị xâm phạm chỉ biết im lặng, không dám lên tiếng. Khi có tình huống vi phạm, thông thường người tiêu dùng chỉ biết phản ánh với cơ sở bán hàng và nếu không được đền bù thì cũng cho qua mặc dù họ biết có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo về số lượng và chất lượng như cam kết. Chỉ khi quyền lợi bị xâm phạm nghiêm trọng, thiệt hại với giá trị lớn thì người tiêu dùng mới gửi đơn khiếu nại và trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng không biết gửi đơn khiếu nại đến cơ quan nào, trình tự giải quyết ra sao.

Ông Bằng cho biết thêm, Hội bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng các địa phương đã được thành lập và đã tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đến nay, cả nước có 48 tỉnh có Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu hết người tiêu dùng vẫn chưa biết đến tổ chức này cũng như chưa có thói quen “dựa” vào pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ với tiêu dùng (Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam) cho rằng, một trong những khó khăn trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay là do người tiêu dùng còn thiếu thông tin, chấp nhận mua hàng chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, còn tâm lý e ngại trong việc ngại khiếu nại, tố cáo…

Bên cạnh đó, nguồn lực hỗ trợ cho công tác bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế. Công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả; hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn; nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động này tại cả trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế.... 

Cũng tại lễ công bố Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của các chủ thể tham gia thị trường nhất là các cá nhân, tố chức kinh doanh hàng hóa, đồng thời kêu gọi tất cả mọi người dân, với tinh thần "tất cả vì người tiêu dùng", hãy cũng nhau nỗ lực xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh; giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.

Phạm Thu Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người tiêu dùng còn thờ ơ với Luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO