Người “nâng” trường học khỏi lũ dữ

08/03/2018 15:56

(TN&MT) - Vì điểm trường quá thấp nên nhiều năm nay Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 luôn phải sơ tán mỗi khi nước lũ về. Quỹ đất của xã không còn, thấy thầy và trò ở...

(TN&MT) - Vì điểm trường quá thấp nên nhiều năm nay Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 luôn phải sơ tán mỗi khi nước lũ về. Quỹ đất của xã không còn, thấy thầy và trò ở trường khổ quá nên ông Vi Vũ Quang, trú ở bản Hạt, xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã hiến hơn 4.300m2 đất để xây trường học mới.
 
Hết lo khi nước lũ tràn về
 
Con đường vào xã vùng cao Yên Tĩnh - huyện Tương Dương như dải lụa uốn lượn, vắt vẻo theo triền núi. Mọi thứ ở đây đã chuyển sắc mùa xuân, bên đường lác đác những cành đào, cành mận trong vườn nhà đã kết quả. Dọc theo bờ suối, nhiều khóm hoa mọc xen giữa đá cũng khoe sắc. Tất cả, vẽ ra trước mắt một bức tranh sơn thủy càng xao xuyến lòng người trong ngày xuân ấm áp.
 
Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 nằm sát bên tỉnh lộ 543C, đoạn qua trung tâm xã Yên Tĩnh. Một vị trí đắc địa để từ đây con em ở bản Hạt, Cặp Chạng, Huồi Pai, Chà Lúm đến trường theo thuận lợi nhất bằng đường nhựa. Trong ánh nắng hiếm hoi của mùa đông năm nay, ngôi trường 2 tầng khang trang với 20 phòng học và phòng chức năng rộng rãi được sơn vàng càng làm ấm thêm không khí se lạnh của miền sơn cước. Hệ thống sân, đường nội bộ của trường được trải bê tông sạch sẽ, xem kẽ các bồn cây cảnh tạo không gian học tập thân thiện với môi trường cho các cháu. Trong khuôn viên, nhiều chiếc xích đu sơn trắng được đặt ở những vị trí tận dụng được không gian để các vui chơi sau những giờ học chính khóa. Sân trường yên ắng, chỉ có tiếng giảng bài và những dàn đồng thanh ê a đọc lẫn tiếng chim rừng thánh thót trên mấy cây cao trước sân trường - một khung cảnh yên bình hiếm hoi đối với những người sống lâu năm ở phố thị.
Học sinh trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 say sưa với những làn điệu dân ca xứ Nghệ trong hoạt động ngoài giờ
Học sinh trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 say sưa với những làn điệu dân ca xứ Nghệ trong hoạt động ngoài giờ
Giờ ra chơi, chương trình vận động ngoài trời được giáo viên ở đây tổ chức hàng ngày để thay đổi trạng thái cho các em. Hoạt động ngoài trời như chơi các trò chơi dân gian, đi cà kheo hay học hát… được triển khai đến từng lớp. Có mặt ở trường, chúng tôi thật sự xúc động khi nhìn các em học sinh người Thái học hát dân ca xứ Nghệ. Nhiều em học sinh trong trang phục người Thái lẫn đồng phục học sinh say sưa theo điệu dân ca, dân vũ. Cả cô và trò cùng đắm mình trong chất dân gian xen lẫn giữa miền xuôi và miền ngược, giữa văn hóa Thái với người Kinh tạo nên không gian yên bình đậm đà tình quê xứ Nghệ.
 
“Từ khi được anh Quang hiến đất làm trường, giáo viên và học sinh hết cảnh chạy lũ, dân bản càng yên tâm hơn khi các cháu đi học. Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 của chúng tôi giờ đây đẹp và khang trang lắm! Nhiều trường ở miền xuôi có khi còn thua kém nhé!”. Đó là lời tâm sự như reo vui của anh Lô Văn Triều làm công chức xã Yên Tĩnh, người được giao nhiệm vụ đưa đường cho chúng tôi.
 
Một giáo viên của trường cũng bật mí: Có được không gian học tập, vui chơi những thế này, chúng tôi vô cùng biết ơn anh Vi Vũ Quang. Trước đây, trường ở thấp, hay bị ngập vào mùa mưa, nay chuyển sang xây dựng ở vị trí này cao thoáng, khang trang, cả cô và trò ở đây rất phấn khởi, không còn cảnh lo sợ nước lũ ập vào trường như trước.
 
Niềm vui được nhân lên nhiều lần khi vào dịp đầu năm học này, trên 30 giáo viên và hơn 300 học sinh trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 vinh dự được đón bằng công nhận chuẩn Quốc gia về giáo dục và đào tạo mức độ 1.
 
Một tấm lòng thơm thảo
 
Ngôi nhà sàn kiến trúc theo kiểu Thái cổ của ông Vi Vũ Quang sát trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 nép mình dưới triền đồi. Tiếp chúng tôi là người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần, giọng nói mộc mạc như bao người dân tộc Thái nơi đây. Cầm bát nước chè xanh đang nóng hổi, ông Quang hồi tưởng lại những chuỗi thời gian vượt khó để có được như ngày hôm nay.
Từ một trường học chưa mưa đã ngập đến nay thấy và trò trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 đã được học trong một ngôi trường cao ráo, khang trang.
Từ một trường học chưa mưa đã ngập đến nay thấy và trò trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 đã được học trong một ngôi trường cao ráo, khang trang.
Sinh ra và lớn lên tại bản Hạt - xã Yên Tĩnh – huyện Tương Dương, bố là bộ đội nên Vi Vũ Quang luôn tự hào mình là con của lính Cụ Hồ. Gắn bó với rừng cây, khe suối, người con của bản Hạt chưa một lần li hương. Nhà ở cạnh đường trung tâm xã, đất của bố mẹ ông tích lũy được giao lại cho con. Đất vườn rộng, lại khá cao ráo, mùa mưa lũ lụt không đến nơi, địa hình khá bằng phẳng, vợ chồng ông đã trồng keo và tre lấy măng. Nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào những loại cây trồng này.
 
Tuổi thơ của ông gắn bó với những nhà học chỉ có thưng bằng tre nứa, đi học phải đi bộ nhiều cây số đường rừng. Được học làm người dưới những nhà học tạm bợ như vậy nhưng hun đúc cho ông một ý chí vươn lên. Người thanh niên của bản Hạt - xã Yên Tĩnh ngày ấy đã từng kinh qua tất cả các chức vụ: Bí thư đoàn Thanh niên bản, Trưởng bản, Bí thư chi bộ bản Hạt, công chức văn phòng ủy ban, Phó chủ tịch xã, Chủ tịch, rồi nay là Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh nên thấu hiểu hết nỗi khó khăn của xã vùng sâu này.
 
Xã Yên Tĩnh là vùng “rốn lũ” của huyện Tương Dương, do vậy, bà con nơi đây nhiều năm chịu chung cảnh sống với lũ. Nhưng thương nhất vẫn là các em học sinh ở 3 bậc học thường xuyên phải thấp thỏm vừa học vừa lo sẵn sàng chạy lũ. Thương các cháu nhiều nhưng ông vẫn chưa tìm ra giải pháp để các cháu đỡ khổ trong việc học tập.
 
Năm 2012, khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ xây trường Tiểu học cho địa phương, bằng tình thương và sự mẫn cán của người cán bộ, ông quyết định tìm vị trí mới để dời trường ra khỏi vùng trũng. Ánh mắt sáng lên khi ông hồi tưởng lại thời khắc ấy: “Cán bộ ở tỉnh, ở huyện về khảo sát, đưa họ đi nhiều nơi nhưng họ không ưng vì sợ xây lên rồi cũng bị ngập. Quay đi quay lại, lúc đó xe đi qua vườn cây, trong đầu ta lóe lên ý nghĩ xây trường học trên đất nhà mình. Ta nói cả đoàn dừng lại và chỉ thẳng tay vào khu đất nhà mình nói với cán bộ cấp trên chỉ có nơi này nữa thôi!”. Ông cũng cho biết, lúc đó cả đoàn tưởng tôi nói đùa nhưng sau đó mọi người hiểu, người đồng bào thiểu số nói là làm.
 
Nói đến đây, gương mặt người Bí thư Đảng ủy xã vui hẳn lên, ông kể lúc đó đã thống nhất với đoàn nhưng chưa bàn bạc với vợ không biết làm sao nên cũng thấy lo lo. Vì nếu hiến đất đồng nghĩa với phần lớn nguồn thu từ trồng trọt của gia đình chấm dứt. Thế nhưng, về nhà khi dốc bầu tâm sự chuyện hiến đất làm trường, vợ ông không những đồng ý mà còn tỏ ra rất vui. Được lời như cởi tấm lòng, lập tức ông cho chặt cây, làm mặt bằng mà không nhận một đồng tiền đền bù cây cối.
 
Đơn vị thi công về múc từng cành cây, ngọn cỏ gắn bó với đời mình đôi khi vợ chồng ông cũng thấy ngậm ngùi nhưng chợt nghĩ ngày mai trên khu đất của nhà mình ngôi trường mới mọc lên để thế hệ con cháu được yên tâm học tập trong môi trường an toàn, sạch đẹp hơn nên vợ chồng ông cảm thấy phấn chấn. Thấm thoắt thoi đưa, mới đó đã được gần 5 năm, các thầy cô và cháu học sinh giờ đây đang được giảng dạy và học tập từ thành quả việc làm nhân nghĩa của ông Quang. “Chuyện hiến đất làm trường bản thân cũng cho không có gì to tát vì nhiều người cũng đã làm như ta rồi mà!”- ông trả lời chúng tôi một cách khiêm tốn.
 
Ấm nước chè càng vơi thì sự cảm phục hành động đẹp của người cán bộ xã trong chúng tôi càng dâng lên. Bí thư Đảng ủy xã cũng chia sẻ thật lòng: Khi đó ông đang làm Chủ tịch xã, ở xã không tìm ra đất xây trường, mình làm cán bộ mà không san sẻ, không tiên phong làm gương thì nói dân ai chịu hiến đất cho trường. Nói nhiều cũng không bằng một việc làm cụ thể để cho dân bản thấy mình sẵn sang từ bỏ tài sản là đất của cha ông mình để lại khi dân cần. Có như vậy, con cháu mình dạy và học đỡ khổ, đỡ phải chạy lũ như chạy giặc khi nước lên.
 
Ở Yên Tĩnh, hiện, còn nhiều trường và điểm trường vẫn đang nằm trong diện báo động khi mùa mưa đến. Do vậy, lãnh đạo xã đang có chủ trương di dời dần các trường học lên nơi cao ráo hơn. Việc làm của cao cả ông Quang hiệu ứng lan tỏa nhanh hơn bất kỳ bài giảng lý thuyết về sự chia sẻ yêu thương. Học tập tinh thần vì cộng đồng của ông, hiện đã có nhiều người đã có ý định hiến đất để chuyển trường. Hy vọng, trong một ngày gần nhất, các thầy và trò bậc học ở xã Yên Tĩnh sẽ dần rời xa cảnh dạy và học chung với lũ.
 
Rời khỏi vùng “rốn lũ” của huyện Tương Dương, khi nắng chiều đã tắt, xa xa khói lam chiều đã nhuốm nhiều mái nhà sàn màu bàng bạc. Nhưng nơi này, vẫn hiện rõ một mái trường ngói đỏ, tường sơn vàng óng như làm ấm áp cả vùng núi cao khiến lòng chúng tôi bâng khuâng, xúc động. Tiếng còi xe thúc dục như đưa mọi người về thực tại, Bí thư Đảng bộ xã Yên Tĩnh - Vi Văn Quang bắt tay phóng viên thật chặt. Trong mắt ông ánh lên điều muốn nói, cánh cửa thoát ra khỏi đói nghèo của Yên Tĩnh phải được mở bằng chính chìa khóa giáo dục. Ông muốn càng sớm càng tốt đưa các trường học còn lại ra khỏi vị trí bị ngập về mùa mưa để những con chữ được gieo trên vùng đất này không bị “ngập úng” bởi những cơn lũ rừng…
 
Tạm chia tay xã vùng cao Yên Tĩnh, đọng lại trong chúng tôi những ánh mắt trẻ em người Thái trong veo đang say sưa hát trong sân trường ngập nắng ấm. Người dệt nên gam màu sáng chủ đạo trong bức tranh miền sơn cước ấy là ông Vi Vũ Quang - một người con Yên Tĩnh yên bình!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người “nâng” trường học khỏi lũ dữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO